Mặt trận 2- Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, ra đời trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tại miền Nam Việt Nam, đồng thời góp phần xây dựng và thực hiện phương châm ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, trở thành trung tâm đoàn kết, ngọn cờ quy tụ các lực lượng yêu nước và tiến bộ tại miền Nam Việt Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai. Mặt trận đã thông qua chương trình hành động 10 điểm với nội dung cơ bản là đánh đổ chính quyền thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, xây dựng chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ, trung lập, thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà.
Từ năm 1960 đến năm 1968, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò hết sức to lớn đối với mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam tại miền Nam. Mặt trận là trung tâm đoàn kết, quy tụ các lực lượng yêu nước và cách mạng ở miền Nam, đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, độc lập, dân chủ, trung lập, thống nhất đất nước. Mặt trận đã mở rộng hoạt động và quan hệ đối ngoại, tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy ảnh hưởng cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Mặt trận đã động viên, cổ vũ những phong trào đấu tranh rộng lớn của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ và tay sai trên khắp các địa bàn, sử dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Mặt trận là người đại diện chân chính, hợp pháp cho nhân dân miền Nam, thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng, lãnh đạo nhân dân xây dựng vùng giải phóng giành những thắng lợi to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.
Tuy nhiên, có một thực tế là, tổ chức và hoạt động của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ yếu tại địa bàn nông thôn, rừng núi. Trong khi đó, địa bàn đô thị, nhất là Sài Gòn-Chợ Lớn, được xác định là một địa bàn chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đảng ta xác định đô thị là nơi tập trung lực lượng chính trị đông đảo, trong đó có những lực lượng chính trị “có chất lượng cao”, có uy tín trong nhân dân và tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn. Nếu đoàn kết được đông đảo các tầng lớp nhân dân thành thị vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, sẽ tạo ra sự bất ổn từ ngay trong sào huyệt của chủ nghĩa thực dân mới và tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các mũi đấu tranh quân sự và binh vận, ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù.
Đến năm 1968, tại Sài Gòn đã có hàng chục tổ chức chính trị đại diện cho các ngành, giới và các tầng lớp nhân dân lao động. Nhưng chưa có một tổ chức nào thực sự có đủ uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng và có sức quy tụ lớn các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, trong những năm 1967-1968, Đảng chủ trương thành lập một tổ chức như thế, gọi là mặt trận 2, để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc chống đế quốc Mỹ và tay sai. Thêm vào đó, chủ trương mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa với địa bàn trọng điểm là các đô thị trên toàn miền Nam càng làm cho vấn đề đoàn kết, tập hợp các lực lượng yêu nước và tiến bộ tại đô thị trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 1-1967 đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ra sức xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang trong quần chúng cơ bản và chuẩn bị về mọi mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và vật chất để sẵn sáng đưa quần chúng tiến lên phối hợp với đấu tranh quân sự, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Phải xây dựng lực lượng vững chắc trong công nhân, dân nghèo thành thị, trong thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, khéo dùng những hình thức tổ chức, hình thức đấu tranh, những khẩu hiệu quá độ, tích cực đưa phong trào tiến lên đồng thời phải che dấu lực lượng, đón thời cơ thuận lợi. Chú ý vận động các tầng lớp trên như các bộ phận tiến bộ trong giai cấp tư sản dân tộc và các tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức để mở rộng mặt trận, lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch tiến tới hình thành một mặt trận liên hiệp hành động rộng rãi trên cơ sở liên minh công nông ở các đô thị và vùng nông thôn do địch kiểm soát.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương tháng 1-1968 nêu rõ nhiệm vụ nhiệm vụ chủ yếu về chính trị là chuẩn bị và phát động quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa kết hợp với tổng công kích cho đến thành công, đập tan ngụy quyền và các tổ chức phản động khác, xây dựng chính quyền cách mạng và phát triển nhanh chóng lực lượng chính trị và vũ trang của quần chúng.
