Từ xa xưa chế độ mẫu hệ đã hình thành và phát triển trong xã hội nhưng dần bị thay thế bởi chế độ phụ hệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dân tộc tồn tại chế chế độ mẫu hệ cho đến tận ngày nay, trong đó có cộng đồng dân tộc Chăm ở Bình Thuận với nhiều nét văn hóa đặc sắc, được kế thừa bền vững và phát triển trong tình hình mới.
Điệu múa Chăm bên tháp cổ. Ảnh: dangcongsan.vn
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, đa phần sống rải rác ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ, gồm 3 cộng đồng tôn giáo chính: Bà-la-môn, Bà-ni và Islam, ít nhiều có mối tương đồng về nhân sinh quan, điều này được thể hiện qua các phong tục, tập quán, lễ hội.
Là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, đồng bào Chăm tại Bình Thuận với 9.512 hộ/39.819 khẩu, chiếm 3,16% dân số toàn tỉnh và chiếm 38,12% so với các dân tộc thiểu số khác. Đồng bào dân tộc Chăm sống rải rác khắp các huyện, thị, thành phố của tỉnh; trong đó, cư trú đông nhất ở huyện Bắc Bình, chiếm 57,41%[1].
Người Chăm nói chung và người Chăm ở Bình Thuận nói riêng, mặc dù đã trải qua những thăng trầm của lịch sử và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng cộng đồng này vẫn giữ được bản sắc truyền thống riêng, nổi bật là chế độ mẫu hệ, thể hiện trên nhiều mặt của đời sống kinh tế, giáo dục, hôn nhân - gia đình và thừa kế tài sản, v.v... Xuất phát từ tập tục quần hôn, người ta không xác định được chính xác cha của đứa bé là ai, trong khi đó huyết thống phía mẹ thì hoàn toàn được xác định rõ. Người Chăm theo mẫu hệ, nên “dòng họ bên mẹ” phải được gọi hoặc được dịch ra tiếng Việt là “họ nội”, và “dòng họ bên cha” là “họ ngoại”. Do đó quyền lực thuộc về phụ nữ hoặc các bà mẹ, và chế độ mẫu hệ hay mẫu hệ là một hình thức tổ chức xã hội trong đó phụ nữ, đặc biệt người mẹ, giữ vai trò lãnh đạo, quyền lực và tài sản được truyền từ mẹ sang con gái.
Văn hóa mẫu hệ không chỉ thể hiện rõ nét trong gia đình, dòng tộc của người Chăm mà còn tác động mạnh mẽ đến tổ chức xã hội theo dòng mẹ, các nghi lễ theo mẫu hệ hay mọi sinh hoạt gia đình, người phụ nữ Chăm đóng vai trò quan trọng trong việc cưới xin, ma chay, tế lễ, quản lý tài sản gia đình và con cái.
Trong hôn nhân, khi người con gái đến tuổi lấy chồng, người phụ nữ chủ động đi hỏi chồng và cưới. Những đứa trẻ được sinh ra và nhận nuôi bên “mẹ” là bà nội. Trong dòng họ và gia đình Chăm người phụ nữ luôn chiếm vị trí quan trọng Người mẹ có quyền quyết định thay cho con cái, mặc dù đàn ông thực sự đóng vai trò chính trong lao động sản xuất, nhưng chủ gia đình vẫn là một người phụ nữ lớn tuổi. Người quản lý tài sản, nhà cửa, ruộng vườn... là người phụ nữ. Người phụ nữ lớn tuổi nhất thuộc thế hệ cao nhất là trưởng tộc họ, là chủ gia đình hoặc đại gia đình. Người phụ nữ đảm nhận vai trò tộc trưởng luôn được xem là người có uy tín lớn trong tộc họ, có trách nhiệm chính trong tộc họ về việc thờ cúng, ma chay, cưới xin, lễ hội… Nếu các thành viên trong họ tộc cũng như giữa các tộc họ trong làng có xích mích mất đoàn kết hoặc tranh chấp tài sản thì các trưởng tộc họ có trách nhiệm hoà giải, ít khi phải nhờ đến chính quyền hoặc pháp luật.
Chính vì phong tục của người Chăm quy định con cái theo họ mẹ. Vì thế nhà gái cưới cho con trai. Con trai ở trong nhà của người phụ nữ. Chỉ con gái mới được thừa kế tài sản, đặc biệt cô út phải phụng dưỡng cha mẹ già nên được chia tài sản lớn hơn các chị. Trong trường hợp ly hôn, tất cả trẻ em vẫn ở với mẹ. Tài sản chung của vợ chồng được giao cho người vợ quản lý và giao cho con gái trong gia đình; người đàn ông ra đi tay trắng.
Việc thờ cúng trong gia đình để thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, nối dõi tông đường đối với gia tộc, dòng họ, do người vợ đứng ra đảm đương, quán xuyến mọi việc vì người chồng là…”người lạ”, không có quyền điều hành những việc liên quan đến công việc thờ cúng, cúng tế của vợ.
