Một tháng qua, từ ngày 27/1 đến 27/2, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 831, trong đó Hải Dương (647), Quảng Ninh (61), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hà Giang một ca.
Bốn biến thể nCoV được phát hiện sau khi giải trình tự gene bệnh nhân, trong đợt dịch này. Trong đó, biến thể từ Anh và biến thể Nam Phi ghi nhận ở các bệnh nhân Hải Dương; biến thể Anh ở bệnh nhân Quảng Ninh; biến thể Rwanda ở bệnh nhân Tân Sơn Nhất, TP HCM; và biến thể 20C ở bệnh nhân Nhật tại Hà Nội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Hải Dương chỉ phát hiện số ít ca mắc Covid-19 tại cộng đồng, đều truy vết được. Lực lượng chức năng đã khoanh trúng ổ dịch ở TP Chí Linh, phát hiện ra biến thể lây lan nhanh để đề ra chiến lược phong tỏa, xử lý tình huống dịch xuất hiện trong khu công nghiệp, nhà máy lớn có hàng nghìn công nhân và phải cách ly ngay lập tức.
Ngày 27/1, cơ quan chức năng Hải Dương nhận được thông báo từ phía Nhật Bản, rằng nữ công nhân, 31 tuổi, dương tính nCoV khi nhập cảnh vào nước này. Kết quả giải trình tự gene sau đó cho thấy cô này mắc biến chủng nCoV Anh. Cô gái này được xác định là công nhân nhà máy Poyun ở thành phố Chí Linh, Hải Dương. Lập tức hệ thống chống dịch các cấp, từ Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, chính quyền Hải Dương vào cuộc, rà soát, truy vết từ nguồn dịch tễ liên quan ca chỉ điểm từ Nhật Bản này.
Đêm 27/1 ca đầu tiên tại nhà máy Poyun được xác định dương tính, là nữ công nhân làm chung cô dương tính tại Nhật và có tiếp xúc gần.
Cũng đêm 27/1, Quảng Ninh ghi nhận một nhân viên sân bay Vân Đồn dương tính nCoV.
6h sáng 28/1, Bộ Y tế công bố hai ca nhiễm đầu tiên gồm "bệnh nhân 1552" - cô công nhân Poyun ở Hải Dương và "bệnh nhân 1553_ - nhân viên sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh, đánh dấu đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên trong năm 2021, đợt dịch lớn thứ ba trong nước kể từ đầu năm 2020.
Lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc truy vết dịch tễ hai ca nhiễm. Chỉ vài giờ sau, Bộ Y tế ghi nhận thêm 82 ca nhiễm cộng đồng ở Hải Dương và Quảng Ninh, con số ca nhiễm lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện tại một thời điểm. Trong đó, 10 ca được ghi nhận tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, 72 ca còn lại là công nhân Công ty Poyun, Hải Dương.
Số ca dương tính nhanh chóng tăng từng ngày, lan khắp 12 thành phố, huyện, thị xã của tỉnh Hải Dương, lan sang 11 tỉnh, thành khác, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Điện Biên... Covid-19 bùng phát trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đang tổ chức tại Hà Nội, đòi hỏi phải kiểm soát dịch bệnh trong thời gian càng ngắn càng tốt.
Hàng trăm chuyên gia, nhân viên y tế từ các bệnh viện tuyến Trung ương lập tức chi viện Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, lập bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân. Hơn 1.000 sinh viên tình nguyện từ các trường đại học, cao đẳng y dược trên địa bàn tham gia truy vết dịch tễ.
Hai bệnh viện dã chiến tại Hải Dương được thành lập thần tốc chỉ trong một ngày để điều trị bệnh nhân tại chỗ. Trong đó, Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế Chí Linh, điều trị các bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình, do nhóm chuyên gia từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương quản lý. Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, được chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ, điều trị các bệnh nhân nặng.
Khác với đợt bùng dịch tại Đà Nẵng, bệnh nhân cũ tại hai cơ sở y tế Hải Dương được chuyển đến nơi khác, để dành chỗ điều trị bệnh nhân Covid-19. Còn tại Quảng Ninh, các bệnh nhân nhanh chóng được chuyển tới những bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, động viên lực lượng chống dịch cố gắng kiểm soát dịch trong vòng 10 ngày. Để kịp thời truy vết, xác định các ca nhiễm, hàng trăm nhân viên y tế dự phòng của các tỉnh nhanh chóng điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm xuyên đêm. Hai ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh bước đầu được kiểm soát. Y bác sĩ Hải Dương, Quảng Ninh lần đầu đón Tết cùng Covid-19. Họ chấp nhận xa quê, gia đình, vừa ăn Tết vừa chống dịch.
Tới ngày 6/2, chùm 32 ca bệnh liên quan tới sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ được phát hiện. Trong đó, ca phát hiện sớm nhất là "bệnh nhân 1979", 28 tuổi, nhân viên giám sát bốc xếp hàng hóa, thuộc công ty VIAGS, hoạt động tại cảng Tân Sơn Nhất. Bệnh nhân sống tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Từ ca nhiễm này, lực lượng chức năng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện ít nhất 3 chuỗi lây nhiễm và 18 ca được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá là "tình huống nảy sinh bất ngờ", bởi F1 xét nghiệm âm tính song F2 dương tính, là điều đến nay chưa từng xảy ra.
Cơ quan chức năng nhận định "bệnh nhân 1979" không phải là nguồn lây của cụm dịch này. Trước anh, có thể có những người mắc nhưng đã khỏi, hoặc chưa xét nghiệm thấy.
Đây là lần đầu tiên TP HCM bùng phát dịch trong cộng đồng với số lượng ca nhiễm nhiều nhất, 32 ca, trong vòng 5 ngày. Đợt dịch liên quan Đà Nẵng, thành phố ghi nhận 8 trường hợp lây nhiễm. Đợt dịch từ Hải Dương, thành phố chỉ ghi nhận một ca.
Sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh có vẻ trở nên phức tạp hơn khi có làn sóng người bệnh từ vùng dịch trở về để làm việc. Các tỉnh, thành phố lân cận Hải Dương đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau, như xét nghiệm cho toàn bộ người về từ Hải Dương, yêu cầu khai báo y tế, cách ly... Người dân nghiêm túc tuân thủ giãn cách, khai báo y tế trung thực và đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay. Lực lượng y tế dự phòng vào cuộc nhanh hơn, các chiến lược, kịch bản phòng, chống dịch cấp tốc được đề ra.
Song, vẫn có một bộ phận nhỏ người dân chưa ý thức trong việc chống dịch, khai báo y tế không trung thực, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Tới lần bùng phát dịch này, số lượng người khai gian dối dường như tăng hơn so với hai đợt trước. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đánh giá "bệnh nhân 1722" và "bệnh nhân 2009" khai báo không trung thực; Hải Phòng xử phạt 2 người không khai báo y tế khi từ Hải Dương về; Hải Dương khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có liên quan "bệnh nhân 2278". Một số người cố tình khai báo sai lệch từ Hải Dương về để được xét nghiệm nCoV, buộc cơ quan chức năng phải cảnh cáo xử phạt.
Lực lượng y tế vẫn ráo riết thực hiện xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện sớm, không bỏ sót ca nhiễm từ đó thuận lợi khống chế dịch bệnh.
Nguồn VnExpress