Điều kiện để có hòa hình
Trong bối cảnh thế giới có chiến tranh, xung đột thì ý nghĩa, giá trị của hòa bình càng được thể hiện rõ. Các nhà tư tưởng Mácxít khi bàn đến điều kiện hòa bình đã nhấn mạnh đến hai luận điểm quan trọng.
Một là, các quốc gia - dân tộc đều phải được độc lập và tự chủ. Ph.Ăngghen viết: “Để đảm bảo hoà bình giữa các nước, trước hết cần phải trừ bỏ tất cả mọi va chạm dân tộc, mỗi dân tộc đều phải có nền độc lập và phải là người chủ trong ngôi nhà của mình”(1). Trên cơ sở đó, V.I.Lênin bổ sung là để có hòa bình “tuyệt đối phải bao gồm việc thừa nhận quyền tự quyết của tất cả các dân tộc”(2). Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần khẳng định “Hòa bình không thể tách khỏi độc lập thật sự”(3). Có thể khẳng định, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết đầu tiên để có hòa bình.
Hai là, các dân tộc phải được bình đẳng. Theo V.I.Lênin, bình đẳng dân tộc là sự ngang bằng nhau giữa các dân tộc, không phân biệt dân tộc lớn hay nhỏ và trình độ phát triển; bình đẳng giữa các dân tộc phải được thể hiện đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quyền lợi kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị. V.I.Lênin nhấn mạnh để “đảm bảo giải quyết được thực sự vấn đề dân tộc bằng cách thừa nhần quyền bình đẳng hoàn toàn và quyền tự quyết chính trị tuyệt đối của tất cả các dân tộc”(4).
Về nền hòa bình đích thực
Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không bàn nhiều về nền hòa bình chung chung, hiểu theo nghĩa giản đơn là không có chiến tranh mà nhấn mạnh đến nền hòa bình đích thực. Theo V.I.Lênin, hoà bình đích thực là nền hoà bình gắn liền với “chế độ dân chủ hoàn toàn, chế độ dân chủ mà giai cấp công nhân vẫn bênh vực”(5). Như vậy, dân chủ là một tiêu chí quan trọng để xác định đó có phải nền hòa bình đích thực hay không. Nếu thiếu đi tính dân chủ thì không thể có nền hòa bình thực sự, đích thực mà là nền hòa bình cưỡng bức, giả tạo, hình thức. V.I.Lênin nhận xét nền hòa bình trong chế độ chuyên chế hay chế độ áp bức thì không phải là nền hoà bình đích thực, thậm chí nền hoà bình đó còn có nghĩa là sự diệt vong của đất nước. V.I.Lênin lấy ví dụ hoà bình kiểu Nga hoàng đầu thế kỷ XX không tốt hơn gì, đôi khi còn tệ hơn cuộc chiến tranh của Nga hoàng(6).
Thêm vào đó, V.I.Lênin cho rằng nền hòa bình đích thực gắn liền với chính quyền của giai cấp công nông và chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Muốn giành được hoà bình (và hơn nữa, một nền hoà bình thực sự dân chủ, thực sự vẻ vang) thì chính quyền trong nước phải thuộc về công nhân và nông dân nghèo, chứ không phải thuộc về bọn tư bản và bọn địa chủ”(7). Và chính giai cấp công nông là lực lượng chủ chốt bảo vệ nền hòa bình thế giới vì họ là những người phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Nhân loại chỉ có thể đạt được nền hòa bình đích thực khi chủ nghĩa xã hội thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới. Người khẳng định: “Nếu chủ nghĩa xã hội không chiến thắng, thì hoà bình giữa các nước tư bản sẽ chỉ là một cuộc đình chiến, một sự tạm yên, chỉ là việc chuẩn bị cho một cuộc chém giết mới giữa nhân dân các nước”(8).
V.I. Lênin phân biệt rất rạch ròi giữa hòa bình với hòa ước. Hòa ước không đồng nghĩa với hòa bình. Có hoà ước hoà bình dân chủ nhưng cũng có hoà ước cưỡng bức. Hòa ước giữa các nước đế quốc ký với nhau không phải là một hòa ước hòa bình mà là việc “ghi lại những thay đổi trong quan hệ so sánh lực lượng đối địch do những hành động quân sự gây ra”(9). Kết quả của các hòa ước đó dựa trên sự thành bại của chiến tranh, do đó, có nhiều hiệp ước là bất bình đẳng, có áp bức, bất công.
