Câu hỏi: Xin cho biết mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện.
Trả lời
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 11). Đây là Nghị quyết đầu tiên về phát triển vùng sau khi tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW về vùng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết 11 đặt sự phát triển của vùng trong tổng thể phát triển của quốc gia. Sự phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ không thể tách rời sự phát triển của quốc gia, chịu sự chi phối và có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với phát triển quốc gia. Mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết là sự cụ thể hoá tầm nhìn, mục tiêu phát triển được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng; thể hiện tính xã hội chủ nghĩa trong phát triển vùng.
Nghị quyết 11 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước. Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Tầm nhìn đến năm 2045, vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Nghị quyết 11 có những điểm mới, trọng tâm là:
Một là, đặt sự phát triển của vùng trong tổng thể phát triển của quốc gia;
Hai là, đưa ra yêu cầu về thống nhất nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển và liên kết vùng, trước hết cần tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng người dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với đảm bảo quốc phòng, an ninh; môi trường, sinh thái và khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cả nước. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, cần đổi mới tư duy phát triển, nhất là tư duy về liên kết vùng; tư duy về cơ chế chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực và về tiềm năng lợi thế.
Ba là, yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải có trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết xác định hai khâu đột phá trong phát triển vùng là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bốn là, yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải gắn với phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Năm là, coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và rừng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng.
Sáu là, yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biên cương của Tổ quốc.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11, ngày 01/8/2022, Chính phủ ra Nghị quyết số 96/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là:
- Trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0 - 9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45 - 46%, dịch vụ chiếm 37 - 38%; GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 - 70%; có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2 - 3%/năm. Đạt 32 giường bệnh viện/vạn dân; 11 bác sĩ/vạn dân; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 54 - 55%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95 - 100%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 93 - 95%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế đạt 90%; chất thải rắn đô thị đạt 100%. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu này, Chương trình đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Một là, quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xâydựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11; Hai là, hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; Ba là, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; Bốn là, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; Sáu là, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thệ thống chính trị.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
2. Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thiên Hương