Ngày 26/9/2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. So với bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, số lượng tiêu chí không thay đổi nhưng số lượng chỉ tiêu tăng thêm 18 chỉ tiêu mới. Trong đó bổ sung thêm 2 chỉ tiêu hoàn toàn mới là "Hành chính công" và "Chất lượng môi trường sống". Bên cạnh đó, các chỉ tiêu khác cũng đều được nâng cao về chất lượng với nhiều tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực và thời gian để thực hiện, như: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động tăng từ 80% lên 100%; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã tăng từ 30% lên 50%; Tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng 30% lên 35%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 80% lên 85%...
Xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn đã hoàn thành xây dựng nông thôn kiểu mẫu
Ảnh: Thành Chung.
(Nguồn: baodautu.vn)
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong quá trình thực hiện. Phải xác định rõ xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong số các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong những năm tới; ban hành nghị quyết, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới nâng cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện.
Mặt khác cần phát huy vai trò của Ban chỉ đạo nông thôn mới, từng thành viên theo nhiệm vụ được phân công, nắm bắt tiến độ thực hiện, có giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời. Văn phòng nông thôn mới và các phòng, đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện, nhất là việc thẩm định, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí đối với xã. Các phòng, ban, ngành đưa vào chương trình công tác hằng năm, xác định nội dung xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan đơn vị.
Một góc xã Cẩm Văn huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao
(Nguồn: internet)
Cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền hướng dẫn các xã và các chủ thể sản xuất chủ động tham gia thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Phát huy những sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đẩy mạnh chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân.
Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Lễ công bố Quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
(Nguồn: baodautu.vn)
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thực hiện các tiêu chí môi trường, giao thông, an ninh trật tự... bởi lẽ các tiêu chí này trong nông thôn mới nâng cao chưa thật sự bền vững, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, sự phản ứng của người dân.
Cần huy động tối đa nguồn lực bằng cách tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, khai thác tối đa các nguồn lực tại địa phương; đa dạng hóa, lồng ghép các chương trình, hoạt động thông qua sự tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, đóng góp của con em quê hương, kiều bào, các nhà hảo tâm... vào việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn như các công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trụ sở chính quyền và các nhà văn hóa thôn... góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Vũ Thị Mận - Trường Chính trị tỉnh Hải Dương