Trong hệ thống sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, văn hóa biển, đảo là một bộ phận quan trọng. Trong đó, lễ hội văn hóa biển, đảo của cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung được xem là một nét đặc sắc của văn hóa biển, đảo nói riêng và nền văn hóa Việt Nam nói chung.
Hình ảnh lễ hội Cầu Ngư diễn ra từ ngày 08-10/02/2023 tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng (Nguồn: congan.danang.gov.vn)
Từ việc khẳng định ý nghĩa quan trọng của văn hóa biển, đảo và lễ hội văn hóa biển, đảo...
Văn hóa biển, đảo là một hiện tượng văn hóa được bắt nguồn dưới tác động của môi trường biển, đảo lên cuộc sống của con người. Từ đó, hình thành nên hệ thống những tri thức, tục lệ, giá trị, biểu tượng văn hóa… về biển, đảo. Hệ thống văn hóa biển, đảo Việt Nam không chỉ dày đặc theo không gian, có bề dày lịch sử mà còn là một trong những bằng chứng, căn cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”[i]. Trong đó, văn hóa biển, đảo là một yếu tố cấu thành của nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì lẽ đó, văn hóa biển, đảo cần được nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn, phù hợp để thực sự trở thành động lực, nguồn lực phát huy sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa, con người Việt Nam.
Từ đặc thù về vị trí địa lý, qua quá trình cộng sinh với biển, dân tộc Việt Nam sở hữu hệ thống di sản văn hóa biển, đảo rất đa dạng với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, lễ hội văn hóa biển, đảo là một sáng tạo văn hóa đặc sắc, phản ánh một cách sinh động cuộc sống của cư dân biển đảo, tái hiện cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt, thể hiện ước vọng về một tương lai tốt đẹp và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.
Con người gắn bó với biển từ rất sớm nên những sáng tạo văn hóa biển, đảo cũng xuất hiện từ rất sớm. Cuộc sống mưu sinh gắn liền với môi trường biển cả bao la đầy khắc nghiệt, cư dân vùng biển, đảo dần hình thành thói quen thờ cúng các vị thần linh, các thế lực siêu nhiên nhằm cầu mong sự bình an, thuận lợi trong quá trình vươn khơi bám biển. Từ đó, nhiều phong tục, tập quán, lễ hội văn hóa đặc sắc gắn liền với biển, đảo được duy trì, bảo tồn và phát huy.
Cùng với cộng đồng cư dân vùng biển, đảo trên khắp đất nước Việt Nam, cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung đã và đang sáng tạo một nền văn hóa đậm chất biển từ tính chất kiên cường, gan góc, bền bỉ và tính cố kết cộng đồng cao. Lễ hội văn hóa biển, đảo của cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung vừa độc đáo, đặc sắc vừa mang đậm hơi thở cuộc sống của người dân vùng biển. Đây vừa là di sản quý giá, được lưu truyền, duy trì qua nhiều thế hệ, đáp ứng nhu cầu tâm linh trong đời sống của người dân, đồng thời là nét đẹp, thu hút khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế.
Các mô hình, vật phẩm tế lễ được sử dụng trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (Nguồn: quangngaitv.vn)
Lễ hội văn hóa biển, đảo của cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung rất đa dạng, phức tạp vì liên quan đến nhiều vấn đề lịch sử với các lớp tín ngưỡng, tôn giáo đan xen lâu đời. Đây cũng được xem là những hoạt động sinh hoạt văn hóa thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia với tư cách vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ nhân hưởng thụ những thành quả do các lễ hội văn hóa biển, đảo mang lại.
... đến việc tôn vinh những giá trị đặc sắc, độc đáo của một số lễ hội văn hóa biển, đảo của cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung
Tiêu biểu nhất và đặc sắc nhất trong các lễ hội văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung là lễ hội Cầu Ngư (hay còn được gọi là lễ hội Nghinh Ông). Lễ hội này thường được tổ chức vào khoảng tháng Giêng đến tháng Sáu âm lịch ở hầu hết các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương, thời gian, phương thức tổ chức lễ hội Cầu ngư được ấn định vào các ngày khác nhau (tính theo âm lịch). Theo truyền thống, cứ ba năm một lần, lễ hội Cầu Ngư sẽ được tổ chức long trọng nhất. Đối với đời sống cộng đồng cư dân miền biển nói chung, cư dân duyên hải miền Trung nói riêng, Lễ hội Cầu ngư được xem là lễ hội lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa - cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng về một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”; vừa là dịp thể hiện ý thức “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị tiên hiền - những người có công trong việc phát triển nghề cá. Đặc biệt, việc tổ chức lễ hội Cầu Ngư còn nhằm hướng đến mục đích thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển, cũng như trong sinh hoạt cuộc sống thường ngày. Thông qua việc duy trì và tham gia hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống này, ngư dân có thêm tinh thần, động lực cho mùa ra khơi đánh bắt mới với niềm tin, hy vọng tốt đẹp, an lành.
Một lễ hội quan trọng nữa trong hệ thống các lễ hội văn hóa biển, đảo của cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa có nguồn gốc sâu xa là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào ngày 15, 16 tháng 3 âm lịch để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ. Với quan niệm rằng đội Hoàng Sa theo lệnh vua khi làm nhiệm vụ trên biển luôn gặp phải nhiều rủi ro, nguy hiểm, thậm chí không thể quay trở về, cho nên nhân dân trong làng sẽ làm giả đội binh thuyền Hoàng Sa bằng cách chuẩn bị những mô hình người bằng giấy, bột gạo, dán giấy ngũ sắc và đặt những mô hình này lên những chiếc thuyền được làm bằng thân cây chuối; sau đó đem tế tại đình và thả ra biển. Nghi thức này được thực hiện với mong muốn đội thuyền giả kia sẽ chịu mọi rủi ro, bất trắc thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Sau này, khi đội Hoàng Sa không còn nữa, nghi thức này vẫn được các tộc họ trên đảo thực hiện như một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân Lý Sơn. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, phản ánh lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nghi lễ tại đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn không chỉ góp phần khơi dậy lòng yêu nước, mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn, Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.
Các thuyền đua xuất phát trong lễ hội đua thuyền truyền thống vào ngày 02/9/2023 trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (Nguồn: quangbinh.gov.vn)
Cùng với lễ hội Cầu ngư và lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền truyền thống cũng là một trong những lễ hội có tầm vóc, quy mô lớn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 02 tháng 9) hằng năm ở các địa phương duyên hải miền Trung. Lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức như một nghi lễ của người dân bản địa với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, thóc lúa về đầy bồ, đầy nương. Đây cũng là dịp để thanh niên trai tráng trong làng thi thố tài năng với nhau, rèn luyện sức khỏe để có thể đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt; đồng thời là điểm thu hút khách tham quan, du lịch bởi sự náo nhiệt, không khí vui tươi của lễ hội. Hòa cùng không khí sôi nổi của những ngày lễ quan trọng của đất nước, lễ hội đua thuyền truyền thống còn là dịp để người dân cùng hướng về quê hương, tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người đi trước đã hi sinh vì độc lập dân tộc.
Như vậy, với nhiều nét đặc thù, hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa cổ truyền và có tác động sâu rộng đến đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung, các lễ hội văn hóa biển, đảo đặc sắc, trong đó có lễ hội Cầu Ngư, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và lễ hội đua thuyền truyền thống đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động, đa sắc màu của lễ hội văn hóa vùng biển, đảo. Qua đó, góp phần bồi đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước cho mỗi người dân cũng như ý thức bảo vệ, phát huy những giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc.
[i] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 330.
Phạm Ngân