Học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum tham dự Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong thời đại mới. Điều này thể hiện rất rõ ràng trong các khâu tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ Nhất.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về ứng dụng công nghệ số trong phát triển xuất bản và lan tỏa văn hóa đọc.
Chuyển đổi số đưa sách đi xa hơn
- Thưa Cục trưởng, vì sao Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tổ chức các hoạt động chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất?
Ông Nguyễn Nguyên: Năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh chịu nhiều tác động từ đại dịch, các hoạt động xuất bản và phát hành tại đây cũng trải qua giai đoạn khó khăn và đã có sự hồi phục từ cuối năm. Thế nên việc chọn Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhằm động viên và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc mạnh mẽ hơn. Ngoài Hà Nội, đây là trung tâm phát triển về ngành sách và văn hóa đọc của cả nước.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành. (Ảnh: PV/Vietnam+)
- Cục Xuất bản, In và Phát hành có triển khai những hoạt động gì tiêu biểu?
Ông Nguyễn Nguyên: Là cơ quan tham mưu triển khai Ngày Sách và Văn hóa đọc trên cả nước, năm nay, chúng tôi chú trọng 3 yêu cầu: Tổ chức chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc rộng khắp, không chỉ ở tỉnh, thành phố trung tâm mà lan tỏa đến các địa phương, hình thành phong trào khuyến đọc trong xã hội; Tổ chức lễ khai mạc và hội sách trên thực địa, trực tuyến hấp dẫn, thu hút sự quan tâm dư luận; Truyền thông mạnh mẽ, đưa hoạt động này thành sự kiện hàng đầu của ngành xuất bản năm 2022, hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành.
Trong hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay, có 2 chủ đề chính: Xuất bản và văn hóa đọc với công cuộc chuyển đổi số; Xuất bản và phát triển văn hóa đọc để nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường.
- Thưa ông, quá trình chuyển đổi số trong ngành xuất bản đang diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Nguyên: Quá trình này theo tôi có 4 giai đoạn. Thứ nhất là số hóa các dữ liệu. Quá trình này được thực hiện từ khá sớm trong các doanh nghiệp xuất bản. Ngay từ năm 1995, lĩnh vực xuất bản đã thực hiện công tác số hóa này và đã được thực hiện đến nay và ngày càng hiện đại, quy mô hơn và số lượng dữ liệu số hóa thì ngày càng nhiều hơn. Một số đơn vị thì hiện nay đã hoàn toàn số hóa được toàn bộ kho sách của mình.
Thứ hai là việc triển khai các ứng dụng, các nền tảng và một số hoạt động đơn giản hoặc hoạt động có tính lặp đi lặp lại nhiều, ví dụ như hoạt động hành chính, họa động kế toán. Các nhà xuất bản đã từng bước, từ những ứng dụng những nền tảng đầu tiên.
Thứ ba là ứng dụng các nền tảng vào quy trình trong xuất bản, từ khâu quản lý, đến khâu biên tập, phát hành, phát triển thị trường, truyền thông... Đó là quá trình ứng dụng hiện nay các nhà xuất bản khác nhau thực hiện cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung quá trình diễn ra còn tương đối chậm và dường như phía các đơn vị liên kết lại làm tốt hơn phía các nhà xuất bản.
Thứ tư là quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong các hoạt động của quy trình. Việc này còn rất hạn chế, đặc biệt là ứng dụng vào trong quy trình biên tập thì hiện nay cũng chưa có nhiều. Một số đơn vị cũng đang triển khai với những bước ban đầu.
- Hai năm trước, Hội sách trực tuyến quốc gia tổ chức thay thế cho hội sách trực tiếp vì dịch COVID-19. Năm nay, hội sách trực tuyến vẫn tiếp tục được duy trì song song. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc làm này?
Ông Nguyễn Nguyên: Hội sách trực tuyến quốc gia được tổ chức từ năm 2020, là giải pháp tình thế do đại dịch. Đây cũng là bước đầu để các đơn vị xuất bản làm quen chuyển đổi số. Qua mỗi năm tham gia Hội sách trực tuyến quốc gia, các đơn vị xuất bản nhận thức sâu sắc hơn về chuyển đổi số.
Bên cạnh thay đổi nhận thức, hội sách giúp đưa xuất bản phẩm tới bạn đọc vùng sâu, vùng xa. Đây là thị trường tiềm năng cho các đơn vị xuất bản nếu áp dụng công nghệ, thực hiện chương trình tài trợ, khuyến mãi phù hợp.
Trước đây các hội sách chỉ tập trung vào đối tượng bạn đọc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, hội sách trực tuyến có một ý nghĩa nhân văn là đưa sách đi xa hơn, lan tỏa văn hóa đọc mạnh mẽ hơn. Bởi sách không thể phát huy giá trị nếu chỉ nằm trên giá, hay chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ bạn đọc.
Hội sách trực tuyến cũng góp phần định hướng cho nội dung đọc trên thị trường. Sàn thương mại điện tử cho thấy nhu cầu đọc thị trường thay đổi. Trước đây, nhiều người đọc để học, để giải trí. Giờ đây, qua những cuốn sách họ chọn trên hội sách, có thể thấy nhiều người đọc để nắm bắt thông tin kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội các nước. Mạng xã hội có nhiều thông tin, nhưng sách là thông tin chính thống, chính xác.
Hội sách trực tuyến góp phần vào nhiệm vụ chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác xuất bản.
Không gian Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
- Năm nay, Hội sách trực tuyến quốc gia có điểm gì đặc biệt, thưa ông?
Ông Nguyễn Nguyên: Ban tổ chức đều đưa ra cải tiến ở mỗi mùa hội sách. Kế thừa hai mùa trước, năm nay, hội sách kết hợp phát triển văn hóa đọc thông qua sân chơi mới cho bạn trẻ là cuộc thi “Nhà thông thái.” Cuộc thi khuyến khích bạn đọc tìm hiểu kiến thức từ sách. Ứng dụng công nghệ giúp người chơi hứng thú hơn khi tham gia cuộc thi.
Tất nhiên, vai trò quan trọng nhất của hội sách trực tuyến vẫn là giới thiệu và đưa sách hay đến bạn đọc.
Sự kiện hướng đến mục tiêu tìm ra những giải pháp giúp hoạt động xuất bản thích ứng và đạt được những kỳ vọng trong thời kỳ mới, đồng thời phát triển cộng đồng các tổ chức học tập, kết nối những doanh nghiệp có cùng định hướng, tầm nhìn, đóng góp những giá trị thiết thực cho xã hội.
Có đến 70% người dân hiện nay sử dụng internet, văn hóa đọc ở Việt Nam chưa cao nhưng năng lực xuất bản của chúng ta không yếu. Chuyển đổi số sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này và kích thích văn hóa đọc.
Văn hóa đọc là bệ đỡ
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của phát triển văn hóa đọc với thị trường xuất bản?
Ông Nguyễn Nguyên: Văn hóa đọc là bệ đỡ cho xuất bản, mở rộng thị trường xuất bản. Nhiều người đọc sách thì thị trường xuất bản mới phát triển được. Nhưng chúng ta phát triển văn hóa đọc không chỉ có mục tiêu duy nhất là phát triển thị trường, mà nó còn là nâng cao chất lượng đọc. Văn hóa đọc còn bao hàm trong nó yêu cầu đọc có văn hóa.
Thời gian qua, văn hóa đọc có sự cải thiện khá nhiều: Bạn đọc trẻ hướng đến sách chất lượng hơn, tiểu thuyết ngôn tình được thay thế bằng sách giàu nhân văn, giá trị hơn. Độc giả cũng tìm đến các sách mang giá trị chân thiện mỹ.
Lễ cắt băng khai mạc Ngày Hội Sách và Văn hoá đọc năm 2022 tại Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
- Có ý kiến cho rằng để ngành xuất bản phát triển thì phải tăng số lượng sách và tăng số lượng người đọc. Xin ông cho biết quan điểm của mình?
Ông Nguyễn Nguyên: Tôi nghĩ cả 2 con số này đều rất quan trọng với ngành xuất bản. Có một thời gian, các đơn vị đua nhau xuất bản sách ngôn tình, truyện tranh… vì thị trường ưa chuộng.
Theo tôi, chúng ta không chỉ quan tâm đến việc có bao nhiêu cuốn sách được đọc, mỗi người đọc bao nhiêu cuốn sách mà quan trọng nhất là đọc cái gì, có đảm bảo tiêu chí “đọc có văn hóa” không. Có thời điểm thị trường loạn vì các loại sách vô bổ, vậy thì dù có phát hành nhiều cũng có xây dựng được văn hóa đọc không?
Ngày nay, các đơn vị xuất bản đều chú tâm chọn lọc những đầu sách thực sự giá trị. Việc sáng tạo nội dung tử tế đã trở thành xu thế.
Khi đọc sách, chúng ta phải xác định mục đích đọc để làm gì? Theo tôi có 3 mục đích: Làm người, làm nghề và để hạnh phúc./.
Minh Thu (Vietnam+)