Những dấu mốc nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng với sự chủ động tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân cả nước, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cụ thể:
Năm 2024, tăng trưởng GDP ước tính tăng 7,09% so với năm 2023, vượt mục tiêu 6-6,5% đã đề ra. Quy mô GDP nền kinh tế đạt mức 11.512 ngàn tỉ đồng, tương đương khoảng 476 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD/người, tăng 377 USD so với năm 2023. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000 và GDP bình quân đầu người cũng tăng gần 10 lần[1].
Năm 2024, mặc dù có nhiều thiên tai, bão lũ bất thường như bão Yagi vào đầu tháng 9/2024, gây thiệt hại gần 90.000 tỷ đồng nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng chống và khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nên nông nghiệp vẫn có bước phát triển đáng ghi nhận. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%[2].
Về công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4% so với năm 2023, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (năm 2023 tăng 1,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%; ngành khai khoáng giảm 6,5%[3], điều này cho thấy, nền kinh tế dựa vào khai thác thuần túy tài nguyên trước đây đang được giảm dần.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải, du lịch năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng. Chẳng hạn, ngành du lịch Việt Nam năm đón gần 17,5 triệu lượt, tăng 38,9%; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2023[4]. Ngành này đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Ấn tượng nhất phải kể đến trong ngành giao thông, vận tải là tháng 11/2024 đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ở kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Năm 2024 thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều bất ổn, xung đột, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, 19 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện. Công tác ngoại giao kinh tế là nội dung trọng tâm, được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều thị trường và hướng đi mới, nhất là thúc đẩy đầu tư và thu hút nguồn lực ở các ngành có thể tạo đột phá. Thành quả đối ngoại đang dần khẳng định tầm vóc mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực chính trị, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt: thể dục thể thao[5], văn hoá, y tế, giáo dục và chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm; Các hoạt động quản lý tài nguyên môi trường, khoa học và công nghệ được tăng cường; Cải cách hành chính tiến bộ vượt bậc; Công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Quốc phòng, quân sự địa phương được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các kết quả này một lần nữa minh chứng cho nhận định của Đại hội XIII: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[6] và tạo cơ sở, tiền để để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình từ năm 2025.
Tiếp tục khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Những thành tựu đạt được là nền tảng, động lực cho toàn Đảng và toàn dân phấn đấu, vươn lên xây dựng tầm nhìn, chiến lược vươn mình của Đại hội XIV sắp tới. Tuy nhiên, năm 2025 được dự báo là năm có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn. Tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những xung đột và biến động rất nhanh, phức tạp, chưa từng có tiền lệ. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao…
Trong nước, thách thức và thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn: áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, xuân mới năm 2025 cần tiếp tục khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, có cơ sở từ thành tựu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước mắt, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, ý chí, khát vọng nhằm nâng cao vị thế Việt Nam của toàn dân tộc; huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược của Đại hội XIII. Đặc biệt, chú trọng đột phá: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam”[7]. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Hai là, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Kết hợp sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, giải phóng toàn bộ sức sản xuất. Phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, lãng phí, khắc phục dân chủ hình thức. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thịnh vượng, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc và các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ là điểm tựa để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ba là, tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phấn đấu trở thành thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Tận dụng mọi cơ hội cơ hội kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển thịnh vượng, người dân hạnh phúc trên nguyên tắc đề cao tự cường, tự tin nỗ lực hoà mình trong dòng chảy thời đại để có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế.
Bốn là, tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đảng cần thiết phải nghiên cứu lý luận về đường lối đổi mới, bổ sung vào chủ trương, chiến lược phát triển; xây dựng, phát triển một học thuyết phát triển của Việt Nam để bảo đảm vai trò tiên phong, dẫn đường, lãnh đạo và cầm quyền của mình. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, những điểm nghẽn trong thể chế hiện nay là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Do vậy, cần phải được tháo gỡ nhanh chóng và triệt để.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đội ngũ cán bộ cần tuân thủ các nguyên tắc "tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”, đồng bộ với quá trình đổi mới tổ chức hiện nay. Đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết sẽ là nhân tố quyết định thành công trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
[1] Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 498,58 USD, xếp thứ 7/11 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 173/200 trên thế giới. Đến năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên đạt khoảng 3.718 USD, xếp thứ 6/11 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 124 trên thế giới. GDP bình quân Việt Nam năm 2000 xếp thứ 173/200 thế giới, năm 2022 thay đổi thế nào?
[5] Những ngày đầu năm 2025, bóng đá Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024.
[6] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG ST, H, 2021, t.I, tr.111.
[7] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H, 2021, t.I, tr.220.
Hà Thanh