“Uống nước nhớ nguồn”, trọng nghĩa tình đạo lý vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vì vậy khi được sống trong hòa bình, tự do, độc lập, chúng ta luôn khắc ghi công lao của các anh hùng, thương binh liệt sỹ, các thế hệ cha anh đi trước. Những ngày này, trở về với lịch sử là trở về với những trang chói lọi, sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ta xúc động, tri ân, kính cẩn nghiêng mình trước những sự hy sinh to lớn đó, cũng như thấy mình được tiếp thêm sức mạnh để sống, đoàn kết, lao động và cống hiến nhằm dựng xây đất nước quê hương.
Đoàn chư Tăng dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị
Biển Đông những ngày tháng Bảy, biển vẫn xanh và sóng vẫn rì rào
Côn Đảo mùa này, hàng phi lao vẫn đang cùng gió hát
Ngã Ba Đồng Lộc, nơi miền Trung đầy nắng cát, trong cái khắc nghiệt của thiên nhiên thì đất mẹ vẫn dịu hiền
Trường Sơn mùa này vẫn trang nghiêm và linh thiêng. Lặng im! Thật lặng im để các anh hùng của chúng ta yên nghỉ!
Đức Phổ bao năm vẫn thắm tình đồng chí, nhớ năm nao chị Trâm hát “Bài ca hy vọng” để khích lệ các thương binh.
Xuôi Nghệ An ghé đến Truông Bồn, vẫn oi ả mùa gió Lào khát cháy, nhớ 13 người anh hùng đã ngã xuống nơi đây.
Tháng Bảy về, đất trời như linh thiêng hơn, lòng người cũng lắng sâu hơn với biết bao bồi hồi, bao niềm tri ân và lòng tưởng nhớ.
Sao thật linh thiêng trời Việt Nam, linh thiêng đất Việt Nam:
“Về đây, các anh ơi hãy về đây, để nghe mẹ ru, để nghe em hát.
Về thăm cánh đồng trĩu nặng, về thăm lũy tre làng quê hương.
Về đây, các anh ơi hãy về đây, nằm nghe biển ru, nằm nghe sông hát”[i]…
Về đây, các anh chị về để nghe lời biển ru, để nghe em hát, và để thấy đất mẹ Tổ Quốc hôm nay đã có biết bao nhiêu sự đổi thay:
Hơn 35 năm đất nước ta đổi mới, nhờ lòng dân hợp cùng ý Đảng, Việt Nam ta đã lớn mạnh từng ngày. Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông đang vươn mình ngày thêm mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Hà Nội - chốn linh thiêng hào hoa, một trung tâm văn hóa chính trị, là trái tim Tổ quốc vẫn rạng ngời nô nức chào đón bao bè bạn quốc tế ghé thăm. Khúc ruột miền Trung năm nào bao lửa đạn mưa bom, nay khắp các xóm thôn đã được thay bằng những màu áo mới. Người dân ta 3 miền đang vui hưởng thái bình, sôi nổi với phong trào nông thôn mới…dẫu biết rằng dù còn nhiều cách trở khó khăn nhưng đất nước mình vẫn vững chãi đi lên!
Các chị, các anh về đây, để thấy đồng bào ta trên dưới một lòng, có Đảng chỉ lối soi đường với khát vọng đất nước ngày một thêm hùng cường, giàu mạnh.
Đi trong mùa tưởng nhớ, ta thấu hiểu sâu sắc hơn về lòng yêu nước, thương nòi, về trí tuệ con người và bản lĩnh Việt Nam, như lời Bác nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyên thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Đi trong mùa tưởng nhớ, để ta thấu hiểu điều thiêng liêng các chị, các anh, những thế hệ đi trước đã “chuyền lại cho chúng ta”: Là lòng yêu nước, là lãnh thổ chủ quyền, là đất liền, vùng trời và biển đảo. Là từng ngọn cây, là từng tấc đất, là từng điệu dân ca, là khí phách dân tộc, là truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, khoan dung, trọng đạo lý…
Đi trong mùa tưởng nhớ, ta hiểu nhiều hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, về cái giá của hòa bình, về tuổi trẻ, về sự dấn thân, về lý tưởng cách mạng, lẽ sống và về lòng yêu quê hương đất nước. Ta như được nuôi dưỡng đắp bồi thêm từ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cũng như những trang hào hùng chói lọi thời đại Hồ Chí Minh. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với dân tộc quê hương, với Đảng và với sự nghiệp dựng xây chủ nghĩa xã hội. Yêu nước, ta cũng thấy rõ hơn trách nhiệm giữ gìn truyền thống đoàn kết, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân để luôn tỉnh táo, cảnh giác trước những mưu đồ chính trị đen tối, những sự kích động, chống phá nhằm phá khủng bố, phá hoại nghĩa tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ta. Rằng không thể có một sự hứa hẹn viển vông đầy xa xôi ảo vọng, mà cuộc sống ấm no chỉ đến nhờ sự nỗ lực đồng hành cùng các cấp hội, chính quyền đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ta – một đảng chân chính luôn vì lợi ích của dân tộc, nhân dân, một đảng đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…
Các đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Nhớ lời Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn trong Di chúc: "Ðối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Ðảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh"… Ðối với cha mẹ, vợ con mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét"[ii].
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đời đời vinh danh, tri ân công ơn, sự hy sinh vô cùng to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Trong những năm qua, việc quan tâm, chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, tô thắm thêm cho truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc .
Đi trong mùa tưởng nhớ, ta chợt nghĩ về một đoạn văn hay trong nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”, để trân quý nhiều hơn về độc lập, hòa bình, rằng, “Ai đấy, khi khoác vai người bạn yêu quí của mình, chỉ cho bạn, kia là ngôi sao Hôm - ngôi sao Mai... Ngôi sao ban chiều và ngôi sao của bình minh. Chớ quên rằng, có buổi sáng nào, sao Mai mang màu đỏ, màu máu và màu lửa! Chớ quên rằng, để đêm trăng có những ngôi sao tình tự, để con người được tự do mơ ước vươn tới những đỉnh cao xa; có những trái tim đầy khát vọng phải xếp vào ba lô mọi mơ ước dịu hiền nhất, mọi tương lai cá nhân quen thuộc nhất. Mà đánh giặc”...[iii]
Không! chúng ta sẽ đời đời không quên sự hy sinh to lớn của các chị các anh, các anh hùng thương binh, liệt sỹ cho một Việt Nam thêm rạng rỡ, trường tồn, để gánh vác phần người đi trước để lại, và để dặn dò con cháu chuyện mai sau:
“Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau”[iv]…
[i] Linh thiêng Việt Nam, tác giả Lê Quang
[ii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.616
[iii] Trích Nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc
[iv] Trích “Đất nước”, tác giả Nguyễn Khoa Điềm.
Nhâm Hồ