Hiệp định sơ bộ được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp ký ngày 6/3/1946. Đối với mỗi bên, việc ký kết Hiệp định sơ bộ có những ý nghĩa, lý do khác nhau. Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hiệp định sơ bộ là văn bản ngoại giao đầu tiên cho thấy rõ thiện chí hoà bình của dân tộc Việt Nam
Tránh cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù
Những năm 1945-1946, đất nước trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chỉ nói về lực lượng quân đội nước ngoài đã có tới bốn nước: quân Anh-Ấn, quân Pháp, quân Trung Hoa Dân quốc và lực lượng phát xít Nhật đang chờ giải giáp. Để thoát khỏi tình thế khó khăn đó, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương “dĩ bất biến, ứng vạn biến” với sách lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, lực lượng, lợi dụng mâu thuẫn giữa các lực lượng, đối tượng để phân hoá, cô lập họ tránh cho đất nước cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Vì thế, khi Trung Hoa dân quốc và Pháp ký với nhau Hiệp ước Trùng Khánh 28/2/1946, tạo điều kiện pháp lý để quân Pháp ra miền Bắc thay quân Trung Hoa dân quốc làm nhiệm vụ quốc tế và quân đội Trung Hoa dân quốc rút về nước (hạn cuối là ngày 31/3/1946), Đảng nhanh chóng nhận định rõ: “Hiệp ước Hoa-Pháp không phải là chuyện riêng của Tàu và Pháp. Nó là chuyện chung của phe đế quốc và bọn tay sai của chúng ở thuộc địa. Dù nhân dân Đông Dương muốn hay không muốn, nhất định chúng cũng thi hành Hiệp ước ấy”[1]. Thế nên lúc này cần “biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”[2].
Từ phân tích trên, Đảng quyết định hoà hoãn với thực dân Pháp để: 1) Tránh tình thế bất lợi : phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động (thực dân Pháp, Tàu trắng, bọn phản cách mạng trong nước), chúng sẽ đúc thành một khối và được bọn đế quốc Anh, Mỹ giúp sức để đánh ta trong khi các lực lượng hoà bình, tự do và tiến bộ trên thế giới (như Liên Xô, phong trào cộng sản ở Tàu và Pháp, cách mạng thuộc địa) chưa thể trực tiếp giúp ta được. 2) Bảo toàn thực lực dành lấy giây phút nghỉ ngơi và củng cố vị trí mới đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào. Tóm lại để chuẩn bị đầy đủ nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới”[3].
Việc ta ký Hiệp định sơ bộ với Pháp đã góp phần đẩy nhanh hơn quá trình quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa rút về nước, biến thoả thuận tay đôi Hoa - Pháp thành thoả thuận tay ba Việt - Pháp - Hoa, kết thúc vai trò pháp lý quốc tế của lực lượng Trung Hoa dân quốc ở Việt Nam và làm mất chỗ dựa của lực lượng phẩn động người Việt thân Trung Hoa dân quốc chống phá cách mạng.
Làm thất bại một bước âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp
Ngay sau ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 không lâu, thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh, đã quay trở lại đánh chiếm Nam Bộ (23/9/1945) và coi đó chỉ như một cuộc “dạo mát quân sự”, ý định thôn tính Nam Bộ trong vòng 18 ngày để nhanh chóng mở rộng sự chiếm đóng, đặt ách thống trị trở lại trên toàn đất nước Việt Nam.
Song tinh thần chiến đấu kiên cường của đồng bào Nam Bộ và quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến, bảo vệ nền độc lập tự do mới giành được, thực dân Pháp không thể thực hiện được kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” . Thay vì 18 ngày, thực dân Pháp phải mất sáu tháng mới tạm bình định được Nam Bộ và tìm cách thương lượng với quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để đưa quân ra miền Bắc.
Đại diện Việt Nam, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa dân quốc sau khi ký Hiệp định sơ bộ (Ảnh tư liệu)
Hiệp định sơ bộ có những nội dung cơ bản như: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ của mình, Nghị viện của mình, quân đội của mình, tài chính của mình, và là một phần tử trong Liên bang Đông Dương ở trong khối Liên hiệp Pháp. Về việc hợp nhất ba “kỳ”, Chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận, nhưng quyết định của nhân dân trực tiếp phán quyết[4]. Đồng thời, Phụ khoản Hiệp định cũng ghi rõ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp (gồm cả số lính Pháp hiện đã đóng ở Bắc vĩ tuyến 16 trở ra) để thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc ở miền Bắc Việt Nam. Cứ mỗi năm một phần năm (1/5) số quân Pháp sẽ về Pháp để quân đội Việt Nam thay thế. Như vậy trong 5 năm, quân đội Việt Nam sẽ thay thế toàn bộ 15.000 quân Pháp và quân Pháp rút hết về nước[5].
