Trong những năm qua, với truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Nhà nước và nhân dân các địa phương đã dành nhiều công sức, tiền của để xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Đến nay, cả nước có hơn 8000 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 3181 nghĩa trang liệt sĩ, gần 1000 đài tưởng niệm và gần 4000 nhà bia ghi tên liệt sĩ. Đây thực sự là những công trình văn hóa, lịch sử, “ghi lại lâu dài công lao to lớn của liệt sĩ, cổ vũ tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, dũng cảm, bất khuất của quân và dân ta trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc”[1].
Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ trên đường Bắc Sơn (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Hầu hết các địa phương đều chú ý quy hoạch lựa chọn vị trí xứng đáng để xây dựng các công trình ghi công liệt sỹ. Mỗi công trình ghi công liệt sĩ là một công trình văn hóa, lịch sử, bởi ở đó biểu hiện không chỉ một nghi thức tâm linh thuần túy mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Với thiết kế công phu, tâm huyết, nhiều công trình đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, là biểu tượng đẹp cho tấm lòng tri ân đối với các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội là một ví dụ. Đài tưởng niệm được xây dựng ở một vị trí có ý nghĩa chính trị, văn hoá và lịch sử sâu sắc: trên đường Bắc Sơn, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hoàng thành Thăng Long và Hội trường Ba Đình. Đài tưởng niệm được khánh thành vào ngày 7/5/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một công trình kiến trúc được đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ đồng thời vẫn thực hiện tốt chức năng chính của công trình. Thiết kế thể hiện sự tinh tế, trang nghiêm để cử hành nghi lễ trọng thể nhưng vẫn dung dị, gần gũi với đời thường. Phía trước Đài (đường Hoàng Diệu) có sân hành lễ rộng 240 m2 với 3 bậc thềm, mỗi bậc thềm có 3 bậc nhỏ để dẫn lên đài lễ. Ba phía còn lại bố trí các lối lên, xuống với các bậc, có lối dành cho người khuyết tật. Như vậy, mọi người dân, từ cụ già, em nhỏ, đến các đồng chí thương, bệnh binh, người khuyết tật…đều có thể đến Đài tưởng niệm để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các Anh hùng, liệt sĩ.
Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Quảng Nam – Đà Nẵng lại điển hình cho xu hướng thiết kế cách tân, hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống và tinh thần dân tộc. Đài Tưởng niệm được đặt ở trung tâm thành phố, đối diện Quảng trường 2/9 nên người dân thành phố Đà Nẵng vẫn quen gọi là Tượng đài mùng 2 tháng 9. Đài cao 45m trang trọng, bề thế bởi ba cánh tạo thành chân vạc chụm lại và đẩy lên cao tạo thế đứng vững chắc của tượng đài giữa đất trời. Phối cảnh xung quanh là không gian sạch đẹp, thoáng mát, yên tĩnh với dòng sông Hàn thơ mộng chảy qua, tạo nên sự gần gũi, đời thường với người dân. Vì thế, Đài tưởng niệm vừa là nơi tiến hành những nghi thức tâm linh thiêng liêng trong các dịp trọng đại của đất nước, của thành phố, lại vừa là không gian văn hóa công cộng, là “nơi chốn” gắn bó với mỗi người dân và cũng là nơi du khách thường ghé thăm…
Nhiều công trình ghi công liệt sĩ là công trình lịch sử văn hóa tiêu biểu bởi gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, các địa danh lịch sử nổi tiếng, như: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; nghĩa trang liệt sĩ Đường 9; Tượng đài chiến thắng, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ; Đền thờ liệt sĩ Bến Dược (Khu Di tích địa đạo Củ Chi); Nhà tưởng niệm Những chiến sĩ rừng Sác (Đồng Nai); Tượng đài tưởng niệm Dũng sĩ núi Bà Đen (Tây Ninh)… Những công trình đặc biệt này đã trở thành điểm đến đầy ý nghĩa trong hành trình văn hóa – tâm linh của nhiều người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Quảng Nam – Đà Nẵng. Ảnh: Internet
Với ý nghĩa đó, nhiều địa phương đã chủ trương gắn việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ với các hoạt động văn hóa cơ sở. Cụ thể như các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn phát huy các giá trị truyền thống dân tộc. Đã thành truyền thống, trước khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng và trong những ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, các cơ quan, đơn vị thường tổ chức đến Nghĩa trang, Đài tưởng niệm, Nhà bia ghi tên liệt sĩ dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Điều này không chỉ thể hiện sự tưởng nhớ và tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân mà còn thể hiện cho sự kết nối giữa các thế hệ, như một minh chứng các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn sống trong lòng nhân dân, vẫn đồng hành cùng quê hương, đất nước.
