Việt Nam đã vượt qua Bhutan để trở thành nước có chỉ số hạnh phúc thứ 5 thế giới và số 2 châu Á-Thái Bình Dương.
Chỉ số hạnh phúc liên tục thăng hạng
Theo bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc (HPI) do Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội New Economics Foundation (NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh công bố mới đây, Việt Nam đã vượt qua Bhutan để trở thành nước có chỉ số hạnh phúc thứ 5 thế giới và số 2 châu Á-Thái Bình Dương. Theo đánh giá của NEF, Việt Nam là một quốc gia có Dấu chân sinh thái thấp cũng như GDP bình quân đầu người kém hơn những nền kinh tế trong khu vực như Hong Kong. Tuy vậy, Việt Nam lại đánh bại các nền kinh tế khác về chỉ số hạnh phúc.
Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2021 (World Happinesss Report) của Liên hợp quốc, Việt Nam thăng hạng từ thứ 83 lên 79 trong bảng xếp hạng 149 quốc gia. Theo báo cáo này, Việt Nam xếp thứ 79, trên nước láng giềng Trung Quốc (84) hay một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia (81), Myanmar (126). Báo cáo Hạnh phúc thế giới đưa ra đánh giá chủ yếu dựa trên mức GDP, tuổi thọ, sự hào phóng, hỗ trợ xã hội, quyền tự do và tham nhũng. Có thể thấy, chiến dịch phòng, chống tham nhũng một cách quyết liệt trong thời gian vừa qua, hay những quyết sách kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng là những yếu tố giúp thăng hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam.
Trong suốt 30 năm qua, Việt Nam là một nước có chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển nhanh, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, khi cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 , Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thông tin, Việt Nam cũng đã có nghiên cứu về chỉ số hạnh phúc của người dân. Theo đó, những nghiên cứu này lượng hóa trên 3 cấp độ, cụ thể: thứ nhất về kinh tế, vật chất, môi trường tự nhiên; thứ hai hạnh phúc ở trong mối quan hệ với gia đình và xã hội; thứ ba hạnh phúc trong cảm nhận của cá nhân. Từ 3 cấp độ đã được lượng hóa đã xác định được những chỉ số cụ thể để tính toán, đo đếm mức độ hạnh phúc của người Việt Nam. Từ các chỉ số cụ thể đã đo đếm được mức độ hạnh phúc của người Việt Nam 6,477/10 điểm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, từ những con số nêu trên có thể thấy trạng thái hạnh phúc của người Việt Nam khá tích cực.
Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng. Việt Nam được thế giới đánh giá cao về chỉ số hạnh phúc là nhìn từ những giá trị văn hóa tinh thần, nền tảng đạo đức...
Tiếp tục lan tỏa thông điệp hạnh phúc
Dòng tiêu ngữ đi kèm Quốc hiệu “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” đã khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước hướng tới xây dựng một xã hội hạnh phúc.
Kể từ năm 2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực và nhiều động thái ủng hộ ngày này. Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức các hoạt động liên quan đến ngày này. Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, chủ đề hạnh phúc đã được thể hiện rõ nét trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm đến hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình và hướng đến một quốc gia hạnh phúc.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong văn kiện Đại hội Đảng của một số tỉnh, mục tiêu hạnh phúc trở thành phương châm hành động của địa phương. “Từ đây có thể thấy, hạnh phúc cần có sự chung tay, chung sức của rất nhiều người. Để làm được việc này, nhận thức hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà còn hạnh phúc cho gia đình và toàn xã hội vô cùng quan trọng. Đó là mục tiêu xây dựng một xã hội bền vững để thực hiện mong ước quốc gia hùng cường”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Khuất Văn Qúy, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hạnh phúc là khái niệm bao trùm, xét trên phương diện cụ thể mỗi cá nhân có cách gọi khác nhau nhưng vẫn hướng đến nội hàm của khái niệm hạnh phúc. Vì vậy, mỗi cấp độ nhất định sẽ có chỉ báo đánh giá để đo lường mức độ hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc quốc gia. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc.
“Hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ có được bộ tiêu chí đánh giá về mức độ hạnh phúc của gia đình Việt Nam. Từ đó, có thể đề xuất những chính sách phù hợp nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc”, ông Khuất Văn Qúy nhấn mạnh.