Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Cách đây 70 năm, tháng 3/1954, với bút danh C.B, Người viết bài “Chống nạn giấy tờ”, lên án mạnh mẽ lối làm việc quan liêu, giấy tờ, trở thành “nạn” cần phải chống tại các cơ quan công quyền Nhà nước, để nhân dân bớt bị phiền hà, đất nước phát triển tiến bộ
Phê phán “nạn” giấy tờ
Mở đầu bài viết, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Từ các bộ ở Trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều”[1].
Người lấy dẫn chứng rõ ràng như Bộ Nội vụ có một bản thông tư (biên chế) dài 26 trang; một biên bản (hội nghị củng cố xã) dài hơn 100 trang; Bộ Tài chính, riêng Vụ Ngân sách, một tháng đòi hỏi hơn 10 báo cáo, có báo cáo dài hơn 10 trang, bản thống kê dài 53 cột; Bộ Canh nông là một bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, giấy tờ quá nhiều, quá dài, một biên bản tổng kết vụ Chiêm năm 1953 kèm thêm phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột,...[2].
Bên cạnh việc phê phán các cơ quan công quyền với nạn giấy tờ nặng nề, quá dài, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ khuyết điểm “quá chậm trễ” của các Bộ trong gửi công văn, giấy tờ “Chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn trâu bò cho khỏi rét: mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở văn phòng của Bộ”[3].
Các công văn, giấy tờ của các Bộ không những chậm trễ còn không đúng nguyên tắc, cách làm luộm thuộm và kém giữ bí mật.
Hồ Chí Minh chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trên là do “cán bộ không sát thực tế, không gần gũi quần chúng; cán bộ chỉ lo viết cho nhiều chỉ thị, thông tư,... mà không lo việc làm phải ăn khớp với lời nói, chỉ thị phải có thể thực thực hành. Cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị là xong việc, mà không theo dõi, giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường công tác tại chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
Quyết tâm khắc phục nạn giấy tờ của Đảng và Nhà nước
70 năm qua, bài viết của Bác vẫn luôn có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc. Khắc phục những căn bệnh hành chính, nặng nề về giấy tờ, thủ tục, gây lãng phí tiền bạc, công sức của cải của nhân dân.
Chính vì thế, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng cải cách hành chính, coi là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai chỉ đạo của Đảng về cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về việc giảm tải văn bản, giấy tờ trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.
Ngày 23/3/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 10/2006/CT - TTg về việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong các cơ quan hành chính Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ ra nhiều văn bản quy định về kiểm soát thủ tục hành chính và chỉ đạo công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia như: Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, ngày 6/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, ngày 22/5/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021, ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 131/NQ-CP, ngày 6/10/2022 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; Quyết định số 439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2023 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế; Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Với sự lãnh chỉ đạo sát sao của Chính phủ, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia, đã đạt được những kết quả quan trọng: Đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, từng bước đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật. Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã cập nhật 17.807 quy định tại 2.168 văn bản quy phạm pháp luật. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ; ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản thực thi 797 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, 627 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và 445 thủ tục hành chính phải phân cấp theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đến năm 2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia. Có 32,05% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ [5].
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống nạn giấy tờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa.
Minh Dương
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 8, tr 424.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr 425.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr 425.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr 426.
[5]. Dẫn theo: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/listbnv.aspx?Cat=851&ItemID=55362, 7 nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính.