Đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia công tác này phải luôn kiên định về lập trường, có bản lĩnh và không hoang mang dao động trước bất kỳ áp lực nào; có trí tuệ để nắm bắt tốt các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề chính trị - xã hội; đồng thời, nhận rõ bản chất, luận điệu truyên truyền chống phá của các thế lực thù địch; có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và đề xuất nội dung, hình thức đấu tranh phù hợp.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (Ảnh minh hoạ) .
Hiện nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thực thi nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia trận tuyến này cũng đang bộc lộ một số hạn chế về trình độ, năng lực đấu tranh, khả năng lập luận phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; chưa ý thức tốt về trách nhiệm đấu tranh của bản thân; chưa được huấn luyện kỹ năng khai thác, nắm bắt, phân tích thông tin; phương pháp đấu tranh còn thiếu khoa học; sự phối hợp giữa các tổ chức đấu tranh chưa chặt chẽ và kém hiệu quả, thậm chí tạo kẽ hở để kẻ địch lợi dụng phản bác lại. Những khó khăn trên đang là điểm yếu cơ bản ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò tiên phong, gương mẫu trong đấu tranh ngăn chặn luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Hai là, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, Thường trực cấp ủy trong triển khai các nhiệm vụ đấu tranh, phản bác, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, linh hoạt trong chỉ huy, chỉ đạo đấu tranh; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, nâng cao vai trò và sự thống nhất hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 từ Trung ương đến địa phương.
Ba là, xây dựng lực lượng đấu tranh đông đảo, chú trọng đội ngũ báo cáo viên, biên tập viên trong các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ, đảng viên, hưu trí; tổ chức mạng lưới cộng tác viên tham gia tác chiến trên không gian mạng. Đăng tải thông tin trên các trang tin tuyên truyền chính thống để lan toả rộng rãi đến đông đảo người đọc.
Bốn là, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia tuyên truyền, đấu tranh. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý tình huống, xử lý khủng hoảng truyền thông, kỹ năng tuyên truyền trên lĩnh vực tư tưởng cho đội ngũ báo cáo viên; tổ chức trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ năng “đối thoại” cho cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời cung cấp thông tin và trang bị kỹ năng, nghiệp vụ đấu tranh.
Năm là, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia đấu tranh và xử lý nghiêm những người làm sai nhiệm vụ dẫn đến lộ lọt thông tin bí mật gây hậu quả; đồng thời, có cơ chế đặc thù để thu hút đội ngũ có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn phục vụ đấu tranh trên không gian mạng.
Nhật Trần