Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, đây là quyền hiến định[1]ở nước ta. Nhà nước đã ban hành khung pháp lý về quyền tự do ngôn luận đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, Nhà nước luôn quan tâm phát triển hệ thống Internet và coi đây là công cụ quan trọng nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận của người dân theo quy định pháp luật.
Theo số liệu từ của Trung tâm Internet Việt Nam, nước ta nằm trong số 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với khoảng 68,72 triệu người sử dụng, chiếm 70,3% dân số (cao hơn mức trung bình của thế giới là 51%)[2]; có hơn 360 trang mạng xã hội được cấp giấy phép và đang hoạt động (Việt Nam thuộc nhóm các nước có lượng người sử dụng facebook và youtube nhiều nhất trên thế giới).
Thông qua các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, người dân có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải hay lan truyền bất cứ thông tin gì thông qua tài khoản cá nhân của mình như Facebook, Youtube, Viber, Zalo,… Việc thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi người chưa bao giờ trở nên dễ dàng và có sức lan truyền nhanh chóng như hiện nay. Ưu điểm của mạng xã hội là thông tin rất nhanh, sức lan tỏa thông tin rộng và việc tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội khá thuận tiện; đồng thời, đối tượng tiếp cận mạng xã hội rất phong phú, đa dạng, nhiều thành phần trong xã hội, trong đó không ít người có trình độ, nhận thức chính trị còn tương đối hạn chế, một số người có thói quen theo dõi báo mạng không chính thống trong nước và ở nước ngoài.
Xuất phát từ đặc điểm này, các thế lực thù địch đã lựa chọn mạng xã hội là công cụ, phương tiện hữu hiệu để xuyên tạc, tuyên truyền, chống phá chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Nhận diện
Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tạo lập các website, blog, facebook, fanpage, mạng xã hội kết hợp với các loại hình thông tin khác như báo viết, báo hình, báo nói... để thu hút lượng người truy cập, qua đó truyền bá các quan điểm, tư tưởng phản động. Các trang mạng này có thể cài bẫy những thông tin sai trái nhằm làm rối nhiễu thông tin, phân tâm dư luận xã hội, đó là một “đòn đánh” vào tâm lý người đọc rất tinh vi, thâm độc với mục đích tuyên truyền thông tin lệch lạc, nguy hại.
Thứ hai, các đối tượng phản động, chống phá cố tình xuyên tạc khái niệm “tự do ngôn luận”, chúng viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do ngôn luận, nhưng cố tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ rồi tán phát qua internet, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do ngôn luận” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào.
Thứ ba, tạo lập các trang giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để đăng tải thông tin xuyên tạc, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gắn với việc đưa thông tin bí mật đời tư, bí mật cá nhân của các đồng chí lãnh đạo, sau đó lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đưa ra nhận xét, phân tích, bình luận nhạy cảm để tác động đến niềm tin của người đọc.
Thứ tư, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tổ chức lấy ý kiến qua mạng xã hội nhằm tạo áp lực dư luận, gây áp lực đối với chính quyền; kích động chống đối thông qua các hội, nhóm, tài khoản trên mạng xã hội, kích động những vấn đề liên quan đến các sơ hở, sai phạm và bức xúc xã hội như liên quan vấn đề chống tham nhũng, phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua,…
Thứ năm, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để thành lập các đài phát thanh, kênh truyền hình trên internet truyền tải nhiều nội dung xấu, độc trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, chúng tiến hành chuyển thể những bài viết có nội dung phản động thành âm nhạc, thơ ca, phóng sự ngắn phát trực tiếp trên các kênh âm nhạc và các trang mạng cá nhân. Các đối tượng dựng chuyện, tung ra nhiều thông tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin, kích động, gieo rắc tâm lý hoài nghi cho người tiếp cận thông tin.
Một số giải pháp
Trước hết, chúng ta cần nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận thông qua mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về Đảng và Nhà nước ta. Điều này có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả đấu tranh, ngăn ngừa hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận qua mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc. Bởi vì nếu có nhận thức đúng tính chất nguy hại của sự việc mới có ý thức cảnh giác, đề phòng; phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân thấy rõ được quyền tự do ngôn luận có giới hạn trong khuôn khổ pháp luật. Việc làm này phải được tiến hành một cách kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, trong đó chú trọng đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo sinh sống; địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh.
Báo chí, truyền thông phải góp phần định hướng dư luận xã hội
Hai là, phải thực sự coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, tổ chức hiệu quả hơn nữa việc học tập, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mỗi cán bộ, đảng viên có nền tảng tri thức đúng đắn, khoa học, đủ khả năng “tự đề kháng”, đủ trình độ nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái trên mạng xã hội. Trong đó cần tập trung tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác đấu tranh phản bác và thực sự xem đó là trách nhiệm của bản thân mình.
Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, đặc biệt là báo chí, truyền thông mạng trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội; cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, răn đe đối tượng vi phạm pháp luật, nâng cao cảnh giác cho người dân khi tiếp cận thông tin.
Bốn là, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tuân thủ nghiêm Ðiều lệ, kỷ luật của Đảng, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về tự do ngôn luận, phát biểu hay chia sẻ quan điểm, ý kiến cá nhân trên mạng xã hội. Khi tìm hiểu thông tin trên các trang mạng xã hội cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt; không tham gia bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc bị cuốn theo những giọng điệu lừa phỉnh, xảo trá của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội từ đó dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động.
Thiết nghĩ, việc làm thiết thực nhất của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân là cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận trong đó có tự do ngôn luận trên môi trường mạng xã hội, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các luận điệu sai trái, thông tin xấu độc. Đồng thời, mỗi cá nhân hãy trở thành một kênh thông tin tích cực trên mạng xã hội để chia sẻ, lan tỏa các thông tin lành mạnh, góp phần xây dựng môi trường mạng văn hóa, an toàn, đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Bùi Văn An