Cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu, đất trời mưa thuận gió hòa luôn là ước vọng vĩnh cửu của con người, và các dân tộc Tây Nguyên đã gửi gắm ước vọng đó vào trong sự tuần hoàn của vũ trụ, tự nhiên và sinh hoạt của cộng đồng, mà biểu hiện đặc sắc nhất chính là lễ mừng lúa mới.
Lễ cúng mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: baodantoc
Mừng lúa mới là lễ hội tiêu biểu cho văn hóa sinh hoạt và lao động của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, gắn liền với tập quán sản xuất nương rẫy, là một trong những lễ hội ra đời sớm nhất ở Tây Nguyên. Theo truyền thống, từ tháng 11 dương lịch năm trước đến tháng Giêng năm sau là thời gian rảnh rỗi của bà con sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa thắng lợi và cũng là thời gian cho đất nghỉ ngơi, là quãng thời gian lý tưởng để tổ chức lễ hội. Lễ mừng lúa mới đánh dấu một mùa vụ bội thu trong năm đó, thể hiện sự tôn vinh các giá trị lao động, trân trọng những sản phẩm được tạo ra từ công sức của con người, tỏ lòng thành kính và biết ơn Giàng cùng những vị thần tự nhiên như thần sông, thần núi…, bày tỏ mong ước cho một năm tới lại có mùa màng tốt tươi, cuộc sống an vui, sung túc.
Lễ mừng lúa mới được tổ chức ở hầu hết các địa phương ở dải Trường Sơn. Ban đầu, các gia đình thường tổ chức tuần tự, từ nhà này sang nhà khác rồi đến hết buôn làng. Quy mô lớn hay nhỏ, thời gian kéo dài nhiều hay ít ngày vì thế cũng tùy thuộc và mùa vụ thu hoạch của mỗi gia đình. Nhưng không khí chung vẫn luôn là rộn ràng và ấm cúng, vì đây là dịp để gia chủ mời bà con, anh em, bạn bè, láng giềng tới cùng chung vui thành quả lao động, cùng ăn uống, múa hát và hàn huyên, chuyện trò. Mỗi gia đình đều cố gắng tổ chức cho thật tươm tất, chu đáo để khách đến nhà đông vui, đem tới điều may và vinh dự cho gia chủ. Vì vậy, ngoài những nghi thức tâm linh như cúng thần, cúng hồn lúa, cúng tổ tiên tạo mối giao hòa giữa con người với thần linh, với tự nhiên thì người Tây Nguyên còn đánh cồng, chiêng trống, múa hát sôi nổi để thu hút sự tập trung đông người cho các hoạt động vui chơi tập thể, tạo sự giao hòa giữa con người với con người.
Lễ mừng lúa mới được chuẩn bị kỹ lưỡng, trước đó cả tuần lễ, các gia đình sẽ tập trung ở Nhà Rông để nghe già làng phổ biến về thời gian tổ chức và phân công công việc cho các các thành viên trong buôn làng. Thường thì phụ nữ sẽ lo các công việc nội trợ chuẩn bị gạo, gùi nước, hái rau, dọn dẹp nhà cửa, đàn ông thì đi rừng săn bắt các loại thú rừng, đốn củi, sửa sáng lại Nhà Rông. Dù mỗi địa phương có những khác biệt nhất định trong nghi thức, cách thức tổ chức, nhưng nhìn chung, lễ mừng lúa mới vẫn luôn là lễ hội chung của cả cộng đồng, là dịp để các gia đình chuẩn bị những ché rượu cần ngon nhất, nướng cơm lam, nướng thịt góp với cộng đồng buôn làng để tổ chức nghi lễ. Đúng ngày giờ chính lễ, các gia đình sẽ mang lễ vật ra Nhà Rông để cùng già làng làm lễ cúng và mời Thần linh về ăn cơm mới. Lễ vật để cúng cho thần linh bao giờ cũng có thịt heo, cơm nấu từ gạo của vụ mùa vừa kết thúc. Đầu heo để cũng trời đất phải chọn từ con heo ngon nhất và ở một số địa phương, mâm lễ vật không thể thiếu thịt chuột đồng. Trong lễ thì ai cũng phải ăn thịt chuột để con chuột không còn để đi phá hoại mùa màng, vì quan niệm cầu mong cho sang năm mùa màng bội thu, không bị thất thoát từ những loài vật phá hoại.
