Ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp lịch sử với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại sân Đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) và căn dặn:“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn đó của Bác luôn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân, thể hiện tư tưởng lớn của Người về dựng nước và giữ nước
Thời đại Hùng Vương mở đầu lịch sử dựng nước của dân tộc
Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam. Thời đại này đã đạt được những sự chuyển biến sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dẫn đến sự hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Thời đại Hùng Vương là thời kỳ ra đời và phát triển của một nền văn minh cổ đại của người Việt cổ. Do đó, Đền Hùng và Đất Tổ giữ vị thế lịch sử và văn hóa quan trọng, là trung tâm của Kinh đô Văn Lang, của Nhà nước cổ đại thời cách mạng luyện kim đồng sắt, là vùng hội tụ và giao lưu văn hóa. Đền Hùng là di sản vô cùng quý báu của tổ tiên, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc, là đặc trưng truyền thống cho tính cộng đồng của xã hội Việt Nam.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo Hiệp định Geneva, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Sáng ngày 19/9/1954, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Đền Tổ Hùng Vương. Tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, Người đã gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong (nay là Sư đoàn Bộ binh 308, Quân đoàn 1) trên đường về tiếp quản Thủ đô.
Khi cửa Đền Giếng mở, Bác từ trong nhà bước ra, mọi người reo lên: “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người tiến lên, ngồi quanh mình, rồi cũng ngồi ngay xuống bậc cửa Đền. Như mọi lần, cuộc gặp gỡ của Bác với cán bộ Đại đoàn 308 vô cùng thân mật, gần gũi, giản dị. Bên phải Bác là Chính ủy Song Hào, bên trái Bác là đồng chí Thanh Quảng.
Trong tiết Thu, trời mát, Người mặc bộ quần áo nâu, áo khoác ngoài màu sáng, chân đi dép cao su và ân cần hỏi: “Các chú có mệt không?”. Mọi người đã đồng thanh đáp: “Thưa Bác, không ạ!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ Vua Hùng, tổ tiên chúng ta, người sáng lập nước ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Người giảng giải nhiều điều và nhấn mạnh: “… Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn”[1].
Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
“Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”[2].
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng, của các bậc tiền nhân, mà còn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong nói riêng, mỗi người dân nước Việt nói chung, ý thức trách nhiệm giữ nước.
Lời căn dặn của Bác cất lên từ Đền Hùng chính là lời hịch của non sông đất nước không chỉ đối với Đại đoàn quân Tiên Phong mà còn là lời hiệu triệu làm thức tỉnh hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước, đoàn kết một lòng giữ vững non sông, đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong tại Đền Giếng trong khu Di tích Đền Hùng, ngày 19/9/1954 (Ảnh tư liệu)
Vẹn nguyên lời Bác dạy, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Lịch sử hàng ngàn năm qua, dân tộc Việt Nam đã phải chịu sự xâm lược, áp bức, đô hộ của giặc ngoại xâm. Với tinh thần yêu nước, các thế hệ cha ông ta đã đứng lên, anh dũng, quật cường đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, giữ vững và mở mang biên cương, bờ cõi đất nước. Mỗi tấc đất giành lại được đều phải đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ đi trước. Trong đó, các Vua Hùng là những người đầu tiên viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc và truyền lại cho con cháu muôn đời. Do đó, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thôi thúc, cổ vũ, động viên thôi thúc ý chí, nghị lực đấu tranh của quân và dân Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mà còn khái quát lịch sử dân tộc hàng nghìn năm và đúc rút quy luật tồn tại, phát triển muôn đời của đất nước Việt Nam: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “giữ nước” trước hết là quyết tâm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập, thống nhất và chủ quyền của đất nước. Do đó, khi thời cơ cách mạng chín muồi, để thể hiện quyết tâm giành độc lập dân tộc trước khi quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội phát xít Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “… Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”[3].
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Người một lần nữa khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[4]…
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, cách mạng Việt Nam đã vượt qua bao thử thách, cam go để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với những thắng lợi to lớn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khẳng định lần đầu tiên trong lịch sử, “một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh”. Sau đó, nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế. Đây là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng đã nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.
Với việc phân tích, dự báo đúng, sát hợp với tình hình thế giới và đất nước, Đảng đã đề ra quan điểm và phương châm chỉ đạo nâng cao sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi chưa có nguy cơ trên cơ sở xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với xây dựng nền an ninh nhân dân; linh hoạt trong xử lý các tình huống rủi ro, bất ngờ.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung lãnh đạo phát triển đất nước phồn vinh, dân tộc hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Tầm nhìn của Đảng thống nhất với khát vọng của nhân dân, vì nhân dân, là động lực to lớn phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để Việt Nam lập nên kỳ tích phát triển mới, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”[5].
Trong bối cảnh mới hiện nay, khi tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn luôn âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngày càng cấp thiết. Khắc ghi lời Bác dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Dương Minh
[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.5, tr.502.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9, tr.59.
[3] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sđd, t.2, tr.256.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.3.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.3.