Hầu hết các lĩnh vực quan trọng như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đều có sự tăng trưởng; trong đó, ấn tượng nhất là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm 2021 tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các mặt hàng hoa quả, đặc biệt là quả vải nhận được sự quan tâm rất lớn của thị trường nước ngoài.
Kết quả trên là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngành Nông nghiệp tiếp tục là nền tảng, bệ đỡ của nền kinh tế, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.
Dự báo thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 3% trở lên, ngành Nông nghiệp sẽ phải nỗ lực vượt bậc. Trong đó, việc cần kíp hiện nay là toàn ngành cần dồn lực triển khai tốt Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản từng vùng miền; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường; ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Sản xuất giống hoa lan công nghệ cao trong nhà kính tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Ảnh: Hà Nội mới
Trong bối cảnh hiện nay, để đạt được mục tiêu đề ra, một việc quan trọng nữa là ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần triển khai đúng kế hoạch mùa vụ; gắn sản xuất với thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá, sản xuất vắc xin phòng dịch cho vật nuôi. Kinh nghiệm cho thấy, để duy trì được đà tăng trưởng, các cơ quan chức năng luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm sản xuất mùa vụ, sẵn sàng triển khai những giải pháp điều chỉnh cụ thể, phù hợp với tình hình sản xuất và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, luôn chú trọng xây dựng các xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh...
Để giữ được đà tăng trưởng, vai trò của các doanh nghiệp rất lớn. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đưa vốn, công nghệ đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Có như vậy, mới hình thành được trục sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thành một thể thống nhất.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cần chủ động xây dựng phương án sản xuất. Trong đó, phải coi trọng việc gắn sản xuất với thị trường; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia… Với những doanh nghiệp lớn, cần chủ động tìm kiếm những hướng đi, khai phá thị trường tiềm năng mới.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh mẽ với quyết tâm cao, ngành Nông nghiệp chắc chắn sẽ giữ vững đà tăng trưởng, đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2021, thật sự là nền tảng, bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống./.
Theo Hà nội mới