Để cô lập triệt để chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, Trung ương Đảng chủ trương trong cao trào cách mạng của quần chúng cần thành lập một mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lấy một tên thích hợp với Cương lĩnh rộng rãi hơn Cương lĩnh chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận thứ hai sẽ giữ vai trò độc lập với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhưng tuyên bố liên minh với mặt trận dân tộc giải phóng và tất cả những người muốn phấn đấu cho miền Nam Việt Nam độc lập, chủ quyền, dân chủ, hoà bình và trung lập.
Cần chuẩn bị những người tiêu biểu gồm nhiều thành phần để đưa vào chính quyền liên hiệp dân tộc và cơ quan lãnh đạo Mặt trận thứ hai, đồng thời chuẩn bị tuyên ngôn, chương trình hành động, chính sách, sách lược của các tổ chức này, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chủ quyền dân tộc, độc lập và dân chủ, hòa bình và chiến tranh, đến các quyền dân chủ dân sinh....
Cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 21-1-1968, Bộ Chính trị điện gửi đồng chí Phạm Hùng, Võ Chí Công chỉ đạo cụ thể. Bộ Chính trị nêu rõ: để phân hoá kẻ thù đến mức cao nhất, tranh thủ và tập hợp thêm những lực lượng, những cá nhân chống Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ và tranh thủ các tầng lớp trung gian ở đô thị, đồng thời để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi ở ngoài nước, trong cao trào đấu tranh sắp tới của quần chúng, cần thành lập Mặt trận thứ hai lấy tên là "Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hoà bình".
Mặt trận này kêu gọi đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu: "Độc lập - chủ quyền", "Tự do"-dân chủ", "Hoà bình-trung lập", "Cơm áo ruộng đất", "Mỹ rút quân", "Thành lập chính phủ Liên hiệp dân tộc", "Lập quan hệ bình thường giữa hai miền Nam Bắc; tiến tới thống nhất Tổ quốc". Mặt trận này sẽ giữ thái độ độc lập với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, tuyên bố liên minh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng và những người muốn cho miền Nam Việt Nam có chủ quyền, độc lập, dân chủ, hoà bình và trung lập.
Cờ của Mặt trận này là hình chữ nhật để nằm ngang trên cùng là mầu đỏ, giữa là mầu xanh da trời (như mầu xanh của cờ Mặt trận Giải phóng), dưới cùng cũng là màu đỏ (tức là cờ chia ba phần thì hai phần đỏ nằm ngang trên và dưới, một phần xanh nằm ngay ở giữa), ngay giữa cờ có ngôi sao vàng. Mặt trận thứ hai thành lập chủ yếu ở các thành phố, đặc biệt ở các thành phố lớn. Cơ quan Trung ương của Mặt trận này sẽ ra mắt ở Sài Gòn1. Các địa phương chuẩn bị sẵn người và phong trào để thành lập các chi nhánh địa phương và hưởng ứng ngay khi Sài Gòn ra được (hoặc trước Tết hoặc sau Tết vài ngày).
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng tại miền Nam nhất là Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Sài Gòn -Gia Định, Khu ủy Trị Thiên -Huế đã tích cực vận động chuẩn bị cho sự ra đời của Liên minh.
Ngày 31-1-1968, tại Huế, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành phố Huế ra đời, kêu gọi đồng bào Huế kề vai sát cánh với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh đấu tranh, giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Ngày 7-2-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Sài Gòn- Gia Định ra đời. Đài Phát thanh Giải phóng công bố Bản Tuyên ngôn cứu nước khẩn cấp của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Sài Gòn- Gia Định. Tuy nhiên, trong Tuyên ngôn có những câu chữ không rõ nghĩa có thể gây hiểu lầm cho quần chúng và bạn bè quốc tế và còn thiếu những nội dung quan trọng. Vì thế, ngày 8-2-1968, Bộ Chính trị gửi mật điện cho Trung ương Cục miền Nam góp ý kiến về nội dung bản Tuyên ngôn. Lúc này, tại Huế và miền Trung Trung Bộ, ta đã thành lập Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình của địa phương, công bố tuyên ngôn. Bộ Chính trị đã hướng dẫn các địa phương trên tiếp tục phát huy nội dung tuyên ngôn của mình, từng bước chuẩn bị cho việc thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình toàn miền Nam .