Xuất phát từ bối cảnh cụ thể của một nước thuộc địa, bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc đô hộ, xâm chiếm, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bổ sung thêm luận điểm: “hòa bình thực sự không thể tách với độc lập thật sự”(10) vì đây là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của các quốc gia - dân tộc. Nền độc lập thực sự, theo quan điểm của Hồ Chí Minh là nền độc lập gắn liền với thống nhất, toàn vẹn lãnh lãnh thổ; gắn với quyền tự quyết trên tất cả các phương diện; gắn với ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Về con đường đi đến hòa bình và chung sống hòa bình
Trong điều kiện thế giới còn tồn tại giai cấp thống trị, bóc lột và những thế lực hiếu chiến, V.I Lênin luôn lưu ý các quốc gia, dân tộc không được ảo tưởng về một nền hòa bình nhất thời, giả dối do các thế lực đế quốc, hiếu chiến tuyên bố, tuyên truyền.
Đối với các quốc gia, để giành và giữ được hoà bình không phải là điều đơn giản. V.I.Lênin viết: “người nào nghĩ rằng giành được hoà bình không có gì khó, rằng chỉ đề cập qua loa đến hoà bình, và giai cấp tư sản sẽ đem lại hoà bình dâng cho ta, thì người ấy hết sức ngây thơ”(11). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh”(12). Đây chính là sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác về bạo lực - dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Vì vậy, chiến tranh giải phóng dân tộc không hề mâu thuẫn với bảo vệ hòa bình thế giới; chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc còn là con đường để đi đến hòa bình thực sự.
Theo V.I.Lênin, các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau có thể cùng tồn tại hòa bình. Vì vậy, Người đã đưa ra nguyên tắc chung sống hoà bình giữa các nước có ý thức hệ khác nhau, thể hiện rất rõ trong Sắc lệnh Hoà bình năm 1917. Cơ sở cho luận điểm này nằm ở ba điểm. Thứ nhất, quan hệ giữa hai hệ thống này không phải quan hệ thống trị và bị trị nên không nhất thiết phải dùng chiến tranh để lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản. Thứ hai, giữa hai nhóm nước này vẫn có những mâu thuẫn không đối kháng và những vấn đề chung khiến hai bên có thể hợp tác với nhau. Thứ ba, nhu cầu kinh tế sẽ khiến các nước phải làm ăn buôn bán với nhau.
Những yếu tố tác động đến hòa bình thế giới
Có nhiều yếu tố tác động tích cực hoặc tiêu cực đến hòa bình thế giới. V.I.Lênin nhấn mạnh rằng chủ nghĩa đế quốc là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, xung đột, làm mất đi nền hòa bình thế giới. Tuy nhiên, khi bàn đến yếu tố góp phần củng cố hòa bình thế giới, V.I.Lênin nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế - thương mại. Người viết: “Có một sức mạnh lớn hơn nguyện vọng, ý chí và sự quyết tâm của bất cứ chính phủ hay giai cấp thù địch nào, sức mạnh đó là những quan hệ kinh tế chung của toàn thế giới”(13). Luận điểm này có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của chủ nghĩa tự do sau này.
Ở một khía cạnh khác, Hồ Chí Minh cho rằng các nước lớn có vai trò quan trọng đến hòa bình thế giới. Một mặt, các nước lớn có thể gây ảnh hưởng xấu đến hòa bình thế giới, nhưng mặt khác, các nước lớn có vai trò quyết định đến hòa bình thế giới. Người nhấn mạnh: “Thế giới hoà bình có thể thực hiện nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng thương lượng và nếu nhân dân thế giới không chịu để bọn gây chiến lừa phỉnh, mà tự nhận lấy trách nhiệm bảo vệ hoà bình thế giới”(14).
Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã có một hệ thống quan điểm rất sâu sắc về hòa bình. Hệ thống quan điểm đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, giá trị lịch sử và hiện tại to lớn. Trong bối cảnh thế giới chưa có một nền hòa bình đích thực và hoàn toàn, thì lý luận đó tiếp tục là cơ sở để nhận thức, chiêm nghiệm, lý giải và hành động nhằm củng cố hòa bình thế giới.
---------------------------------
([1]) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tập 21, tr.592.
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tập 26, tr.378.
(3), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, 2011, tập 4, tr.615, tr.146.
(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 22, tr.249.
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 23, tr.193.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 9, tr.469.
(7) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 31, tr.67.
(8), (11) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 35, tr.201, tr.139.
(9) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 27, tr.345-346.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, tập 15, tr.3.
([1]3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 44, tr.374.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.475.
Nguyễn Văn Chuyên