Thủ đoạn tinh vi
Sau nhiều đợt giãn cách xã hội, qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhu cầu xin việc của người dân ngày một tăng với mục đích cải thiện thu nhập. Nắm bắt được điều này, nhiều cá nhân, đơn vị đã giả mạo nhân viên các doanh nghiệp lớn, các sàn TMĐT để đưa ra lời mời tuyển dụng hấp dẫn để lừa đảo.
Chị Kim Cúc ở khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, gần đây chị liên tục nhận được tin nhắn mời chào làm việc cho sàn TMĐT của Tiki. Để được nhận làm, chị Cúc được một cá nhân có tên Lịch - tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của một sàn TMĐT yêu cầu chuyển tiền 3 lần. “Hai lần đầu, số tiền tôi chuyển đều được hoàn trả. Đến lần thứ ba, tôi được giao 3 nhiệm vụ, trước mỗi lần thực hiện nhiệm vụ phải chuyển 3,76 triệu đồng, tổng cộng hơn 11 triệu đồng, nhưng sau đó không được hoàn lại. Tôi liên hệ với nhân viên tên Lịch đó thì số điện thoại, Zalo, Facebook đều khóa. Tôi gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của sàn TMĐT Tiki thì được biết, Tiki không có nội dung công việc này, cũng không có nhân viên có tên, số điện thoại như vậy” - chị Cúc cho hay.
Với thủ đoạn mời chào tương tự, chị Phan Chuyên, ở Xa La (Hà Đông) đã cầm cố tài sản để có 55 triệu đồng tham gia một công việc trên sàn TMĐT. Sau khi chuyển tiền cho các đối tượng vài lần mà vẫn không nhận được tiền hoàn lại và “hoa hồng”, chị liên lạc lại theo số điện thoại đã có thì được biết phải chuyển thêm tiền vào thì mới được nhận lại, nếu không sẽ mất toàn bộ số tiền đã gửi. “Đến lúc đó thì tôi nghĩ mình đã bị lừa. Tôi gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của sàn và được biết họ không có chương trình làm việc nào như vậy” - chị Chuyên kể.
Không chỉ có người lớn tuổi như chị Cúc và chị Chuyên mà học sinh, sinh viên nhẹ dạ cả tin cũng bị dính bẫy lừa đảo. Một số sinh viên của Trường Đại học Thương mại Hà Nội cũng phản ánh rằng mình bị lừa tiền khi đăng ký làm cộng tác viên mua hàng online trên các sàn TMĐT lớn. Phạm Khánh An, một sinh viên năm thứ nhất, quê ở Cao Bằng, chia sẻ, một tháng trước, em tìm được việc làm thêm trên mạng. Công việc không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần có điện thoại. Lúc vào làm, người hướng dẫn yêu cầu phải ứng tiền đặt một đơn hàng, sau đó sẽ được hoàn lại khoản tiền đó và được thêm 5% “hoa hồng” cho một đơn. 5 đơn hàng đầu tiên, mỗi đơn chỉ vài trăm nghìn đồng, đơn hàng nào xong cũng được hoàn lại tiền. Tuy nhiên, đến đơn thứ 6, số tiền lên đến hơn 3 triệu đồng, Khánh An phải mượn bạn bè. Và đến đơn thứ 7 thì lên tới gần 4 triệu, cô vẫn chẳng có chút hoài nghi cho tới khi đặt hàng và thanh toán xong, chờ mãi mà không thấy được hoàn tiền như những lần trước. Sốt ruột, Khánh An nhắn tin hỏi người hướng dẫn nhưng không liên lạc được nữa.
Trường hợp như Khánh An không phải là hiếm. Khá nhiều sinh viên chia sẻ rằng mình được mời tham gia làm cộng tác viên mua hàng online và mất tiền với chiêu thức tương tự, có người bị lừa vài chục triệu đồng. Sinh viên khi tham gia sẽ làm nhiệm vụ người mua. Sau khi nhận link sản phẩm, sinh viên đặt mua, thanh toán qua tài khoản chuyên dụng của công ty liên kết với chủ shop, không thanh toán trực tiếp cho chủ shop. Sau khi nhận thanh toán, công ty sẽ nhận hàng và chuyển lại số tiền mà sinh viên đã bỏ ra mua hàng và nhận “hoa hồng” 5 - 20%. Các nhiệm vụ lần lượt được giao cho sinh viên với số tiền mua hằng ngày càng nhiều và cuối cùng là người hướng dẫn “lặn mất tăm” cùng số tiền mua hàng của sinh viên.
Phải cẩn trọng, xác minh “nhà tuyển dụng”
Gần đây, các sàn TMĐT liên tục phát đi thông tin cảnh báo về hiện tượng mạo danh, lừa đảo tuyển dụng. Amazon, Tiki, Lazada... đã lên tiếng vì bị mạo danh nhằm lừa đảo tuyển dụng, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Theo thông tin mà sàn TMĐT Tiki mới đưa ra, thời gian qua họ tiếp tục nhận được phản ánh của khách hàng về hiện tượng lừa đảo tuyển dụng liên quan đến người mạo nhận là nhân viên Tiki. Các đối tượng này liên hệ với ứng viên thông qua số điện thoại, email, thậm chí qua những trang fanpage mạo danh Tiki để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác..., và yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí. Ngoài ra, Tiki còn phát hiện nhiều trang sử dụng hình ảnh và mạo danh Tiki, như Tiki Agency I, II, III, IV; Tiki VIP 2022, Tiki Asia... Tiki khẳng định, đó là hình thức mạo danh sàn TMĐT uy tín để lừa đảo.
Trước đó, sàn TMĐT Amazon cũng đưa ra khuyến cáo khi nhận được các báo cáo lợi dụng tên tuổi Amazon hoặc mạo nhận là nhà tuyển dụng của Amazon để liên hệ với ứng viên. Theo Amazon, đây là hành vi lừa đảo và những người này không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon. Amazon khẳng định, các nhà tuyển dụng của Amazon khi liên hệ với ứng viên - dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email - sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký, yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng của ứng viên. Đồng thời, Amazon đưa ra lời khuyên: Người dân không nên hợp tác hay đáp ứng yêu cầu đóng phí, yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng, yêu cầu mua hàng... theo kiểu nói trên.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng, những hành vi nói trên có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 174, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Luật sư Đặng Văn Cường lưu ý: “Hoạt động lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phát triển. Do đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho công dân. Cần trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công dân để sớm ngăn chặn, đẩy lùi các hình thức kinh doanh không minh bạch này”.
Theo Hanoimoi.com.vn