Thực tế ở Trung Quốc cho thấy, cải cách sâu rộng về thể chế, các chính sách trong lĩnh vực thị trường càng làm giải phóng thêm tiềm lực phát triển cho thị trường. Thế nhưng, cũng chính vì thế, kinh tế thị trường cũng đã hình thành nên những vấn đề xã hội làm méo mó các giá trị trong đời sống xã hội mà biểu hiện của nó là mất cân đối trong cơ cấu lợi ích, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn và phân hóa giữa các khu vực ở Trung Quốc không ngừng gia tăng và đã tiếp cận đến mức báo động theo quy chuẩn quốc tế[1], đồng thời xuất hiện nhiều vấn đề trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Cụ thể là:
Thứ nhất, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân(thực dụng, bản vị, tiêu dùng, bài nội,...). Cùng với sự yếu đi về hình thái ý thức truyền thống của nền chính trị thống soái là vấn đề giải thể chế độ đơn vị, chế độ công xã nhân dân, chế độ phân loại giai cấp và sự cởi trói về chế độ hộ tịch làm cho đời sống xã hội từng bước được “giải thoát”, tính tự chủ cá nhân không ngừng được gia tăng. Đối với các lĩnh vực như giải trí, tiêu dùng, hôn nhân cho đến các lĩnh vực như chọn nghề nghiệp, di cư, tư tưởng, quan niệm giá trị, văn hóa nghệ thuật cũng ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong sống cá nhân, đời sống kinh tế và lĩnh tự tư tưởng cá nhân, không gian lựa chọn của cá nhân ngày càng được mở rộng.
Dưới tác động của cơ chế “thị trường hóa”, quan điểm về “cái tôi trung tâm” ở Trung Quốc ngày càng đề cao; chủ nghĩa thực dụng đã bước ra khỏi cấu trúc tư tưởng của bức tường đạo đức “trọng nghĩa khinh lợi” đã tồn tại hơn hai ngàn năm trong lịch sử. Về tổng thể, vốn xã hội truyền thống dần bị mất đi, cá nhân tự do thực hiện và tự do hành động đã trở thành giá trị phổ biến mà thanh thiếu niên theo đuổi, đối với những thanh niên Trung Quốc thuộc thế hệ “8x” thì tác động này là vô cùng sâu sắc.
Thứ hai, xuất hiện những trào lưu mới, những quan điểm sai trái. Chẳng hạn, các trào lưu lý luận về đấu tranh giai cấp “phi Mác xít”, trào lưu về chủ nghĩa hư vô, tranh luận về “tả - hữu”; tranh luận về văn hóa phổ thể, văn hóa đại chúng; các chiêu thức “thẩm thấu”, “ăn mòn”. Các trào lưu này đã dẫn đến “sự khốn cảnh của tính tự chủ”. Điều này biểu hiện rõ nhất trong phân hóa về kết cấu xã hội, các nhóm sẽ có sự “đụng chạm” khi tiến hành truy cầu lợi ích bản thân, và do đó thiếu đi tính liên kết, hài hoà, và mâu thuẫn giữa các lực lượng xã hội khác nhau trong quá trình phân phối các nguồn lực ngày càng khó hòa giải hơn. Nhìn ở chiều cạnh sâu hơn, do tốc độ “thị trường hóa” nhanh chóng nên xã hội Trung Quốc đương đại phát sinh “khốn cảnh tính tự chủ”, vấn đề là làm thế nào để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, xây dựng trật tự xã hội. Trước bối cảnh kinh tế thị trường và cải cách mở cửa, làm thế nào để kích hoạt các nguồn lực xã hội, ứng phó một cách hữu hiệu với “khốn cảnh tính tự chủ” và các “trào lưu tư tưởng” đã trở thành nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ mới của cải cách mở cửa.
Trước thực trạng về các vấn đề liên quan đến tư tưởng, lý luận, chính trị cũng như những thách thức mà Trung Quốc phải đối diện đối với hình thái ý thức, Trung Quốc xác định vừa phải bảo đảm một cơ cấu xã hội vững chắc bên trong và môi trường xã hội lành mạnh từ bên ngoài. Muốn làm được điều đó, Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, hình thành cơ chế đấu tranh nhằm bảo đảm sự an toàn của hình thái ý thức. Như đã phân tích, các luồng tư tưởng, quan điểm mới ngày càng xuất hiện nhiều về số lượng, phức tạp về quy mô, đa dạng về chiều cạnh. Do đó, việc nghiên cứu một cách tỉ mỉ, khoa học để có những dự báo chính xác các tư tưởng, quan điểm có thể hình thành, phát triển và những tác động của nó đến đời sống xã hội trên bình diện hình thái ý thức. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn chỉ đạo và ban hành các cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến tư tưởng. Trong bối cảnh các trào lưu tư tưởng “trăm hoa đua nở” thì việc kiểm tra, giám sát, định hướng, thậm chí cảnh cáo, loại trừ những tư tưởng, quan điểm không phù hợp là một “loại vắc xin” bảo đảm cho cơ thể xã hội lành mạnh. Muốn làm được điều đó, phải tiến hành việc đánh giá, phân loại các luồng tư tưởng, kiểm soát chặt chẽ các thông tin trên mạng xã hội[2]nhằm định hướng các ý kiến, quan điểm trên các lĩnh vực của hình thái ý thức.
Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Internet.
Hai là, hình thành các quan điểm, tư tưởng chủ đạo để dẫn dắt, định hướng. Dựa vào ngôn ngữ “cách mạng” để từng bước hình thành hình thái ý thức của Đảng một cách có chủ đích; các quan điểm văn hóa mới (so với giá trị văn hóa truyền thống) được hình thành và phát triển trên cơ sở định hướng chung, tránh “lệch lạc” về quan điểm, tư tưởng. Để làm được điều đó, Trung Quốc đã hình thành ý thức tổng thể, kết hợp các luồng ý kiến, tư tưởng trong và ngoài nước theo hướng tích cực để dẫn dắt các luồng tư tưởng (kể cả tư tưởng văn học, nghệ thuật); hình thành ý thức chính trị, xây dựng mạng lưới giám sát và quản lý chặt chẽ theo chiều dọc và chiều ngang; hình thành ý thức khoa học, dẫn dắt các tư tưởng quan điểm theo định hướng khoa học, “tiệm cận với khoa học”; hình thành ý thức đổi mới, dùng phương pháp quản lý phát triển, phương pháp lịch sử để định hướng các luồng tư tưởng, quan điểm; hình thành ý thức sáng tạo nhưng đảm bảo phải “nắm được quyền phát ngôn” của cơ quan ngôn luận.
Thứ ba, chuyển hóa từ sự “ứng phó” bị động sang thế chủ động. Một thời gian dài, Trung Quốc đã rơi vào thế “bị động” khi ứng phó với các “trào lưu” tư tưởng phản động, tiêu cực, sai trái theo kiểu “nóng đâu phủi đó”[3]. Do đó, việc chủ động “ứng phó” chính là biện pháp tốt nhất để đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái trên lĩnh vực hình thái ý thức (tư tưởng và lý luận). Sự chủ động thể hiện trên hai bình diện: (1) Cần phải nghiên cứu và dự báo một cách chính xác các trào lưu, tư tưởng có thể “du nhập” vào cơ thể xã hội mà chủ động đưa ra những loại vắc xin miễn dịch; (2) Không né tránh, hay ngại “va đập” các tư tưởng, quan điểm phản động, tiêu cực với các tư tưởng chính thống. Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, chính sự “va đập” đó, cái nào “cứng hơn”, “phù hợp hơn” sẽ tồn tại và phát triển. Một luận thuyết hay một tác phẩm văn học hay nhưng không phù hợp (với văn hóa, lối sống, cách nhìn nhận, bầu không khí chính trị-xã hội,...) thì chắc hẳn sẽ không tồn tại được.
Bốn là, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước. Để ứng phó với các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận chính trị, văn hóa - tư tưởng, không cách nào tốt hơn là tăng cường công tác văn hóa - tư tưởng và phát huy nhân tố trí thức, vai trò của đội ngũ trí thức trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật. Với khẩu hiệu “3 gắn bó” là “gắn bó với cuộc sống, gắn bó với thực tiễn và gắn bó với quần chúng nhân dân”; tăng cường công tác chính trị, luôn ở thế chủ động; tăng cường tuyên truyền ý thức đại cục, nắm vững tính định hướng, củng cố địa vị chủ đạo về hình thái ý thức chủ nghĩa Mác-Lênin; hình thành dư luận tích cực về xây dựng một xã hội no đủ (tiểu khang).
Từ sau Đại hội XVII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công tác tư tưởng và tuyên truyền về tư tưởng, quan điểm của Đảng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tuyên truyền các quan điểm, tư tưởng nhằm định hướng giá trị hạt nhân của chủ nghĩa xã hội, của xã hội tiểu khang. Cùng với đó là không ngừng cải cách các thể chế văn hóa, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Muốn làm được điều đó không thể không nói đến vai trò của đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức là một bộ phận của quần chúng nhân dân nhưng làm sao để họ với “phần còn lại của nhân dân” phải hợp thành một thể thống nhất, từ quần chúng nhân dân mà ra và quay về phục vụ lại nhân dân. Hơn thế nữa, tầng lớp trí thức phải tạo được uy tín với nhân dân để có tiếng nói định hướng về tư tưởng và các luồng ý kiến. Trung Quốc cho rằng, tầng lớp trí thức là “chủ thể ngôn ngữ của hình thái ý thức hiện đại” có sức hiệu triệu đối với quần chúng và tiếng nói cổ vũ cho công cuộc cách mạng của Đảng.
Với các “nắm đấm tổ hợp” của các chủ thể “mang tính chính quy” đó, các quan điểm sai trái, thù địch dần bị đẩy lùi một cách thực chất, góp phần làm trong lành cơ thể xã hội, hướng đến phát triển xã hội no đủ và hài hòa theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.
Phạm Đi