Năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay, 25/12.
Sớm đưa Nghị quyết 42-NQ/TW vào cuộc sống
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Việt Nam là điểm sáng được quốc tế ghi nhận trong cuộc chiến chống đói nghèo. Cụ thể, Việt Nam đã tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia tham gia các chỉ số đánh giá về phát triển xã hội.
Năm nay, Việt Nam đưa được 150.000 lao động đi nước ngoài, góp phần quan trọng đảm bảo công ăn việc làm cho người dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 68% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%), cũng là một con số ấn tượng.
Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Lao động -Thương binh Xã hội tiếp tục tham mưu Chính phủ chương trình hành động triển khai Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; đặc biệt là quan tâm đến những thách thức, khó khăn đặt ra; có phân công và lộ trình để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống đồng thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết trong dự án của Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi thông qua vào kỳ họp thứ bảy và Luật Việc làm sửa đổi lấy ý kiến vào kỳ họp thứ 8.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm, an sinh xã hội hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết trong FTA thế hệ mới; giải quyết các vấn đề trong quan hệ với người sử dụng lao động và người lao động, đối thoại, thương lượng tập thể…
Đối với thị trường lao động, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng bám sát nhu cầu thị trường, trong đó tập tung vào sàn giao dịch việc làm quốc gia để bộ theo dõi, đánh giá, cập nhật, nắm được cung và cầu. Đây là sàn giao dịch lao động-việc làm quốc gia, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng kỳ vọng ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ chuyển đổi số toàn diện với sàn giao dịch việc làm điện tử này. Dự kiến vào quý 1/2024, Thủ tướng sẽ dự khai trương sàn giao dịch việc làm quốc gia.
Trong năm 2024, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tập trung triển khai hệ thống dịch vụ xã hội, đa dạng, đa tầng, liên thông, chuyên nghiệp đáp ứng cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với các nhóm đối tượng nhất là công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn, người di cư tự do, đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng động ngũ nhân viên làm công tác xã hội có hiểu biết pháp luật, có phẩm chất đạo đức, tận tâm, chuyên nghiệp, thúc đẩy xã hội hoá phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Chiến lược quốc gia với người cao tuổi; yêu cầu giải quyết các vấn đề của công nhân lao động như nhà ở, đời sống tinh thần; hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp người có công hướng tới mức ưu đãi cao nhất trong các chính sách xã hội...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 2024 là năm chỉnh đốn, nâng cao năng lực, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến lao động để tăng niềm tin cho người lao động vào các chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết toàn ngành Lao động-Thương binh và Xã hội bước vào năm 2024 với phương châm “Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Phát triển” nỗ lực hoàn thành năm 2024 với kết quả cao hơn năm 2023, đặc biệt phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp đạt dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%; trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1% đồng thời hoàn thành 16 chỉ tiêu ngành đặt ra.
Để thực hiện được mục tiêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trước hết sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 của Trung ương, tham mưu cho Chính phủ ban hành chương trình hành đồng phát triển của cơ quan điều hành đất nước đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng thể chế, trọng tâm là trình Quốc hội thông qua Luật bảo hiểm xã hội, Luật việc làm sửa đổi.
“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng thị trường lao động đặc biệt những vấn đề mới như chip, bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon…,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Trong năm 2024, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng 3 vấn đề: Vừa phòng ngừa, khắc phục vừa thích ứng rủi do hướng tới xây dựng lưới an sinh bao trùm, bền vững, mọi người đều được tham gia và thụ hưởng thành quả xã hội.
Bên cạnh đó, ứngng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ được thực hiện toàn diện trên lĩnh vực người có công và xã hội để hoàn thiện hệ thống cơ sở an sinh xã hội trên tất cả lĩnh vực.
“Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động, người có công với xã hội sẽ được tăng cường, siết chặt kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tập thể. Khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, thấy khó thì né, phức tạp thì đùn đẩy để làm sao thực thi hiệu quả chính sách, người dân được thụ hưởng,” Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định./.
(Vietnam+)