Hàng năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, người dân Việt Nam bắt đầu một mùa lễ hội xuân tưng bừng trên khắp cả nước. Từ lâu lễ hội đầu xuân đã được xem là nét văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nhiều lễ hội truyền thống phải tạm dừng tổ chức. Điều này tác động không nhỏ đến đời sống tâm linh và văn hóa tinh thần của nhân dân cũng như ngành du lịch các địa phương.
Sau thời gian ổn định, khống chế dịch thành công, nhiều địa phương đã lên sẵn kế hoạch, kịch bản cho các lễ hội trên địa bàn. Thế nhưng, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại ngay trước tết Nguyên Đán, trước mùa lễ hội xuân Tân Sửu 2021, buộc các địa phương phải thay đổi kịch bản, thay đổi phương án tổ chức thậm chí dừng hẳn các hoạt động lễ hội trên địa bàn để phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Dừng tổ chức nhiều lễ hội lớn đầu xuân
Lễ hội Gò Đống Đa là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội, diễn ra vào mồng 5 tháng Giêng hàng năm để kỷ niệm ngày Quang Trung đại phá đồn Ngọc Hồi, tiến vào giải phóng Thăng Long khỏi quân Thanh xâm lược. Song do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngày 5/2 UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đã ra thông báo dừng tổ chức lễ hội kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Lễ hội Gò Đống Đa).
UBND huyện Mỹ Đức cũng cho biết, mùa lễ hội năm 2021 sẽ không tổ chức lễ khai hội chùa Hương vào ngày 17/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
Huyện Mỹ Đức chỉ duy trì đón khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Chùa Hương. Khách tham quan được yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế.
Huyện Mê Linh đã quyết định không tổ chức lễ hội đền Hai Bà Trưng và các lễ hội khác trên địa bàn huyện trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Việc dừng tổ chức lễ hội đền Hai Bà Trưng sẽ đi cùng với việc hạn chế đón tiếp khách đến làm lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt này.
Năm nay, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) dự kiến tổ chức lễ hội Gióng tại đền Sóc gắn với Lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (mùng 6 tháng Giêng âm lịch). Nhưng trước tình hình mới của dịch Covid-19, UBND huyện Sóc Sơn thống nhất không tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đối với lễ hội Gióng tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn cũng chủ trương không tổ chức phần hội, chỉ tổ chức phần lễ với các nghi thức truyền thống.
Lễ hội khai ấn đền Trần là một trong những lễ hội lớn tại Nam Định, diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng hằng năm, thu hút hàng triệu khách thập phương tham dự. Để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 dịp tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021, UBND tỉnh Nam Định cũng thông báo dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần và Hội chợ Viềng Xuân 2021. Đây là năm thứ hai, UBND tỉnh Nam Định quyết định dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, để bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp thời gian qua, dịp giỗ tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ chỉ tổ chức phần lễ, dừng toàn bộ các hoạt động ở phần hội. Đây là năm thứ hai, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Trước đó, năm 2020, Lễ giỗ tổ Hùng Vương cũng chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính…
Đảm bảo nhu cầu tâm linh của người dân
Việc dừng tổ chức các lễ hội đầu xuân đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân, bởi đi lễ hội, tới đền chùa từ lâu đã trở thành một nét văn hóa truyền thống, một nhu cầu tâm linh không thể thiếu của các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình hiện tại, việc phòng chống dịch phải được đặt lên trên hết.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Sức khỏe con người là vốn quý nhất. Đức Phật cũng dạy tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ. Hơn nữa Phật tại tâm, chùa cũng ở trong tâm mình cho nên cứ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Khi nào dịch bệnh qua đi, chùa còn đấy, phật còn đấy chúng ta lại tiếp tục về chùa lễ phật cũng chưa muộn”.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), để đảm bảo nhu cầu tâm linh của người dân, ở các tỉnh thành chưa có dịch bùng phát nghiêm trọng có thể chỉ dừng tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người, còn phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với đại diện cộng đồng tham gia. Trong trạng thái bình thường mới, Bộ VHTTDL sẽ có những định hướng và giải pháp cụ thể cho công tác tổ chức lễ hội của từng địa phương.
TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phân tích, văn hóa không phải là hiện tượng mà là cả quá trình. Dịch bệnh cho chúng ta trải nghiệm văn hóa khác với thông lệ. Đó là việc tạm dừng các sinh hoạt truyền thống trong đó có lễ hội. Theo TS Bùi Hoài Sơn, văn hóa luôn biến đổi và thích nghi với xã hội mà nó tồn tại. Lễ hội truyền thống hôm nay là sản phẩm của lịch sử, không chỉ là sản phẩm của xã hội đương đại và có sự khác biệt trong tương lai. Lễ hội trong lịch sử chưa phải chưa từng bị tạm dừng do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, vì thế việc tạm dừng do điều kiện dịch bệnh không phải nguyên nhân của sự phai nhạt văn hóa./.
Hà Phương/VOV.VN