Hành động đàm phán, thương lượng của Pháp với Việt Nam cùng những điều khoản, Phụ lục cơ bản của Hiệp định sơ bộ đã xác nhận trên thực tế nước Pháp đã thừa nhận Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp mà là một nước tự chủ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đối với nước Việt Nam ta, sự ký kết đó có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam ta là một nước tự chủ”[6].
Việc Hiệp định được ký kết trước sự chứng kiến của đại diện các nước Mỹ, Anh và Trung Hoa khẳng định rõ hơn điều này. Đồng thời, với sự ràng buộc của Hiệp định sơ bộ, Pháp đã không thể tiếp tục thực hiện kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh, phải 9 tháng sau, đến ngày 19/12/1946, thực dân Pháp mới có thể mở rộng chiến tranh trên cả đất nước Việt Nam.
Hiệp định sơ bộ là bước đi cần thiết, hy sinh không gian để tranh thủ thời gian, biến thời gian thành lực lượng vật chất, củng cố thực lực một cách toàn diện để đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp.
Đặt cơ sở pháp lý đầu tiên mở ra các mối quan hệ tiếp theo của hai nước Việt - Pháp
Một trong những điều khoản chính của Hiệp định sơ bộ xác định: Sau khi ký Hiệp định, hai Chính phủ lập tức quyết định mọi phương sách cần thiết để đình chỉ ngay cuộc xung đột, để giữ nguyên quân đội hai bên tại vị trí hiện thời để gây một bầu không khí êm dịu cần thiết cho việc mở ngay cuộc điều đình thân thiện và thành thực bàn về những vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước Việt – Pháp. Cuộc Hội nghị tiếp theo có thể mở ở Hà Nội, Sài Gòn hay Paris[7].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá việc ký kết Hiệp định đã đưa hai nước Việt - Pháp “đi đến một kết quả đầu tiên là hai bên đình chiến ngay để mở đường cho những cuộc đàm phán chính thức sau này” và đây là “Bước đầu của cuộc đàm phán để đi đến thắng lợi. Cuộc đàm phán đầu tiên đã gây dựng được những điều kiện chính trị mà chúng ta phải biết lợi dụng để đạt tới cái mục đích Việt Nam hoàn toàn độc lập”[8].
Hiệp định là một thắng lợi chính trị lớn lao, đưa nước ta tới một vị thế quốc tế mới, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên trường quốc tế.
Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa được quốc gia hay tổ chức quốc tế nào công nhận và đặt quan hệ ngoại giao.
Ngay sau Hiệp định, giữa Pháp và Việt Nam đã có nhiều hoạt động thương thuyết, đàm phán, ngoại giao bàn về mối quan hệ hai nước: tiến hành Hội nghị trù bị ở Đà Lạt từ 16/4 đến giữa tháng 5/1946; một phái đoàn Quốc hội Việt Nam đi thăm thiện chí Quốc hội và nhân dân Pháp; từ 31/5 đến 20/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp; từ 6/7 đến 10/9/1946 tiến hành Hội nghị Fontainebleau, bàn về tương lai quan hệ Việt - Pháp... và hai nước tiếp tục ký kết Tạm ước 14/9/1946…
Nhưng với dã tâm trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã khước từ mọi nỗ lực đàm phán, thiện chí hoà bình, hợp tác của Việt Nam.
Việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ thể hiện mong muốn hoà bình, hợp tác thành thực của Việt Nam với Pháp. Tuy rằng chiến tranh vẫn xảy ra, quan hệ hai nước Việt – Pháp trải qua nhiều thăng trầm, song lịch sử minh chứng đây là văn bản có tính pháp lý quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam mới, văn kiện đặt cơ sở đầu tiên cho mối quan hệ Việt - Pháp.
Hiệp định đã giúp đất nước thoát khỏi thế “ngàn cân treo sợi tóc”, một minh chứng cho sách lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, cho phương châm xử thế “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày nước nhà mới giành được độc lập.
Nam Trang
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr.41.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.42.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.49.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.583-584.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđ d, t. 4, tr.585-586.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđ d, t.4, tr.228.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.584.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.228.