Tín dụng xanh và trái phiếu xanh trên toàn cầu đã và đang trở thành hai nguồn tài chính xanh1 lớn nhất, có vai trò quyết định quan trọng cho đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Khái niệm
Nếu như thuật ngữ tài chính xanh đề cập đến sự phát triển đồng bộ của ngành tài chính song song với việc cải thiện môi trường và tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu huy động các nguồn tài chính để mang lại lợi ích cho môi trường đồng thời giảm thiểu tác hại và quản lý rủi ro môi trường2 thì tín dụng xanh là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tín dụng xanh được hiểu là là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh không gây tác hại đến môi trường, mang lại lợi ích về môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học chung. Các khoản vay này thường có lãi suất ưu đãi với các điều khoản linh hoạt. Tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả, có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải3. Tín dụng xanh là xu hướng chung, tất yếu của thế giới nhằm cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường.
Ở Việt Nam, thị trường tài chính xanh đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: tín dụng xanh; cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Dự án được cấp tín dụng xanh
Tín dụng xanh lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 149). Theo đó,
“1. Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây:
a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;
b) Ứng phó với biến đổi khí hậu;
c) Quản lý chất thải;
d) Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường;
đ) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên;
e) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;
g) Tạo ra lợi ích khác về môi trường”4.
Điều 154 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ dự án được cấp tín dụng xanh gồm các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 149 nêu trên và theo quy định tại Nghị định này được cấp tín dụng xanh5.
Về Cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, Điều 155 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định rõ:
“1. Khuyến khích tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ưu tiên bố trí nguồn vốn để tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cấp tín dụng xanh được hưởng các cơ chế khuyến khích sau:
a) Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển;
b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ đào tạo, tập huấn cấp tín dụng xanh6.
Về lộ trình thực hiện tín dụng xanh, Điều 156 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Căn cứ nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tập trung, bố trí nguồn vốn phù hợp để cho vay ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục phân loại xanh quy định tại khoản 2, Điều 154 Nghị định này7”8.
“2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài để tài trợ cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh quy định tại Khoản 2 Điều 154 Nghị định này9 theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.
3. Căn cứ cân đối ngân sách nhà nước và thực tế cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026”10.
Vai trò của tín dụng xanh
Tín dụng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.
Trước hết, là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, tín dụng xanh là công cụ giải quyết thách thức về môi trường11 bởi tín dụng xanh cung cấp vốn ưu đãi cho các dự án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mục tiêu huy động các nguồn tài chính để mang lại lợi ích cho môi trường đồng thời giảm thiểu tác hại và quản lý rủi ro môi trường12. Tín dụng xanh đóng góp đáng kể đối với sự phát triển cân bằng và hài hòa trong mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế, môi trường và xã hội. Nó góp phần quan trọng vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường cho người dân.
Thứ ba, tín dụng xanh góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh cần thực hiện chuyển đổi xanh từ trong quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu phát thải từ quá trình sản xuất và vận hành13.
Thứ tư, tín dụng xanh khuyến khích các tổ chức kinh doanh thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và quy trình quản lý, tăng cường việc thực hiện các biện pháp quản lý môi trường.
Thứ năm, tín dụng xanh mang lại cho người dân cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế những rủi ro sử dụng sản phẩm độc hại.
Với vai trò quan trọng như vậy, trong thời gian tới, nguồn tài chính này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26.
Chú thích và tài liệu tham khảo
[1] Xem thêm: “’Tài chính xanh’ là gì?”, http://thinhvuongvietnam.com/Content/tai-chinh-xanh-la-gi-110, ngày 06/06/2024.
2. Lê Mai Trang, Vũ Ngọc Tú-Trần Kim Anh, Nguyễn Thị Yến Hạnh, Nguyễn Thị Quỳnh Hương: “Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024.
3 Minh Đức, “Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Chìa khóa để thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, https://thitruongtaichinhtiente.vn, ngày 07/09/2023.
4. Quốc hội: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020, Điều 149.
5, 6, 8, 10. Chính phủ: Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Điều 154; Điều 155; Điều 156; Điều 156.
7, 9. Khoản 2, Điều 154, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (sau đây gọi là danh mục phân loại xanh) trước ngày 31 tháng 12 năm 2022”.
11. Linh Trang: “Kết nối tài chính xanh với tín chỉ carbon để sớm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh”, https://tapchitaichinh.vn, ngày 07/09/2023.
12. Lê Mai Trang, Vũ Ngọc Tú-Trần Kim Anh, Nguyễn Thị Yến Hạnh, Nguyễn Thị Quỳnh Hương: “Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024.
13. “Tài chính xanh là gì? Đầu tư xanh tại Việt Nam và thế giới”, ngày 07/05/2024.
Thảo Nguyên