Ngày 10-3-1968, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam họp bàn quyết định một số một số vấn đề về quan điểm, chủ trương về thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam Việt Nam (gọi tắt là MT2). Thường vụ Trung ương Cục nêu rõ: “MT2 ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị, đòi hỏi phải tập hợp lực lượng rộng rãi, mở rộng mặt trận chống Mỹ, đồng thời tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ta trong việc đẩy mạnh tấn công ngoại giao. Do vậy, MT2 có vai trò lịch sử của nó, nhưng không thể vì thấy đã có MT2 mà làm lu mờ Mặt trận Dân tộc giải phóng hoặc chỉ chú ý Mặt trận Dân tộc giải phóng mà coi nhẹ MT2. Phải luôn luôn đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đồng thời phải thực sự tôn trọng vai trò, tính độc lập của MT2. Cần có quan điểm đúng đắn để giải quyết mối quan hệ giữa MT2 và Mặt trận Dân tộc giải phóng, tránh lối quan hệ đối phó giữa hai bên”.
Về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MT2, Trung ương Cục nêu rõ: Phải hết sức thiết thực, tránh hình thức rườm rà. Trước mắt nhằm phát huy tác dụng hiệu triệu của MT2 đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các đô thị. Không nên đòi hỏi MT2 có tiếng nói đối với các cấp, các ngành, với quân dân... như Mặt trận Dân tộc giải phóng. Chương trình công tác của MT2 phải nhằm trước hết vào những nhiệm vụ trước mắt nhưng cũng cần chuẩn bị cho nhiệm vụ lâu dài. Căn cứ chương trình công tác chung, mỗi thành viên trong MT2 phải cụ thể hoá thành chương trình công tác của tổ chức mình.
Chương trình công tác trước mắt của MT2 cần tập trung vào các vấn đề sau: Tiến hành hội nghị đại biểu thông qua Tuyên ngôn và công bố danh sách những người lãnh đạo MT2. Cần giải thích rõ tuy thành phần tham gia không nhiều nhưng đều là đại biểu cho các lực lượng lớn trong phong trào của đông đảo nhân dân, nhất là ở đô thị; Gấp rút chuẩn bị chương trình hành động của Liên minh; Chuẩn bị xúc tiến việc tuyên truyền cho Liên minh với việc cho ra đời tờ báo và Đài phát thanh của Liên minh.
Thường vụ Trung ương Cục nhắc các cấp ủy Đảng địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Liên minh và phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, vai trò của Liên minh tới chi bộ và quần chúng.
Giữa những ngày khói lửa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, một số nhân sĩ, trí thức theo các con đường giao liên bí mật và công khai rời các đô thị Sài Gòn, Huế ra vùng giải phóng, chuẩn bị cho sự ra đời Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam toàn miền Nam.
Ngày 20 và 21-4-1968, nhóm trí thức ra vùng giải phóng đã cùng một số nhân sĩ yêu nước mở Đại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch, Hoà Thượng Thích Đôn Hậu và Kỹ sư Lâm Văn Tết đồng Phó Chủ tịch; giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ làm Tổng thư ký; Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Nhà văn Thanh Nghị, Sinh viên Lê Hiếu Đằng là Phó Tổng thư ký; Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, Chuyên viên cao cấp Huỳnh Văn Nghị và Nhà báo Trần Triệu Luật là các Ủy viên thường trực. Đây là những đại biểu ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân yêu nước ở thành thị. Số đông còn lại cùng với nhân dân tiếp tục đấu tranh chống Mỹ - ngụy. Liên minh ra Tuyên ngôn và Chương trình hành động cứu nước với nội dung đấu tranh đòi độc lập cho dân tộc, đòi dân chủ và hòa bình cho Việt Nam. Liên minh quy tụ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam.