Hoạt động múa hát trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: baodantoc
Nghi thức chính của lễ mừng lúa mới là việc già làng đại diện cho người dân báo với trời đất, thần linh về tình hình thu hoạch nông phẩm của cả buôn làng với đồ lễ là những thức mà bà con làm ra như cơm, thịt gà, thịt heo… Đồng thời cảm ơn trời đất và thần linh đã ban cho mùa vụ năm nay được bội thu, hoặc nếu năm nay mất mùa, thì cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được mưa thuận gió hòa, cây trồng không bị dịch bệnh hay bị thú rừng phá hoại để mọi người có cuộc sống ấm no. Sau lễ cúng, toàn bộ người dân tụ hội tại Nhà Rông để cùng nhau ăn bát cơm gạo mới, cùng uống những ché rượu cần ngon nhất. Cùng lúc đó, các nhạc cụ như cồng chiêng, đàn sáo bắt đầu nổi lên vang động núi rừng để đón chào một vụ mùa bội thu mới. Trong suốt những ngày lễ hội, mọi người đều tập trung tại Nhà Rông để đánh cồng chiêng, cùng múa hát.
Đối với một số dân tộc ở Tây Nguyên, lễ mừng lúa mới cũng kèm theo nhiều nghi thức quan trọng khác, là dịp để các gia đình làm lễ trưởng thành cho các chàng trai, cô gái và đây cũng là dịp cho các đối nam nữ giao duyên, kết bạn. Khi ấy các buôn làng tổ chức đánh chiêng, hàng xóm mời nhau qua nhà nhau về nhà ăn cỗ, cùng nấu gạo mới trong các ống nứa, ống lồ ô. Ngày đó tất cả theo chỉ đạo của già làng, từ già trẻ, gái trai đều cùng tập trung ăn uống và dự lễ. Từ Nhà Rông, già làng và các thành viên trong buôn làng bắt đầu đi đến từng gia đình để chúc mừng một mùa lúa mới thóc luôn đầy ắp trong nhà. Tại các gia đình, cũng tổ chức ăn cơm gạo mới, uống rượu, đánh cồng chiêng, múa hát quanh bếp lửa. Cơm sẽ được tung vãi xung quanh nhà, bởi đồng bào quan niệm làm như vậy mùa vụ sau mùa màng sẽ tốt tươi hơn, lúa ngô sẽ nhiều hơn, tha hồ vung vãi như hôm nay.
Tiếng nhạc rộn ràng, tiếng hát lời ca, tiếng cười nói sẽ vang vọng núi rừng Tây Nguyên được tô điểm bởi sắc màu của trang phục người dân trong những ngày diễn ra lễ hội… Tất cả như để nạp một nguồn năng lượng tinh thần tươi mới để sau đó, bà con lại trở về với công việc đồng áng của mình, cùng một niềm tin về những mùa vàng bội thu, về cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình và buôn làng của mình.
Trên dải Trường Sơn, các dân tộc Tây Nguyên hiện lên rạng rỡ qua rất nhiều lễ hội. Lễ mừng lúa mới có lẽ là một trong những lễ hội cổ xưa nhất, lưu dấu nền sản xuất nương rẫy tự cung tự cấp, lắng đọng những giá trị tâm linh, thể hiện khát vọng và tự hào về cuộc sống lao động, vươn lên giữa tự nhiên của con người, là sức mạnh tinh thần gắn kết giữa con người với đất trời, con người với con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thành Đặng