Phụ nữ Chăm thờ phụng tổ tiên. Ảnh: VOV
Nếu chẳng may người chồng chết trước thì người vợ sau khi lo hỏa táng cho chồng, sẽ mang 9 mảnh xương trán của người chồng quá cố để gia đình chồng đưa vào Kut (nghĩa trang tập thể của họ mẹ). Người Chăm cho rằng trước khi sinh ra đứa trẻ nằm ngay bên cạnh mẹ (trong bụng mẹ) nên khi chết đứa bé cũng phải ở bên cạnh mẹ, chung một nghĩa địa với mẹ.
Văn hóa mẫu hệ người Chăm quy định con gái là người nối dõi cho gia đình, con trai theo vợ. Con gái út có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, các ngày cúng giỗ con gái lo, con trai chỉ đến tham dự, vì trách nhiệm con trai là ở phía nhà vợ với tư cách như là dâu của người Việt. Con của con gái là cháu nội của dòng họ, con của con trai là cháu ngoại. Trong xã hội của người Chăm, con cháu của con gái là huyết thống, con của con trai, cháu của con trai là ngoại tộc. Người đàn bà đối với nhà chồng là dâu nhưng tư cách như người rể, không có bổn phận nào nặng nhọc; anh em cùng mẹ khác cha có mối quan hệ ruột thịt, gần gũi hơn anh em cùng cha khác mẹ. Con của các chị em gái là dòng họ nội, giống như con trai và cháu trai của người Việt. Con trai khi lấy vợ không còn trách nhiệm với gia đình như các bà Việt đã xuất giá theo chồng.
Như vậy, chế độ mẫu hệ có những yếu tố sự ngược lại trong cách định hình quyền hạn, chuyển đổi vai trò từ nam qua nữ so với chế độ phụ hệ ở các cộng đồng dân tộc khác.
Gia phả người Chăm được xác định: Bà tổ là người đầu tiên trong gia phả, thân thế và sự nghiệp được ghi chép một cách đầy đủ nếu con cháu biết đến. Ông tổ thì ghi đơn giản tên ông, thậm chí không ghi gì thêm. Các con của ông bà tổ được ghi đầy đủ dù trai hay gái, theo thứ tự lớn trước nhỏ sau, anh chị đến em.
Các con gái bắt đầu cho đến kế tiếp, mỗi người con gái đứng đầu cho một gia đình trong khuôn khổ gia đình này chồng các bà được ghi chép, nếu có nhiều chồng các ông chồng cũng lần lượt được ghi. Các con sẽ được ghi theo thứ tự lớn trước nhỏ sau.
Trong gia phả không mở trang cho các con trai dù là người này đã có vợ hay chưa, nghĩa là con trai chỉ ghi theo trong phần gia phả của cha mẹ[2].
Cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế xã hội của đồng bào Chăm và sự giao thoa văn hoá với các dân tộc khác, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư… đã có sự thay đổi nhưng chế độ mẫu hệ vẫn giữ lại cái cổ truyền. Ngoài vai trò làm chủ gia đình, phụ nữ Chăm đã và đang góp phần giữ gìn linh hồn của tộc người mình, gìn giữ chế độ mẫu hệ qua nhiều hoạt động văn hóa. Phụ nữ Chăm là nhân tố góp phần để nghề làm gốm cổ truyền của dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và sống với thời gian. Di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Phụ nữ Chăm và gốm. Ảnh: VOV
Trong thời đại ngày nay, vai trò, quyền năng của người phụ nữ Chăm được thể hiện trong việc thừa kế, quản lý tài sản, con cái hay hình thức cư trú sau hôn nhân có những nét đặc thù, mang đậm dấu ấn văn hóa mẫu hệ của cộng đồng người Chăm Bình Thuận.
Mỗi dân tộc khác nhau đã hình thành nên một nền văn hóa với những truyền thống đặc sắc riêng. Quá trình chung sống, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em đã làm phong phú thêm nền văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Như vậy, sự tiếp nhận những yếu tố văn hóa mới từ các dân tộc anh em đồng thời cũng là sự tự giới thiệu và tự khẳng định mình. Văn hóa mẫu hệ Chăm mặc dù đã trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau nhưng vẫn tiếp tục tồn tại và đã tự điều chỉnh, tiếp thu những yếu tố mới để thích nghi với hoàn cảnh mới. Việc tìm hiểu và bảo tồn các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa mẫu hệ của người Chăm luôn là điều cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc; đồng thời thể hiện quan niệm truyền thống coi trọng người phụ nữ của dân tộc Chăm, qua đó không ngừng góp phần bảo tồn nét văn hóa, tăng tính phong phú, đa dạng, hấp dẫn của văn hóa, con người Bình Thuận.
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Công Bá (2008), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Thuận Hoá.
2. Ngô Văn Doanh (2002), Văn hoá cổ Chămpa, NXB Văn hoá Dân tộc.
3. Sakaya (2003), Lễ hội của người Chăm, NXB Văn hoá Dân tộc.
4. https://vov.vn/van-hoa/net-dep-van-hoa-mau-he-dan-toc-cham-post1052197.vov (truy cập 04/7/2024).
[1] Sồ liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận tháng 12/2022.
[2] https://nguyenhuepy.blogspot.com/2014/12/van-hoa-champa-e-tai-che-o-mauhe-cua.html?m=1. (truy cập 06/7/2024)
Huỳnh Văn Thông