Góp phần trong bức tranh tổng thể đó, các doanh nghiệp ngành xây dựng trong thời gian qua đã có tư duy nhạy bén, chủ động, sáng tạo, tiếp cận và hòa nhập nhanh với cơ chế thị trường, chú trọng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, thực hiện phương châm: đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; đa phương hóa quan hệ và đa dạng hóa sở hữu, do vậy các doanh nghiệp của ngành phát triển nhanh, có sự thay đổi căn bản về chất và vươn lên trưởng thành từ "nhà thầu" trở thành "tổng thầu", từ chỗ "làm thuê" là chính đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, chủ động vươn lên thành các "chủ đầu tư" của nhiều dự án lớn, đóng góp những công trình quan trọng cho đất nước. Nhiều doanh nghiệp và người lao động đã tiếp cận nhanh và làm chủ được một số công nghệ xây dựng mới, trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại, từng bước đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, tư vấn, thi công xây dựng những công trình quy mô lớn, hiện đại.
Nhân lực chất lượng cao - bài toán khó cho ngành xây dựng. Ảnh: Internet.
Đến nay, một số doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công các công trình cao tầng, công trình nhịp lớn, công trình ngầm, công trình trên nền địa chất phức tạp. Trong số các doanh nghiệp đó, phải kể đến: CONTECONS, HOÀ BÌNH, VINACONEX, FECON, LILAMA, HANDICO… với những công trình dự án tiêu biểu do Việt Nam làm chủ công nghệ, thiết kế và thi công như: Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Tòa tháp Landmark 81, Cầu Bạch Đằng, các khu đô thị hiện đại và đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật và công nghệ của Tập đoàn Vingroup,…
Tuy nhiên, trên thực tế, những kết quả đạt được chưa tương xứng với vị trí và vai trò của ngành xây dựng trong quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong hoạt động xây dựng chưa được rộng rãi, thiếu tính đồng bộ, chưa bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới; vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp xây dựng có quy mô nhỏ, phương thức sản xuất thi công xây dựng còn lạc hậu, chậm cải tiến công nghệ, thiết bị; thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất toàn ngành, nhiều ngành cung ứng vật liệu xây dựng của Việt Nam còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ thị trường nước ngoài.
Về chất lượng nguồn nhân lực, do đặc thù ngành xây dựng cần một lượng lao động rất lớn nhưng hiện nay các doanh nghiệp, các công trường xây dựng chủ yếu đang sử dụng lao động giản đơn, đa số người lao động trực tiếp sản xuất là lao động nông nhàn ở các vùng nông thôn hoặc vùng núi, người lao động theo nghề xây dựng một cách tự phát, không qua đào tạo. Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kỹ sư vẫn chạy theo số lượng trong khi chưa quan tâm đến chất lượng và cơ cấu lao động trong toàn ngành dẫn đến sự bất hợp lý trong đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những năm gần đây, số lượng lao động trong ngành xây dựng được đào tạo nghề và chất lượng đào tạo có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành và chưa theo kịp xu hướng phát triển. Hơn nữa, việc hình thành ngày càng nhiều các khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô lớn và nhu cầu về lao động nhiều, công nhân làm trong các khu công nghiệp này lại thường có tính ổn định, ít nặng nhọc hơn lao đông trong ngành xây dựng, vì vậy đã làm cho nguồn cung lao động trong ngành xây dựng ngày càng giảm và mất đi tính ổn định.
Thực trạng nguồn nhân lực của ngành xây dựng thiếu về số lượng và yếu về chất lượng là một trong những thách thức lớn mà ngành xây dựng phải đối mặt. Thực tế đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của ngành thấp, tiến độ chậm, chất lượng sản phẩm còn nhiều sai sót, có nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng ngay trên thị trường nội địa, là rào cản đối với các doanh nghiệp khi tham gia thị trường xây dựng quốc tế; đồng thời, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành xây dựng cũng như định hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Tăng cường công tác đào tạo để nâng cao tay nghề và trình độ cho đội ngũ công nhân xây dựng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Intrenet.
Xuất phát từ những vấn đề đặt ra, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng, chủ động và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm bảo đảm sự phát triển của ngành, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần phải tập trung thực hiện một số vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, chủ động và tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến trong hoạt động tư vấn, khảo sát, thiết kế, kiểm định chất lượng công trình và thi công xây dựng công trình; nghiên cứu ứng dụng các loại vật liệu mới nhằm nâng cao chất lượng, mỹ quan, giảm giá thành và tăng năng suất lao động trong ngành xây dựng.
Thứ hai, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể để trọng dụng nhân tài; tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; thực hiện cơ cấu đào tạo lao động hợp lý tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật và tác phong làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ chính trị và kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị và toàn ngành; góp phần tăng hiệu quả làm việc và năng suất lao động cá nhân, tăng tiền lương, tăng thu nhập của người lao động, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, tạo việc làm bền vững, ổn định và làm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo các Nghị quyết của Trung ương.
Thứ tư, coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin - tuyên truyền về chính sách để xây dựng, phát triển ngành, truyền cảm hứng để người dân, người lao động cùng vào cuộc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Nguyễn & Lê