Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga thông báo ngừng hoạt động vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 khiến nguồn cung khí đốt từ Nga sang một số nước châu Âu bị gián đoạn. Nguồn cung giảm mạnh khiến các chính phủ châu Âu phải loay hoay tìm nguồn năng lượng thay thế, gây ra lo ngại về khả năng cắt điện và suy thoái.
Để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các thành viên tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt vào mùa thu và mùa đông. Hiện các nước EU đang nỗ lực thực hiện những biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Tại Đức, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã đưa ra một loạt các biện pháp có hiệu lực từ đầu tháng 9 với hy vọng giảm khoảng 2% mức sử dụng khí đốt như các tòa nhà công cộng được làm nóng tối đa đến 19 độ C, mặt tiền cửa hàng cấm chiếu sáng vào ban đêm...
Còn ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi giảm sử dụng khí đốt 10%. Đèn trên Tháp Eiffel sẽ tắt sớm hơn một tiếng so với quy định. Chủ cửa hàng nếu mở điều hòa mà không đóng cửa sẽ bị phạt 750 euro... Thụy Điển thì đóng cửa các nhà thờ và các phòng tắm hơi ở nhiều thành phố trong nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng và giảm chi phí trong mùa đông này. Một số báo cáo ước tính rằng nếu châu Âu có thể cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt cho đến tháng 3-2023, khu vực này có thể đối phó với mùa đông...
Cùng với các nỗ lực nêu trên, các nước EU cũng đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để giảm khó khăn trước mắt. Ngày 19-9, Đức cho biết, nước này đang tìm cách ký thỏa thuận mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với các nhà sản xuất Vùng Vịnh. Trong khi đó, Bồ Đào Nha cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. “Giống như tất cả các nước châu Âu khác, Bồ Đào Nha cũng đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn”, Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Duarte Cordeiro nói, đồng thời thúc giục Ủy ban châu Âu thúc đẩy kế hoạch về nền tảng thu mua khí đốt chung EU.
Không chỉ giảm tiêu thụ, lấp đầy kho dự trữ nhằm thay thế nguồn khí đốt của Nga, EU còn cam kết hỗ trợ tài chính trị giá hàng trăm tỷ euro cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đức là nước chi nhiều nhất cho các biện pháp hỗ trợ, ước tính khoảng 100 tỷ euro.
Italia mới đây đã thông qua gói viện trợ thứ ba, trị giá khoảng 14 tỷ euro, để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với tình trạng chi phí năng lượng và nhiên liệu tăng cao. Gói viện trợ mới bao gồm khoản trợ cấp 1 lần số tiền 150 euro cho những người có thu nhập dưới 20 nghìn euro/năm, 190 triệu euro cho những nông dân gặp khó khăn vì chi phí năng lượng tăng và 100 triệu euro cho lĩnh vực giao thông công cộng.
Chính phủ Bỉ đã thông qua gói các biện pháp năng lượng mới, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng vọt. Nhờ vào các biện pháp mới, hóa đơn tiền điện và khí đốt của các hộ gia đình sẽ giảm khoảng 400 euro/tháng trong tháng 11 và tháng 12 tới.
EU đã vạch ra các biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng tiềm ẩn trong mùa đông này. Ban lãnh đạo EU cũng đề xuất giới hạn mức trần giá bán năng lượng và thiết lập mức giá chuẩn cho khí đốt. Dự kiến, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU sẽ thảo luận các đề xuất trên vào ngày 30-9 tới, trước khi lãnh đạo 27 quốc gia thành viên nhóm họp 1 tuần sau đó về vấn đề này.
Theo Hanoimoi.com.vn