Về mức độ can thiệp của Chính phủ, trước hết với những kết quả đạt được ở mức độ tự do thị trường đã là bằng chứng rõ về quy mô và phạm vi tác động của Chính phủ tới nền kinh tế thị trường là tích cực. Tiếp đến, ở phương diện trọng trách khác, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực cao trong hoàn thiện hệ thống thể chế, trực tiếp là kịp thời ban hành các chính sách để khuyến khích hoạt động kinh doanh và có tác động tích cực đến sự tự do kinh tế của các doanh nghiệp, của người lao động. Cụ thể, Chính phủ đã có những Nghị quyết[1] quan trọng nhằm tạo khung khổ thể chế để các doanh nghiệp, các chủ thể xã hội phát huy các quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, sản xuất, tự do lao động; tự do tiền tệ...cải cách hành chính, thuế tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và giảm áp lực thuế để các doanh nghiệp và các chủ thể xã hội tạo ra sự tăng trưởng kinh tế và việc làm đều đặn. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật sở hữu trí tuệ …đã mang đến những sự cải thiện rõ ràng trong xây dựng kinh tế thị trường tại Việt Nam... Chỉ số gánh nặng thuế cũng được cải thiện liên tục từ năm 1995 đến nay. Đặc biệt, sự cải thiện đáng kể trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… đã góp phần cải thiện môi trường thuế của doanh nghiệp và hướng đến nền kinh tế thị trường.
Đồng thời, Chính phủ cũng luôn lắng nghe kiến nghị từ doanh nghiệp và hỗ trợ tiếp sức cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Kết quả là tính đến ngày 30/9/2023, nền kinh tế Việt Nam có 881.229 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 26.871 doanh nghiệp (3,15%) so với cùng kỳ năm 2022; có 115.935 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3.602 doanh nghiệp (3,21%) so với cùng kỳ[2]. Tất nhiên, cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định trên phương diện hiệu lực thực thi chính sách...
Như vậy, căn cứ trên các tiêu chí đánh giá và so sánh kết quả hiện thực, có thể đưa ra một số nhận định sau:
Một là, theo tiêu chí tự do kinh tế, thì phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam có nhiều cải thiện rõ rệt.
Hai là, trên phương diện quy mô và phạm vi tác động của Chính phủ đều ghi nhận những sự cải thiện rõ ràng qua việc các tiêu chí đều có sự khuyến khích của Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến các cải thiện hệ thống luật pháp theo hướng tôn trọng các quy luật của thị trường và nâng cao các áp lực cạnh tranh.
Ba là, ngoài việc chú trọng đáng kể ở các phương diện đánh giá quan trọng với các kết quả được ghi nhận trên, các chủ thể đánh giá cần thấy rằng, nhờ thực hành tốt phát triển kinh tế thị trường mà Chính phủ Việt Nam đã và đang có được nhiều hơn những cải thiện trên phương diện xã hội, đó là: giảm nghèo đa chiều chuyển biến tích cực; thực thi khả quan trong giảm bất bình đẳng giới; gia tăng trách nhiệm giải trình của các chủ thể Chính phủ đối với doanh nghiệp, người dân; gia tăng mức độ tham gia của doanh nghiệp, người dân và thực thi các cam kết quan trọng đảm bảo chất lượng môi trường.
3. Hiện thực phát triển kinh tế Việt Nam là bằng chứng sống khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là nền kinh tế thị trường đáp ứng các tiêu chí hiện hành
Với gần 40 năm hình thành và phát triển, bằng những cải cách mạnh mẽ, song có lộ trình, kết quả đạt được trên hành trình Việt Nam xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập, đó là[3]:
- Chuyển Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, đến quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD năm 2023, tăng khoảng hơn 53 lần, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với khi bước vào đổi mới; tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9% so với mức hơn 20% ở thời điểm trước đổi mới. Đặc biệt, giai đoạn 1986-2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới.
- Việt Nam từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu cao. Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đến năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đầu tư thu hút được gần 438,7 tỉ USD và hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế. Theo đó, cũng là nền kinh tế có quan hệ đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, tỷ lệ thương mại so với GDP của Việt Nam đạt tới hơn 200%, điều này minh chứng Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất trên toàn thế giới. Điều ấy cho thấy, có những mặt, Việt Nam đã và đang làm tốt hơn các nước đã được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Lời kết: ghi nhận và tự tin về những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển nền kinh tế thị trường gần 40 năm qua, song chúng ta cũng cần nhận thức rõ rằng, trên thực tế việc có được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không phụ thuộc không chỉ vào các yếu tố kinh tế - kỹ thuật nêu trên mà còn phụ thuộc cả vào các yếu tố chính trị. Cụ thể, tính đến 8/2024, Việt Nam đã được 73 nước công nhận là nền KTTT, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi đó, Mỹ và EU chưa công nhận. Điều này cho thấy tiêu chí để công nhận nền kinh tế thị trường cũng khác nhau...và chính ngay trong bộ tiêu chí của EU và Mỹ cũng có tiêu chí “Các yếu tố khác” đã bao hàm ý nghĩa đó.
Mặc dù vậy, với những thành tựu đã đạt được và đặt trong bối cảnh quốc tế, khu vực, cùng đặt trong tương quan so sánh với các nền kinh tế thị trường của các quốc gia khác, Việt Nam đã hội đủ các tiêu chí để các tổ chức quốc tế, khu vực và Mỹ trao cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường là thoả đáng cả trên phương diện công bằng giữa các quốc gia[4], vừa đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có Việt Nam và Mỹ đã là đối tác chiến lược toàn diện.
[1] Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
[2] Đảng, Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân.https://hatinh.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/tin-bai/17181/dang-nha-nuoc-luon-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-doanh-nhan
[3] Kinh tế Việt Nam nhìn lại sau gần 40 năm đổi mới. https://vneconomy.vn/kinh-te-viet-nam-nhin-lai-sau-gan-40-nam-doi-moi.htm
[4] Bởi không phải mọi thứ đều hoàn hảo, vì vậy cũng không quốc gia nào trên thế giới có “kinh tế thị trường hoàn hảo”.
Phạm Thị Túy