1. Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là lời hiệu triệu đầy tâm huyết và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước trong thời điểm mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ và vị thể như hôm nay. Quả đúng như vậy, trải qua chặng đường gần 35 năm đổi mới, trong đó có 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII có nhiều kết quả nổi bật, đất nước đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội, văn hóa tới chính trị, an ninh, quốc phòng. Từ một đất nước nghèo nàn, đầy khó khăn trong thế bao vây, cấm vận nay đã là một nước hội nhập, có quan hệ rộng mở, được toàn thế giới đánh giá cao về vị thế, tiếng nói. Đời sống của nhân dân được cải thiện không ngừng, đã vượt qua ngưỡng kém phát triển, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Điều quan trọng là cùng với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện khẩu hiệu “bảo đảm công bằng trong từng bước phát triển”, không để ai bị bỏ lại phía sau mà không được hưởng thụ thành quả phát triển (tỉ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993, 9,88% năm 2016 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2020).
Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ và vị thể như hôm nay
Đặc biệt, trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ và kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới, gây khó khăn nghiêm trọng và kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, giữ được mức tăng trưởng khả quan so với các nước, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của thế giới năm 2020. Điều này càng chứng tỏ sức mạnh nội lực của sự thống nhất, đoàn kết của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành nhạy bén, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự năng động sáng tạo của các thành phần kinh tế và toàn xã hội.
Với thời cơ, thuận lợi và thành tựu đạt được, Việt Nam cần và có điều kiện để thực hiện khát vọng hùng cường trong một khoảng thời gian không xa. Đó là tầm nhìn và sứ mệnh của Đảng, thể hiện trong dự thảo các văn kiện sẽ được Đại hội XIII thông qua. Chắc chắn rằng mọi người dân Việt Nam đều rất phấn khởi và hy vọng với tầm nhìn và mục tiêu khát vọng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tự hào, lạc quan chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, vào thời điểm đầu của thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, đất nước vẫn còn nhiều yếu kém trên các mặt. Về kinh tế, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tính tự chủ, khả năng cạnh tranh quốc tế, khả năng chống chịu với rủi ro của nền kinh tế chưa cao và nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu.
Chúng ta còn có những vấn đề gây bức xúc khác như quản lý tài nguyên, môi trường còn kém; chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp; tình trạng quan liêu, phiền hà, tham nhũng, lãng phí còn nặng... Những yếu kém đó do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, vừa thuộc về các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước vừa thuộc về nhận thức và thói quen của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều đang đối diện với những cơ hội, khó khăn, thách thức khách quan giống nhau. Đó là toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hợp tác và cạnh tranh kinh tế quyết liệt trên phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu và cả dịch bệnh bất ngờ, các diễn biến khó đoán trong quan hệ quốc tế… Nhưng với Việt Nam, một số khó khăn chung còn ở mức nghiêm trọng hơn, chẳng hạn Việt Nam được dự báo sẽ là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu; thậm chí chúng ta còn có khó khăn riêng mà không phải quốc gia nào cũng phải đối mặt, chẳng hạn hậu quả lâu dài của chất độc da cam, là âm mưu và hoạt động chống phá thường xuyên, liên tục của các thế lực thù địch...
Những yếu kém, khuyết điểm và những khó khăn, thách thức từ bên ngoài khiến cho không ít người lo lắng, thậm chí hoài nghi vào tương lai của đất nước. Với tư cách là người đứng đầu đảng cầm quyền, là người lãnh đạo đất nước, những lời tâm huyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vào lúc này lại càng có ý nghĩa như lời hiệu triệu, kêu gọi toàn Đảng, mỗi tổ chức, đảng viên và cán bộ phải thực sự nhận thức hết trách nhiệm đối với tương lai của đất nước. Vận mệnh của Đảng gắn với vận mệnh của đất nước, nếu không đưa đất nước tiến kịp thời đại, sánh ngang với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn thì Đảng sẽ đánh mất đi vai trò lãnh đạo của mình trước dân tộc.
2. Những tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược và nguyên tắc của Đảng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuy ngắn gọn nhưng khái quát hầu như tất cả những gì căn bản và tinh túy nhất của các văn kiện sẽ trình Đại hội lần thứ XIII thông qua. Đó là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ 35 năm đổi mới và xây dựng đất nước, là tư tưởng chiến lược phát triển, là quan điểm về động lực và nguồn lực, các nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của đổi mới, phát triển.
Thứ nhất, phải kiên định trong quá trình đổi mới. Đó là “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta,đã được Đảng ta khẳng định tại Đại hội lần thứ VII (năm 1991), trong Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và luôn được khẳng định lại tại các Đại hội Đảng. Đổi mới là tất yếu nên cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Từ thực tiễn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định: Nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Quả thật, đây là bài học rút ra từ cải cách, cải tổ ở một số nước khác trên thế giới và từ thành công của công cuộc đổi mới của nước ta trong những năm vừa qua.
Thứ hai, trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý, Đảng và Nhà nước phải xử lý tốt các mối quan hệ biện chứng. Những mối quan hệ này đã được phát hiện, đề ra từ những nhiệm kỳ trước (từ Đại hội X đến Đại hội XII) nay được bổ sung thêm, tạo thành 10 mối quan hệ cần được nhận thức và xử lý khéo léo. Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Chỉ ra các mối quan hệ đối lập, song gắn bó thống nhất với nhau như trên chính là thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin mà trước hết và quan trọng hơn hết là vận dụng phương phápduy vật biện chứng vào nhận thức và hoạt động thực tiễn. Theo đó, trong việc đề ra chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải quán triệt được những mặt đối lập trên, không được xem nhẹ mặt nào.
Thứ ba, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới là vai trò lãnh đạo của Đảng.
Về mặt lý luận, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thành công của đổi mới và phát triển đất nước là do cả dân tộc làm nên. Nhưng làm thế nào phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, làm thế nào tạo nên khối đại đoàn kết thực sự và hướng sức mạnh đại đoàn kết vào đâu... thì lại tùy thuộc vào uy tín và năng lực của lực lượng lãnh đạo và người lãnh đạo đất nước.
Về mặt thực tiễn, toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong những năm qua đã chứng minh cho vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là đảng cầm quyền, đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo hệ thống chính trị, trong bối cảnh mới của đất nước, trách nhiệm của Đảng lại càng lớn. Nhân dân và đất nước tin tưởng, trông chờ vào Đảng.
Ý thức rõ điều đó, trong tất cả các nhiệm kỳ, bằng ý chí và hành động thiết thực, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đẩy mạnh, có nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Những kết quả tích cực đó đã tạo được niềm tin tưởng, phấn khởi và ủng hộ của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân với Đảng.
Từ thực tiễn đó, dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII khẳng định rõ hơn yêu cầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc đến trong bài viết: “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng, nghiêm túc của toàn Đảng và lời hiệu triệu tâm huyết, đầy trách nhiệm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ là dấu mốc mới trên con đường phát triển đầy khát vọng của dân tộc ta, đất nước ta.
Công Vũ