Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2018
Những tác động tích cực
Một là, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch luôn được Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị quan tâm.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh trên lĩnh vực này, gần đây nhất là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia; Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; và đặc biệt, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, như: Luật An ninh mạng 2018, Luật Quốc phòng 2018, Luật Báo chí 2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Luật Xuất bản 2012…, qua đó làm cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch cũng như các hoạt động chống phá khác.
Hai là, kinh tế - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Với sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 2%/năm, bình quân giai đoạn 2016 -2021 đạt khoảng 5,9% - 6%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 3.743 USD. Điều này tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Đảng, Nhà nước luôn kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; quốc phòng- an ninh được tăng cường; chủ động trong đánh giá, dự báo, xử lí đúng đắn các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và hải đảo; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Việc ứng xử kiên trì, kiên quyết, khôn khéo trước những biến động của tình hình thế giới và chủ quyền quốc gia, lãnh thổ của Đảng và Nhà nước không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, mà còn được các nước, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia thế giới đánh giá cao.
Trên lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam đã và đang củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của mình trên mọi lĩnh vực, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế, chủ động xây dựng và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các quốc gia. Đáng chú ý, Năm 2021, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Những thành tựu trên các lĩnh vực không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là sự minh định cho chính sách phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh và đường lối đối ngoại đúng đắn, đồng thời là tiền đề quan trọng để phòng chống các quan điểm xuyên tạc, phản động có hiệu quả.
Ba là, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; nhiều vụ án tham nhũng lớn liên quan đến cán bộ, đảng viên được phát hiện và đưa ra xét xử, thể hiện rõ quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị rất cao, được cán bộ và nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ.
Trong suốt nhiệm kỳ XII và đầu nhiệm kỳ XIII, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn; có lý, có tình, thể hiện rõ quan điểm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng. Đấu tranh phòng chống tham nhũng được làm nghiêm từ trên xuống dưới và đó chính là bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực này, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Tình hình quốc tế có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường.
Những tác động tiêu cực
Thứ nhất, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam.
Tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được các thế lực thù địch, phản động tiến hành với các thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm tạo ra khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên của Đảng, cũng như trong toàn xã hội, để từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, tiến tới làm tan rã Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là thủ đoạn không mới, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, đa dạng hơn, đặc biệt là các đối tượng đã sử dụng internet, mạng xã hội trở thành công cụ hữu hiệu để phát tán, tuyên truyền.
Tất cả những thông tin, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch được cac thế lực thù địchđầu tư kỹ lưỡng, tiến hành đan xen, ẩn hiện trong nhau rất tinh vi, khó xác định dưới nhiều màu sắc, cấp độ khác nhau, lẫn lộn thật - giả, đúng - sai... khiến các cơ quan chức năng khó phân biệt, khó đấu tranh. Vì vậy, các hoạt động đó không chỉ khiến những người dân trình độ thấp, ít thông tin bị mê hoặc mà ngay cả một bộ phận người dân có trình độ dân trí cao hơn cũng hoang mang, hoài nghi từ đó hình thành dư luận xã hội tiêu cực một cách sâu rộng, gây mất ổn định. Thủ đoạn tinh vi, phức tạp này còn được kết hợp với thủ đoạn dựng lên và tung ra những tin đồn thất thiệt, những thông tin sai sự thật hoàn toàn hoặc một phần, được nhào nặn khéo léo để xuyên tạc và chia rẽ nội bộ ta.
Thứ hai, tình hình quốc tế có nhiều biến động lớn.
Với tác động của toàn cầu hoá, sự phát triển của khoa học - công nghệ, thế giới hiện nay đang có những chuyển biến nhanh chóng, vừa mang đến cho con người những thời cơ, vận hội, lại vừa đặt ra cho họ những nguy cơ, thách thức và những lo lắng, bất an. Đó là những vấn đề nóng bỏng từ giải trừ vũ khí hạt nhân đến biến đổi khí hậu; sự cạn kiệt nguồn lực, những dịch bệnh, đói nghèo đến những cuộc khủng hoảng kinh tế; chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang lan rộng cùng với nạn buôn người, tội phạm xuyên biên giới; chiến tranh vẫn đang diễn ra thảm khốc ở nhiều nơi; từ đó tác động không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, sự ổn định và phát triển của Việt Nam.
Đặc biệt, những năm vừa qua, do sự suy yếu tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước, nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ dẫn tới sự chuyển dịch quyền lực trên phạm vi toàn cầu. Sự chuyển dịch này làm cho cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh đó, sự cọ sát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt, tác động sâu rộng đến an ninh, chính trị thế giới.
Thứ ba, tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đặc biệt là tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ đảng viên diễn biến phức tạp.
Tham nhũng đangcó xu hướng gia tăng và gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các vị trí "có quyền". Đặc biệt, thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng lớn, liên quan đến các cán bộ cấp cao có dấu hiệu gia tăng; đã phần nào làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, vào chế độ, đặc biệt một số người trẻ tỏ ra “hoài nghi” về sự lãnh đạo của Đảng và đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc. Đây chính là mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch ra sức chống phá Đảng, tiến hành tuyên truyền, phổ biến các quan điểm sai trái, thù địch; kích động nhân dân tiến hành biểu tình phản đối, tập hợp lực lượng chống phá tiến tới bạo loạn, lật đổ chế độ.
Hà Thuỷ