Là cái tên quen thuộc trong cộng đồng Cổ phong, Ging Tran (2003, quê Trà Vinh, sinh viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Cửu Long) được biết đến nhiều qua những bức phục dựng nhân vật lịch sử nổi tiếng.
Đến nay, Gen Z này đã có cho mình bộ sưu tập hơn 100 tranh phục dựng nhân vật, điển hình là các đời vua, các vị danh tướng đại thần của triều Trần, Mạc, Chúa Nguyễn, Tây Sơn và những nhân vật tín ngưỡng, tôn giáo...
Ging Tran hiện là sinh viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Cửu Long. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ về niềm đam mê phục dựng chân dung các nhân vật xưa Ging Tran cho biết: “Không biết tự bao giờ, mình có niềm đam mê với tranh xưa, đặc biệt là các nhân vật lịch sử. Có thể phần lớn là do bản thân yêu lịch sử dân tộc, kính trọng tuyệt đối những con người làm nên lịch sử, chuyển xoay thời thế mà dường như ít được quan tâm của giới trẻ”.
Nam sinh cho biết, các tác phẩm của anh đều được dựa trên nguồn sử liệu chính thống, từ các bài viết khách quan.
Tùy vào kiểu dáng và bố cục tranh, anh thường chỉ mất khoảng 2 ngày để hoàn thành một tác phẩm phục dựng. Các bức vẽ được vẽ phác thảo bằng tay trên giấy và sau đó được nam sinh viên chỉnh sửa hoàn thiện trên điện thoại.
Ảnh phục dựng 13 vị vua triều Nguyễn của Ging Tran. (Ảnh: NVCC) |
Các bài phục dựng của Ging Tran này được lấy cảm hứng từ phong cách tranh dân gian miền Bắc như Đông Hồ, Hàng Trống, nhưng nhiều nhất vẫn là các tác phẩm phục dựng theo kiểu tranh kính dân gian Nam Bộ.
Theo Ging Tran, khó khăn lớn nhất và quyết định sự thành bại khi phục dựng ảnh là làm sao thể hiện được thần thái của nhân vật, nếu có tranh ảnh để lại thì phải tôn thêm lên vẻ đẹp vốn có, còn do mình sáng tác thì phải căn cứ vào tư liệu lịch sử, coi tính cách, công trạng của nhân vật mà tạo nên một chân dung hoàn thiện nhất có thể.
Các nhân vật lịch sử được phỏng dựng trong tranh của Ging Tran luôn toát lên phong thái uy nghiêm của bậc tiền nhân. Ảnh bộ tranh phục dựng tổng 14 vị vua nhà Trần và Hậu Trần. (Ảnh: NVCC) |
Bên cạnh đó, tư liệu trang phục ở Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ khuyết nên khi sáng tác sẽ không tránh khỏi sai sót. “Có thể, tại thời điểm hiện tại nó đúng, nhưng tầm một hai năm sau, tư liệu mới được tìm thấy, thay thế kiến thức cũ thì phải bắt buộc sửa chữa lại”, nam sinh bộc bạch.
Vì vậy, Ging Tran luôn tâm niệm thà rằng sai trên căn bản mà chỉnh sửa còn hơn là vẽ bừa vẽ đại. Anh luôn tôn trọng những góp ý thiện chí mang tính chất xây dựng và cho đó là động lực để hoàn thiện hơn nữa các tác phẩm của bản thân trong tương lai.
Một tác phẩm phục chế màu tranh cụ Nguyễn Công của Ging Tran. (Ảnh: NVCC) |
Ging cho biết, sở dĩ mình chọn thực hiện bằng tranh vẽ là để khơi gợi niềm yêu thích nghệ thuật lịch sử, nên không mong gì hơn là được phát triển. Anh cũng mong muốn có thể dùng tranh để quảng bá lịch sử rộng rãi hơn đến nhiều người trẻ.
Phục dựng lịch sử qua tư liệu là công việc đòi hỏi sự đam mê và nghiên cứu sâu rộng qua nhiều khía cạnh. Những sản phẩm của Ging Tran mặc dù xuất phát điểm là dự án cá nhân cũng lan tỏa những nét đẹp lịch sử đến những bạn trẻ với đam mê phục dựng nói riêng và cộng đồng yêu lịch sử nói chung, tạo nên nguồn cảm hứng tiếp cận lịch sử nước nhà qua một góc nhìn mới lạ.
Nguồn Sinh viên Việt Nam