Hỗ trợ đồng hương về quê tránh Covid-19
Trước nhu cầu trở về quê hương của nhiều người dân xa quê, đồng thời giảm tải cho thành phố Hồ Chí Minh và nêu cao tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau lúc hoạn nạn, các “Hội đồng hương” đã phối hợp với chính quyền hàng loạt tỉnh để tổ chức đưa đón công dân trở về quê nhà.
Từ giữa tháng 7, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị phương án, cơ sở vật chất để đón công dân về quê. Những người có nhu cầu về quê sẽ đăng ký trực tuyến hoặc có thể liên hệ đầu mối phối hợp hỗ trợ thông qua “hội đồng hương” tại thành phố Hồ Chí Minh. Địa phương sẽ xét duyệt danh sách đăng ký theo hướng ưu tiên người yếu thế, người gặp khó khăn, bị ảnh hưởng lớn hơn như người già, trẻ em; phụ nữ mang thai; lao động tự do; người mất việc làm; người bị mắc kẹt do thăm người thân, đi công tác; học sinh, sinh viên.
Tương tự, Hội đồng hương Đà Nẵng đã khảo sát và ghi nhận được hai nhu cầu của người lao động Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh là: i) được giúp đỡ tài chính và lương thực thực phẩm; và ii) hỗ trợ để trở về quê. Trên cơ sở đó, chính quyền thành phố cùng Hội đồng hương đã thống nhất hỗ trợ cho 1.000 người, mỗi người 500.000 đồng. Hội đồng hương cũng lập danh sách 300 người, trong đó ưu tiên người già, bệnh tật, neo đơn, trẻ nhỏ và người đăng ký trước để vận chuyển bằng ôtô về Đà Nẵng. Người dân được miễn tiền xe và được tặng 500.000 đồng tiền đi đường.
Đến cuối tháng 7, những hành động hỗ trợ tương tự cũng được triển khai với người dân các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên… Đáng chú ý, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các mạnh thường quân, vốn là những người con quê hương thành đạt, để chuẩn bị các điều kiện chu đáo. Chính quyền tỉnh cùng hội đồng hương cấp huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phối hợp với chính quyền sở tại để đưa đón công dân có nhu cầu về quê.
814 công dân Hà Tĩnh xa quê trên chuyến tàu hồi hương. Ảnh: Internet
Mạng lưới xã hội
Các “Hội đồng hương” chính là một dạng thức “mạng lưới xã hội”, một cấu phần không thể thiếu của cấu trúc xã hội tổng thể. Từ hướng tiếp cận xã hội học, khái niệm “mạng lưới xã hội -social network” đề cập đến những cấu trúc quan hệ kết nối và tương tác giữa cá nhân với cá nhân vì những nhu cầu, hành động, hoặc mục đích chung. Ở bất kỳ giai đoạn phát triển xã hội nào, kết nối và tương tác với người khác cũng là nhu cầu tất yếu của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội. Trong các xã hội truyền thống, yếu tố dòng họ, công việc, hoặc quê quán có thể trở thành cơ sở cho các mạng lưới xã hội. Những cá nhân trong cùng mạng lưới giữ kết nối và có thể hỗ trợ nhau khi cần thiết, đặc biệt khi họ di cư đến những địa bàn cư trú mới để làm việc.
Các mạng lưới xã hội được mở rộng hơn về quy mô trong các thế kỷ 18 và 19, khi tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa thúc đẩy làn sóng di cư từ nông thôn ra đô thị; hoặc quá trình xâm thực và sự phát triển của thương mại quốc tế dẫn đến sự dịch chuyển dân cư từ châu lục này sang châu lục khác. Đến giữa thế kỷ 20, khái niệm “mạng lưới xã hội” được sử dụng để đề cập đến những cách thức liên hệ giữa cá nhân với các thành viên khác trong các nhóm hay các tập hợp người quy mô lớn.
Trong xã hội hiện đại, nhu cầu cá nhân ngày càng đa dạng hơn, tính di động xã hội và sự phát triển của phương tiện giao thông, của công nghệ thông tin và internet đã thúc đẩy sự hình thành các dạng thức mạng lưới xã hội mới. Điển hình cho các mạng lưới xã hội hiện đại là các quan hệ kết nối theo chiều ngang như: mạng lưới những nhà hoạt động bảo vệ môi trường, mạng lưới những người quan tâm và hưởng ứng phong trào bảo vệ nữ quyền... Ngày nay, “mạng lưới xã hội” còn bao hàm những cộng đồng kết nối cá nhân dựa trên nền tảng internet -online social network. Những tương tác và quan hệ online đã trở thành một phần không thể thiếu của nhiều cá nhân trong xã hội hiện đại.
Tầm quan trọng của các mạng lưới xã hội
Đặc điểm chung của các mạng lưới xã hội là cá nhân tự nguyện tham gia để thỏa mãn những nhu cầu đa dạng. Thành viên mạng lưới xã hội không chỉ chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, mà còn có thể chung tay hành động cho những mục đích của cộng đồng.
Trong kỷ nguyên số hiện nay, sự hình thành các cộng đồng kết nối online giúp cá nhân, cho dù cư trú ở những địa bàn xa nhau, vẫn có thể thường xuyên tương tác với nhau một cách gián tiếp thông qua các phương tiện kết nối internet. Thực tế này giúp cho các mạng lưới xã hội ngày càng trở nên đa dạng, phổ biến và có ảnh hưởng nhiều hơn đến đời sống của cá nhân cũng như các hoạt động trên quy mô cộng đồng.
Có thể nói, hoạt động đưa người trở về quê tránh dịch Covid-19 cho thấy các mạng lưới xã hội mang tính truyền thống (như hội đồng hương) vẫn tồn tại và có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh nước ta hiện nay. Bên cạnh vai trò tổ chức của chính quyền các địa phương, các hội đồng hương đã cho thấy tầm quan trọng không thể thiếu trong việc kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa những người dân xa quê. Trong một bối cảnh bất thường gây ra bởi dịch bệnh, quê quán vẫn là một yếu tố đặc biệt quan trọng, có khả năng gắn kết các cá nhân thành các mạng lưới xã hội. Trên cơ sở đó, những hoạt động vì cộng đồng được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, lan tỏa tình thân ái ra xã hội.
Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch cũng bộc lộ rõ một thực tế là các mạng lưới xã hội chưa bao trùm đến những cá nhân thuộc các nhóm yếu thế nhỏ lẻ, cư trú xa trung tâm đô thị hay khu công nghiệp. Điều này được minh chứng qua trường hợp bốn mẹ con lao động nghèo phải đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An, hay nhóm 30 người đã đi bộ từ Bình Định để về Quảng Ngãi. Rất may là những trường hợp này đã được hỗ trợ kịp thời nhưng cũng từ đó xuất hiện nhu cầu hỗ trợ để hình thành các mạng lưới xã hội tại những địa bàn còn khó khăn, với những cá nhân chưa thực sự chủ động tham gia các nhóm xã hội.
Minh Hoàng