Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19/4/1946) có đoạn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”[1].
Bức thạch thư của Bác Hồ đặt tại Quảng trường Đại đoàn kết TP. Pleiku. Ảnh: Internet.
Song, vụ việc đã diễn ra ở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng ngày 11/6/2023 đã cho thấy các thế lực thù địch lưu vong và một số đồng bào bị chúng lôi kéo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã hoàn toàn đi ngược lại nguyên vọng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vì sao sự việc nghiêm trọng này đã xảy ra trong bối cảnh một đất nước có Chỉ số Hòa bình (GPI) luôn tăng và nhân dân cả nước đang hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc?
Câu hỏi sẽ được nghiên cứu, soi chiếu dưới nhiều góc độ khoa học khác nhau. Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả xin bước đầu nêu ra một số vấn đề:
Trong thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã đánh giá và ghi nhận rất cao những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tích cực hơn các quyền của con người trên tất cả các lĩnh vực. Song, đi ngược lại toàn bộ những đóng góp và thành tựu mang tính ưu việt đó, một số tổ chức phản động lưu vong đội lốt cho danh xưng “bảo vệ dân chủ, nhân quyền” đã tung tin bịa đặt về cái gọi là: “đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị ngược đãi, phân biệt đối xử"(?!). Song song với sự bịa đặt, các thế lực phản động tiến hành kêu gọi, kích động, hứa hẹn để hình thành những “điểm nóng xung đột” hòng muốn xóa tan sự phát triển hài hòa và thống nhất ở vùng văn hóa Tây Nguyên.
Những kẻ độc ác, nham hiểm luôn tạo cho mình một “vỏ bọc hoàn hảo”, kiểu như “Bề ngoài thơn thớt nói cười /Mà trong nham hiểm giết người không dao” (Truyện Kiều - Nguyễn Du) hoặc “Mặt nhân từ mà ruột hiểm sâu”. Các chiêu thức thực hiện của chúng ngày càng tinh vi hơn, manh động hơn và man rợ hơn.
Những đối tượng gây ra tội ác tại 2 xãEa Tiêu và Ea Ktur đã lần lượt bị bắt. Ảnh: Internet.
Đối diện với kẻ thù, chủ nhân của các dân tộc ở Tây Nguyên có “trình độ hiện thực huyền ảo”[2]. Trình độ tư duy này cũng chính là tiền đề làm nảy sinh các huyền thoại, mà từ góc nhìn đó cho chúng ta nhận ra đức tính đầy nhạy cảm nhưng lại rất nhân ái và bao dung, bản chất anh hùng nhưng lại rất chất phác và trung hậu của các chủ nhân Tây Nguyên. Tác giả Phạm Thị Xuân Quỳnh trong bài thơ Tây Nguyên đã bày tỏ: “Người Tây Nguyên, mà rất đỗi hiền hoà /Làm ấm lên trang sử đỏ nước nhà”. Vấn đề đặt ra là, đức tính cao đẹp này của các chủ nhân vùng văn hóa Tây Nguyên phải làm gì để phản kháng lại với những thủ đoạn nham hiểm mà các thế lực thù địch đang tiến hành với nhiều kiểu “mưu hèn, chước quỷ”?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Chủ nhân văn hóa vùng Tây Nguyên đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng. Sức mạnh văn hóa nội sinh của vùng văn hóa này đã được khẳng định, có sức lan tỏa mạnh ở trong nước và ngoài nước. Do vậy, việc tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hóa để văn hóa trở thành hạt nhân cơ bản và trực tiếp “soi đường”, tạo thành bước chuyển mới trong đời sống văn hóa cộng đồng có ý nghĩa to lớn và thực sự cấp thiết.
Để đạt được điều đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Mấu chốt đầu tiên là phương pháp tuyên truyền, tuyên truyền và tuyên truyền. Nghĩa là, chúng ta cần thiết phải đổi mới căn bản công tác tuyên truyền, công tác dân vận. Tình trạng tuyên truyền qua loa, đại khái cho qua chuyện đã xảy ra ở một số nơi phải được thay bằng các phương thức tuyên truyền chuyên sâu, có sức thuyết phục và được triển khai tổ chức thường xuyên. Bởi vì, muốn người dân “đi được trên con đường” thì con đường đó phải thông thoáng - ít chướng ngại vật, có biển chỉ dẫn để đến đích và xác định mục tiêu sẽ làm gì ở cuối con đường? Khi mọi người dân xác định được đích đến ở cuối con đường chính là các giá trị văn hóa mà họ chính là chủ nhân thì lúc đó sự “soi đường” chắc chắn tạo được sự cộng hưởng mạnh mẽ.
Nội dung bức tâm thư của Yvol Enuol - con trai cố NSND Y Moan - gửi đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Internet.
Trong thư của Yvol Enuol - con trai cố NSND Y Moan - gửi đồng bào Tây Nguyên có đoạn: “Nước Việt Nam đã thống nhất hoàn toàn, bình đẳng cùng phát triển với 54 dân tộc anh em, trong đó có người đồng bào Tây Nguyên. Những tầng lớp cha anh đi trước đã có công rất lớn với cách mạng qua các thời kỳ chống giặc ngoại xâm như: Anh hùng Nơ Trang Lơng, Đinh Núp (Anh hùng Núp), Ama Jhao, Nơ Trang Gưh, Y Jút, A Sanh, Bi Năng Tăk… Có được cuộc sống hôm nay là nhờ ơn Đảng và các bậc cha anh đã cống hiến xương máu của mình để gìn giữ hoà bình, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển văn minh dân giàu, nước mạnh như hôm nay” và vì thế "Đừng để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ, kích động để rồi làm điều trái với lương tâm, trái với pháp luật, trái với truyền thống tốt đẹp của đồng bào ta". Nhớ và tôn vinh giá trị truyền thống để nhắn nhủ cộng đồng rời xa những việc làm “trái với lương tâm”, “trái với pháp luật”, “trái với truyền thống” của người trong cuộc là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam là chủ thể chứa đựng bản chất anh hùng được bao chứa bởi tính nhân văn, bao dung. Truyền thống đạo đức đầy tính nhân văn của cha ông ta truyền lại là “đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Chạy lại hay về lại chính là quay về với cội nguồn, quê hương mình, cộng đồng của chính mình. Trở về nơi đó, mỗi người lại sẽ có được sự trọn vẹn của tình yêu thương của cả cộng đồng. Trong sự chia sẻ, ân cần của cộng đồng, mỗi người sẽ dần ấp ủ cho mình một niềm tin để lại kết nối chan hòa hơn mối quan hệ giữa bản thân mình với cộng đồng, cùng hòa nhập vào môi trường văn hóa đã, đang và sẽ luôn rộng mở với mỗi con người.
“Ngã ở đâu đứng dậy ở đó” chính là lời khuyên luôn có giá trị với mỗi con người trong môi trường xã hội. Và nếu suy ngẫm thật kỹ, mỗi người không chỉ kịp “đứng dậy” mà còn có khả năng vươn lên phía trước, đồng hành cùng cộng đồng, chung sức xây dựng vùng văn hóa Tây Nguyên phát triển hài hòa, phồn vinh để mãi mãi là vùng đất: “Tây Nguyên ai đã từng qua/Trọn đời thương nhớ về ta với mình[3].
Phương Nam