Hội nghị đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ
và hòa bình Việt Nam (Ảnh TTXVN)
Ngày 30 và 31 tháng 7-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam đã họp Hội nghị đại biểu lần thứ hai để thông qua Chương trình chính trị của Liên minh. Bản Chương trình nêu rõ: “Cứu nước là sự nghiệp của toàn dân, và sức mạnh bảo đảm thắng lợi, là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam chủ trương đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, không phân biệt xu hướng, chính kiến, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, đoàn kết trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập và chủ quyền dân tộc hiện nay cũng như trong giai đoạn kiến thiết đất nước sau này”.
Từ ngày 3 đến ngày 5-11-1968, đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam tổ chức hội đàm về những vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh hiện tại của nhân dân miền Nam. Hai đoàn đại biểu trao đổi nhiều ý kiến và ra Thông cáo chung tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa và tàn bạo của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh dũng tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 20 và 21-4-1969, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Trong hơn 1 năm sau khi thành lập, bằng công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức đấu tranh ở trong nước và nước ngoài, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã liên hiệp hành động chặt chẽ với Mặt trận Dân tộc giải phóng, góp phần động viên, thúc đẩy phong trào chống Mỹ và tay sai, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nói về ý nghĩa ra đời của Liên minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam [.....] là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”, phấn đấu cho mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, thực hiện thống nhất nước nhà.
Ngày 23-5-1969, trong điện gửi Chủ tịch Trịnh Đình Thảo và Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Ra đời cách đây hơn một năm trong cao trào tổng tiến công và nổi dậy, Liên minh ngày càng phát huy tác dụng to lớn của mình, tập hợp đông đảo các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở các thành thị miền Nam, luôn luôn sát cánh với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, để cùng nhau đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 6-6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Với uy tín và đức độ của mình, nhiều nhà lãnh đạo Liên minh được bầu giữ các chức vụ cao trong Chính phủ và Hội đồng cố vắn Chính phủ. Giáo sư Nguyễn Văn Kiết được bầu làm Phó chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa được bầu làm Bộ trưởng Bộ y tế, Xã hội và Thương binh; Nhà văn Thanh Nghị được bầu làm Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa. Luật sư Trịnh Đình Thảo, Hoà Thượng Thích Đôn Hậu và Kỹ sư Lâm Văn Tết được bầu vào Hội đồng cố vấn Chính phủ.
Như vậy, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, đặc biệt đối với địa bàn chiến lược đô thị Sài Gòn-Gia Định và các thành thị trên toàn miền Nam. Cách mạng miền Nam có thêm cơ sở chính trị để tiến tới thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 6-6-1969.
Trong những năm 1969-1970, cách mạng miền Nam rơi vào thoái trào sau những cố gắng tổng tiến công và nổi dậy, địch phản kích quyết liệt, đẩy quân giải phóng ra xa các đô thị, chiến trận ở vùng nông thôn, miền núi diễn ra khốc liệt. Chính trong thời điểm này, vai trò của đấu tranh chính trị tại các đô thị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong bối cảnh khó khăn đó, số lượng thành viên Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ngày càng đông đảo, thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân thành thị đoàn kết đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Nguyễn Văn Thiệu- Nguyễn Cao Kỳ. Phong trào đấu tranh chính trị của công nhân, nhân dân lao động, học sinh sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, tín đồ Phật giáo...tại các đô thị, nhất là Sài Gòn-Gia Định vẫn hết sức sôi nổi trong những năm 1969-1970, gây mất ổn định ngay tại sào huyệt của kẻ thù, có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho đấu tranh quân sự, binh vận, ngoại giao, nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam, góp phần từng bước đưa cách mạng thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn.
Trong khối đại đoàn kết dân tộc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã luôn luôn hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh không gì lay chuyển nổi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất nước nhà.
Tháng 2 năm 1977, các tổ chức mặt trận từng góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, quá trình Đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Mặt trận 2- Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam là một thành công của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc chống Mỹ và tay sai.
Lê Minh
1 . Trên thực tế, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, ta không làm chủ được Sài Gòn như đã từng làm chủ Huế, nên Ủy ban Trung ương Liên minh không có điều kiện ra mắt tại Sài Gòn..