Các công trình ghi công liệt sĩ cũng là một “địa chỉ đỏ” để các địa phương tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên nhằm giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ; các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhân ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 hằng năm và các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, của địa phương. Nhiều chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc (chương trình nghệ thuật đặc biệt của Đài truyền hình Việt Nam Huyền thoại Trường Sơn diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 từ 18h00 đến 21h00 ngày 27/7/2004, “Khúc tráng ca về một dòng sông - năm 2007”, “Đêm 30 và Cây lộc vừng - năm 2010” (thực hiện phóng sự tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn); Chương trình giao lưu nghệ thuật do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 27/7 tại Khu tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc: “Đồng Lộc - cõi thiêng bất tử”, năm 2015; “Đồng Lộc - những đóa hoa bất tử” năm 2019; “Huyền thoại Đồng Lộc” năm 2020…).
Các hoạt động văn hóa cơ sở còn thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tình nguyện vì cộng đồng: Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên mọi đất nước đã dành nhiều công sức, tiền của để xây dựng, nâng cấp, tu bổ và chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ. Các chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, “Thắp nến tri ân” được tổ chức thường xuyên hàng năm vào ngày 27/7, dịp Tết Nguyên đán, Rằm tháng bảy trên khắp cả nước… Chương trình đã được đông đảo người dân tình nguyện tham gia, đặc biệt là đoàn viên thanh niên. Nhiều đơn vị thanh niên, hội phụ nữ, hội Cựu chiến binh đã nhận chăm sóc các phần mộ liệt sĩ…
Hoạt động văn hóa cơ sở còn phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Với chủ trương không để các công trình ghi công liệt sĩ tách biệt với cuộc sống thường nhật, nhiều địa phương đã xây dựng, tu bổ những công trình ghi công liệt sĩ thành những không gian văn hóa công cộng, đồng thời gắn với thiết chế văn hóa cơ sở, trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gần gũi với người dân địa phương như: tổ chức các lễ ra quân, hoạt động nhân đạo, tình nguyện vì cộng đồng; giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng; các triển lãm nghệ thuật quần chúng... Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, Ba Đình Hà Nội, Đài tưởng niệm liệt sĩ ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang, Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Lào Cai… và nhiều công trình ghi công liệt sĩ khác đã hướng đến mô hình thiết kế mang ý nghĩa kép này. Nghĩa trang liệt sĩ Cao Lãnh (Đồng Tháp) hay Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt (Lâm Đồng) là điển hình cho mô hình Nghĩa trang liệt sĩ - công viên văn hóa…
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những công trình ghi công liệt sĩ chưa được quan tâm đúng mức (nhất là cấp xã, phường), như: vị trí quy hoạch chưa thuận lợi, xa khu dân cư, việc tu bổ, tôn tạo, chăm sóc chưa thường xuyên, chưa gắn kết với các hoạt động văn hóa ở cơ sở; một số hoạt động gắn với các công trình ghi công liệt sĩ chưa được quan tâm đúng mức, chưa tổ chức thường xuyên hoặc còn tổ chức nặng về hình thức…
Từ thực tiễn mô hình xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ gắn với các hoạt động văn hóa cơ sở được nhiều địa phương triển khai thực hiện rất thành công, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy hiệu quả của mô hình này với các giải pháp cụ thể. Trước hết cần quan tâm đúng mức đến các công trình ghi công liệt sĩ còn ở các vị trí chưa thuận lợi, xa khu dân cư với các chính sách cụ thể như: đầu tư tôn tạo, tu bổ, xây dựng các công trình phụ trợ, tạo cảnh quan, khuôn viên sạch đẹp; bố trí người chăm sóc chu đáo để công trình ghi công liệt sĩ luôn ấm áp, không tách biệt với cuộc sống hiện tại của người dân. Đồng thời, phải tăng cường xã hội hóa, nâng cao ý thức của người dân đối với việc chăm sóc, tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan, ban ngành địa phương, đặc biệt là ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch; Lao động - Thương binh xã hội và Giáo dục để kết nối các công trình ghi công liệt sĩ với thiết chế văn hóa cơ sở và các công trình văn hóa khác ở địa phương trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở.
Như vậy, việc xây dựng, nâng cấp, tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Nó không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với các anh hùng liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ mà còn thể hiện tình cảm và trách nhiệm đối với đất nước, với lịch sử dân tộc. Các công trình ghi công liệt sĩ chỉ thực sự có giá trị, có ý nghĩa sâu sắc khi luôn kết nối với cuộc sống hiện tại, như lời khắc trên tấm bia đá Đền thờ liệt sĩ Bến Dược của nhà thơ Viễn Phương:
“Máu hồng tỏa hương chính khí,
Nhân kiệt làm nên địa linh.
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng,
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.
Người đang sống nhớ thương người đã khuất,
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời…”.
[1] Quyết định số 60/CP ngày 5-4-1976 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung một số điểm về chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Lương An