Câu hỏi: Tháng tư hàng năm trên thế giới và Việt Nam có những ngày hội liên quan đến sách, văn hóa đọc, bản quyền thế giới, xin cho biết cụ thể hơn về những ngày này.
Trả lời
“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng
Chẳng bằng kinh sử một vài pho”
(Nhà bác học Lê Quý Đôn)
Sách là gốc rễ của tri thức, là sản phẩm văn hóa tinh thần, là người thầy vĩ đại đem cho ta nguồn tri thức vô tận; là người bạn tri âm, đồng hành thân thiết trong hành trang cuộc đời. Sách giúp ta học tập, làm việc hiệu quả. Đọc sách để làm giàu kiến thức, để vận dụng kiến thức vào cuộc sống, để làm việc hiệu quả; sách dạy chúng ta cách sống, cách ứng xử đẹp, cách làm người, hướng tới giá trị nhân văn cao cả, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, góp phần đưa đất nước Việt Nam hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc đọc sách, năm 1995, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO), đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và Bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) nhằm tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ.
Ngày Sách và Bản quyền thế giới
Ý tưởng về Ngày Sách và Bản quyền Thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Barcelona và Cataluña (Tây Ban Nha) gắn với sự tích Ngày Lễ Thánh Sant Jordi và những sự ngẫu nhiên đặc biệt gắn với những tác gia vĩ đại đã để lại những áng văn chương bất hủ cho nhân loại.
Ngày Lễ Thánh Sant Jordi 23/4 thường được người Tây Ban Nha gọi là Ngày Hoa hồng, Ngày Hội sách, hay được xem như là Ngày Lễ Tình nhân ở Tây Ban Nha với tục lệ rất lãng mạn là những chàng trai tặng một bông hồng, tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu cho cô gái mình cảm mến; còn phái đẹp sẽ trao cho người đàn ông họ thương một cuốn sách để đáp trả tấm chân tình. Dần dà, tục lệ này được mở rộng ra không chỉ đối với các cặp trai gái yêu nhau mà còn với những người thân trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp. Vào ngày này, những con phố lớn của Tây Ban Nha tràn ngập sắc màu của hoa hồng cùng sách và dòng người tản bộ chọn mua và đọc sách. Từ truyền thống tốt đẹp này, người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày Hội đọc sách” trên các đường phố. Cùng với thời gian, phong tục này cũng được lưu truyền ở một số nước châu Âu như Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha,… và nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình thức: Tuần lễ đọc sách, Ngày sách, Tuần lễ thư viện,…
Bên cạnh truyền thuyết đó, ngày mất của Thánh Sant Jordi trùng hợp ngẫu nhiên với ngày mất của những đại văn hào thế giới là Miguel de Cervantes, William Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega. 23/4 còn là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác như Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla và Manuel Mejía Vallejo.
Với sự ngẫu nhiên đặc biệt đó, năm 1995, UNESCO đã chọn 23/4 hàng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới nhằm tôn vinh sách và những người đã có đóng góp to lớn đối với sự phát triển văn hóa của nhân loại; là dịp để khuyến khích mọi người, nhất là giới trẻ phát triển văn hóa đọc. Kể từ đó, khắp nơi trên thế giới đã tổ chức Ngày Sách và Bản quyền thế giới rất sôi nổi, tiêu biểu là chiến dịch “Tặng một cuốn sách - tặng một đoá hồng” và vô số hoạt động phong phú, hấp dẫn khác.
Ngày sách Việt Nam
Hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới, vào dịp tháng 4 hằng năm, Việt Nam luôn chú trọng tổ chức các hoạt động đọc sách, phát triển văn hóa đọc với nhiều hình thức khác nhau, xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa các thư viện - nhà xuất bản - cơ quan phát hành và bạn đọc.
Xác định tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới, Việt Nam chọn ngày 21/4, thời điểm ra mắt cuốn “Đường Kách mệnh” - cuốn sách đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam - của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Danh nhân văn hóa thế giới là Ngày Sách Việt Nam. Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam nhằm:
Một là, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Hai là, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.
Ba là, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Xác định sách và “phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước”, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm:
Một là, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Hai là, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ba là, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Tối 17/4/2024, tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba. Phát biểu khai mạc và chỉ đạo, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra các nhiệm vụ mà các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam cần quan tâm thực hiện. Cụ thể:
Một là, đẩy mạnh quán triệt, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và hình thành nhân cách con người. Nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách, coi việc đọc sách là phương pháp tự học, giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cách nhìn, tâm thế tích cực hơn trong cuộc sống.
Hai là, chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong nhà trường, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, tạo thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân, quan tâm phát triển, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu, áp dụng những tri thức từ sách vào cuộc sống. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động có liên quan đến sách và văn hóa đọc đến hệ thống các trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, buôn làng, cộng đồng dân cư, các địa bàn cơ sở…
Ba là, tăng cường vận động sáng tác các tác phẩm, công trình… có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa… phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Khuyến khích xuất bản các sách hay, có giá trị, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng, bạn đọc và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách, gắn phát triển văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, chú trọng phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội. Khai thác và sử dụng các loại hình, phương thức xuất bản điện tử, sách nói, sách tinh gọn… tạo sức lan tỏa rộng rãi mạnh mẽ hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân.
Năm là, mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về sách, nhất là sự kiện Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 hằng năm. Tổ chức các hội sách quốc tế và tham gia các hội sách nước ngoài để thu hút các đơn vị xuất bản lớn trong khu vực và thế giới. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá các tác phẩm, tác giả Việt Nam tới bạn bè quốc tế…, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế.
Tài liệu tham khảo
1. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 04/11/2021 về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
2. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 về Ngày Sách Việt Nam.
3. Tuyết Loan, Uyển Nhi: “Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024”, https://nhandan.vn/, ngày 18/04/2024.
Nguyễn Dung (Tổng hợp)