1. Theo Quy định số 57-QĐ/TW năm 2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, đào tạo lý luận chính trị là quá trình truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Công tác đào tạo lý luận chính trị có vai trò quan trọng, góp phần chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ, nâng cao bản lĩnh chính trị và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác. Do vậy, tham gia các lớp đào tạo Cao cấp lý luận chính trị là yêu cầu bắt buộc, đồng thời là nhu cầu tự thân của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Thông qua học tập, học viên được trang bị kiến thức cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề lý luận và thực tiễn mới trong nước và quốc tế; các thành tựu nghiên cứu của khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn; hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực, tầm nhìn, tư duy chiến lược, nâng cao kỹ năng lãnh đạo quản lý và vận dụng thực tiễn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Qua đó, mỗi học viên hình thành và củng cố cho mình thế giới quan khoa học, bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin chính trị son sắt để vững vàng, kiên định trước sự tác động đa chiều của tình hình; rèn luyện ý thức tổ chức, chấp hành kỷ cương kỷ luật, không suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực; rèn luyện tinh thần “6 dám”, quyết liệt trong hành động và sẵn sàng cống hiến phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, trong đó có trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
2. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch muốn đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả thì không chỉ là “nhiệm vụ tự giác, thường xuyên” của cán bộ, đảng viên mà phải gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. “Bảo vệ tốt” trước hết là phải thực hiện đúng chủ trương, chính sách, kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để điều chỉnh, không tạo cớ cho kẻ xấu xuyên tạc, bóp méo. Nâng cao năng lực “tự bảo vệ” của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để có nền tảng lý luận và bản lĩnh vững vàng, phương pháp luận sắc bén để nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc được lồng ghép tính vi dưới danh nghĩa “xây dựng đất nước”.
Năng lực trên của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được hình thành và bồi đắp thường xuyên trong quá trình công tác, trong đó có quá trình tham gia các khóa đào tạo lý luận chính trị. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo lý luận chính trị cần quan tâm hơn đến vấn đề này theo hướng cung cấp các kiến thức cơ bản, nền tảng trong quá trình giảng dạy để học viên tiếp tục vận dụng, trau dồi thêm sau khi ra trường. Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách hệ thống trong toàn bộ các chương trình đào tạo (từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp Lý luận chính trị), trong mỗi chương trình đào tạo và trong mỗi môn học; đảm bảo việc tích hợp đồng bộ giữa giáo trình, giáo án và bài giảng, các khâu trong quá trình đào tạo. Tăng cường các hình thức thảo luận, seminar về chủ đề này để học viên nhận diện và tự xây dựng luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến chủ đề bài học. Tổ chức cho học viên trực tiếp tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng (fanpage, group, facebook cá nhân, viết bài, xây dựng video clip…). Quan tâm xây dựng các ấn phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cung cấp cho học viên nghiên cứu, tham khảo, tích lũy kiến thức, nhất là những ấn phẩm chuyên sâu nhận diện những quan điểm sai trái, âm mưu của các thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng để có những biện pháp đấu tranh, bảo vệ một cách thiết thực nhất.
Đồng thời, với vai trò lãnh đạo, quản lý, học viên lý luận chính trị có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác. Do vậy, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho học viên lý luận chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Trong quá trình học tập lý luận chính trị, các cơ sở đào tạo cần quan tâm xây dựng, củng cố năng lực này cho học viên thông qua việc cung cấp các vấn đề cơ bản về chủ thể, nội dung, phương thức, hình thức, biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kết quả và kinh nghiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các chặng đường lịch sử… để học viên nắm, vận dụng vào thực tiễn. Tổ chức cho học viên thảo luận, chia sẻ thực tế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những vấn đề nổi lên trong từng lĩnh vực, địa phương nơi học viên công tác. Từ đó làm phong phú thêm kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, và đấu tranh với các luận điệu sai trái, đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để những giải pháp trên đạt hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất vẫn là “tâm thế” của học viên. Mỗi học viên cần xác định rõ việc tham gia học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ chính trị, cũng là nhu cầu tự thân để hoàn thiện mình về lý luận, phương pháp công tác, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Trong quá trình học tập, học viên cần tập trung học tập, nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Xây dựng được thái độ, động cơ học tập và rèn luyện đúng đắn trên tinh thần: học lý luận là để “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Bên cạnh đó, những kiến thức, kỹ năng, phương pháp thu nhận được trong quá trình học tập chỉ là bước đầu. Học viên cần phát huy tinh thần học tập suốt đời để những kiến thức trang bị trong quá trình được đào tạo tiếp tục được bồi đắp trong quá trình công tác, vận dụng tốt hơn vào thực tiễn. Không ngừng hoàn thiện năng lực tham mưu triển khai các nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, năng lực tổ chức các biện pháp công tác, năng lực huy động, xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Và hơn hết, phải không ngừng củng cố năng lực “tự bảo vệ” để “miễn nhiễm” trước sự tác động của những thông tin xấu độc, những “viên đạn bọc đường”./.
Mai Anh