Dù doanh thu và lợi nhuận đều bị ảnh hưởng sụt giảm, song các doanh nghiệp xác định để tiếp tục có mặt trên thương trường buộc phải nỗ lực vươn lên trong tái cấu trúc, tìm hướng đi riêng cho mình, cũng như tiết kiệm mọi mặt về chi phí để giảm giá thành sản phẩm… nhằm bảo toàn được năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, khách hàng, thị trường…
Nhìn lại năm 2023 khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu thì vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc xung đột chưa có hồi kết; lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn... đã tác động hầu hết các ngành, lĩnh vực của nước ta, gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp rất “yếu”, khi mà số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.
"Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình đối mặt với những khó khăn, thách thức như hiện nay. Hết dịch Covid-19, thì lại đến cơn bão tài chính, giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến xu hướng quốc tế… làm cho doanh nghiệp đều phải gồng mình chịu đựng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp là phải cắt giảm lao động, ngừng trệ, sản xuất hoặc có thể là án binh bất động không sản xuất, bởi vì khó khăn rất nhiều" - ông Đoan cho biết.
Khó khăn hiện hữu trong bối cảnh tình hình kinh tế chung của toàn cầu bị suy giảm, các doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất, sản phẩm bị tồn kho… Tuy nhiên trong bối cảnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tái cấu trúc, giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng hậu mãi nhằm thu hút khách hàng… để vượt qua khó khăn.
Nhìn lại hoạt động trong năm 2023, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, để tiếp tục tồn tại, mỗi một doanh nghiệp buộc phải có những giải pháp riêng để vượt khó. Đối với May 10, trước biến động của thị trường, doanh nghiệp đã tập trung đánh giá và rà soát lại hoạt động của mình. Theo đó đưa ra chiến lược định vị lại về sản phẩm, thị trường; quản trị và công nghệ… cũng như đưa ra mô hình sản xuất nhằm phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Cùng với đó, tiết kiệm trên mọi mặt hoạt động về chi phí để giảm giá thành sản phẩm… Chính vì thế, dù doanh thu giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022- đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, song nhìn về tổng thể, doanh nghiệp vẫn bảo toàn mọi mặt: từ năng lực sản xuất, đến chất lượng sản phẩm, khách hàng, thị trường tiếp tục duy trì trong năm. Đồng thời, mở rộng thêm được các thị trường xuất khẩu mới.
Ông Thân Đức Việt chia sẻ: "Thị trường xuất khẩu hay là thị trường trong nước chúng tôi rất linh hoạt trong câu chuyện tìm kiếm những sản phẩm mới của hệ thống khách hàng truyền thống và những thị trường mới, cũng như là khách hàng mới, của những thị trường mới. Năm 2023, đối với thị trường xuất khẩu, chúng tôi mở rộng thêm một số khách hàng như Philippines, Thái Lan của các nước ASEAN, thị trường Úc trước đây chúng tôi mới làm ít, bây giờ làm nhiều. Chúng tôi cũng mở rộng thêm các thị trường Hàn Quốc, thị trường Canada bên cạnh 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Chúng tôi đã vượt qua được năm 2023 đầy khó khăn và không bị ảnh hưởng quá lớn".
Cũng là một lĩnh vực chịu tác động của tình hình khó khăn chung, khi doanh thu của nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm, song theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn N&G, hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn nỗ lực, bền bỉ, cố gắng duy trì được sức sản xuất và đảm bảo được đời sống cán bộ công nhân viên. Đồng thời lạc quan vào tương lai cho lĩnh vực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có thể chen chân vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, là mắt xích quan trọng trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Hoàng cho rằng, với việc nước ta nâng tầm là Đối tác chiến lược, toàn diện đối với Hoa Kỳ và các cường quốc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng như các hiệp định FTA thế hệ mới đã, đang và tiếp tục sẽ ký kết- hứa hẹn sẽ là những thị trường rất lớn để doanh nghiệp Việt có thể tham gia và phát triển thị trường của mình, cũng như đóng góp vào kinh tế đất nước.
Theo ông Hoàng: "Các thị phần còn bỏ ngỏ rất lớn về các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lên con số hàng trăm tỷ đô la. Đấy chính là thị phần mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia ngay, có thể vươn lên chiếm lĩnh nó và vươn lên để phát triển kinh tế cho mình và đóng góp phát triển kinh tế của đất nước, trong những năm tiếp theo".
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đánh giá, trong bối cảnh nhiều thử thách của tình hình kinh tế chung, các doanh nghiệp Việt luôn kiên trì, bền bỉ vượt khó, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ được việc làm cho người lao động. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước luôn bên cạnh, có nhiều quyết sách kịp thời từ Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp. Cụ thể như chính sách ưu đãi về hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí; chính sách tiền tệ, tín dụng, hỗ trợ lãi suất… nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đón năm mới 2024 với hy vọng có những diễn biến tốt hơn, song doanh nghiệp vẫn sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó khăn trong thời gian tới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu rõ: "Bức tranh chung năm 2023 là doanh nhân rất kiên trì, đồng hành chia sẻ khó khăn của đất nước. Cũng nhờ vậy, một số Chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam năm nay có thể không đạt mục tiêu đề ra, nhưng tổng thể nền kinh tế vẫn ổn định, người lao động có việc làm và có thu nhập. Doanh nghiệp đã góp phần vào thành công chung cùng với Chính phủ trong việc vận hành nền kinh tế quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối vĩ mô, không xảy ra khủng hoảng".
Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2024 và những năm tiếp theo, bức tranh kinh tế của thế giới cũng như Việt Nam sẽ còn có những khó khăn, thách thức, do đó cho rằng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển là điều rất quan trọng. Vì thế, các cơ quan chức năng, bộ, ngành, địa phương, cũng như các cơ quan quản lý cần rà soát lại các văn bản, đơn giản hóa các thủ tục hành chính chính, giảm các giấy phép cũng như các quy định quá chặt chẽ, không hợp lý. Đặc biệt phải tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng bình đẳng, thông thoáng để doanh nghiệp có thể vận dụng năng lực khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động.
Song song đó, đối với doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo đưa ra các sản phẩm mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng. Tiếp tục đổi mới công nghệ để thích ứng được với những đòi hỏi của các đối tác, đồng thời nâng cấp các sản phẩm hiện có của mình để tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp có vốn FDI.
Nguyễn Hằng/VOV1