Vị thế, đặc trưng của khu vực Đông Nam Á với tính cách một hệ thống…
Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi được ví như “ngã tư đường”, lại có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là nơi còn tồn tại nhiều “điểm nóng” an ninh, Đông Nam Á (ĐNA) trở thành khu vực quan trọng trên bàn cờ tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước lớn trên thế giới. Mỗi nước lớn đều mong muốn có sự hiện diện thường xuyên, chắc chắn tại khu vực ĐNA để khẳng định lợi ích, phát huy ảnh hưởng, kiềm chế và ngăn cản các nước lớn khác. Chính sự đan xen lợi ích của nhiều nước lớn trong khu vực đã dẫn đến sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa họ tại đây. Việt Nam là một quốc gia đang nắm giữ nguồn “tài nguyên địa - chính trị” quan trọng trong khu vực. Do đó, Việt Nam trở thành quốc gia thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn trong cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt này.
Thêm vào đó, các nước ASEAN ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác chính trị nổi bật, duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, nhất là cấp cao và tiếp tục xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực mới trong hợp tác, liên kết; hình thành được nhiều cơ chế hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Mục tiêu tạo ra một khu vực kinh tế phát triển ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh cao và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu đang có những tiền đề vững chắc hơn.
Tuy vậy, ĐNA hiện cũng đang tồn tại nhiều bất ổn về mặt chính trị, an ninh. Xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực, nhất là ở Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó đáng chú ý là các hoạt động khủng bố ngày càng gia tăng về quy mô và tính phức tạp. Hơn nữa, ĐNA còn là nơi sẽ hứng chịu những thiên tai, bão lũ, là nơi chịu ảnh hưởng nạng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Những vấn đề này khiến môi trường hòa bình, điều kiện sống để tiến hành các hoạt động hợp tác, liên kết trong khu vực thiếu tính bền vững, ổn định nên dễ trở thành mục tiêu chịu sự can thiệp, gây ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài.
… và thách thức đối với Việt Nam
Hiện nay, cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực ĐNA đang đặt ra những thách thức rất lớn cho việc xây dựng lòng tin của các nước trong ASEAN, làm trầm trọng hơn những khác biệt của ASEAN, ngăn cản các nước ASEAN đoàn kết thực sự. Tham vọng kiểm soát không gian địa - chính trị của các nước nước lớn có thể gây ra nhiều khó xử cho Việt Nam trong quan hệ với các nước. Việc xử lý mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Mỹ hiện nay là những vấn đề hết sức nhạy cảm bởi nếu Việt Nam không linh hoạt, khéo léo và khôn ngoan rất có thể sẽ rơi vào “thế kẹt” giữa hai nước lớn này và nghiêm trọng hơn, Việt Nam cũng có thể bị cả hai nước lớn cùng khống chế.
Hơn nữa, do trình độ khoa học công nghệ còn thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không cao nên Việt Nam luôn trở thành nơi gia công sản phẩm, bán sức lao động cho các doanh nghiệp FDI của các nước lớn. Những hiệp định thương mại tự do mà ASEAN và Việt Nam đã kí kết với các nước lớn đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Bởi vì đã hội nhập thì đương nhiên Việt Nam phải chấp nhận luật chơi chung, phải chấp nhận cạnh tranh. Thế nhưng, đa số doanh nghiệp của Việt Nam quy mô nhỏ, chưa xây dựng được thương hiệu, thiếu kinh nghiệm, yếu về năng lực cạnh tranh; cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu; chất lượng dịch vụ thấp nhưng giá thành cao; thiếu vốn, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; năng suất lao động thấp; hệ thống pháp lý và quy định của Việt Nam nhìn chung còn nhiều bất cập, thiếu tính thực tế, chưa thật sự nhất quán và khó dự báo; quản lý hành chính với nhiều thủ tục rườm rà… đang khiến cho nhiều ngành kinh tế của Việt Nam có thể bị “bóp nghẹt”, bị “nhấn chìm” và Việt Nam có thể bị “bỏ rơi” trong hội nhập.
Không những thế, chiến lược “diễn biến hòa bình” vẫn đang được các thế lực thù địch triển khai với mức độ ngày càng sâu hơn và những âm mưu lấn chiếm, thôn tính lãnh thổ nước ta ngày càng bộc lộ rõ ràng hơn cũng đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020. Ảnh: Internet.
Trước những thách thức do cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực, Việt Nam cần phải có những đối sách hợp lý sao cho vừa tận dụng được những cơ hội của quá trình này mang lại nhưng cũng lại vừa hạn chế tối đa những thách thức mà những nước lớn gây ra nhằm đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời gian tới vẫn là: “Tiếp tục chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác đối ngoại; bảo hộ công dân; tập trung tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập mang lại, nhất là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, đặc biệt là cấp vùng và địa phương, giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế”; đồng thời, Đại hội XIII khẳng định: “Kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, nâng cao khả năng thích ứng, năng động và linh hoạt xử lý hài hòa lợi ích quốc gia với quan tâm chung, tùy theo đối tượng, vấn đề, thời điểm, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử tại khu vực, trên tinh thần lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết”. Do đó, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước lớn, nhất là các đối tác quan trọng vẫn tiếp tục được ưu tiên.
Như vậy, theo lý thuyết hệ thống, Việt Nam là một tiểu hệ thống nhỏ có mối quan hệ qua lại, đan xen chặt chẽ với các tiểu hệ thống khác - chính là các nước trong khu vực. Chính sách của Việt Nam với các nước lớn thời gian tới cần hết sức linh hoạt. Với mỗi nước lớn khác nhau, chúng ta cũng cần có những đối sách riêng, nhưng phải luôn bảo đảm những nguyên tắc cơ bản như: luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm nền tảng cho việc hoạch định chính sách đối với các nước lớn; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế; thực hiện chính sách cân bằng về lợi ích giữa các nước lớn.
Hồng Khanh