Mùa xuân là mùa của tạo vật sinh sôi, nảy nở, mùa của con người phát triển thịnh vượng, đủ đầy. Tiết xuân cũng là dịp để chúng ta cảm nhận lại hơi thở của văn hoá dân tộc, tìm về ước vọng phồn thực trong đời sống của cha ông xưa. Ước vọng ấy là ước vọng của mùa xuân, của tình yêu, của khát khao hạnh phúc, được truyền tải đầy tinh tế và mãnh liệt trong những tác phầm thơ của Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương (1772-1822) được mệnh danh là "Bà Chúa thơ Nôm". Ảnh: Internet
Nhắc đến Hồ Xuân Hương là người ta nhắc đến một nữ thi sĩ tài ba, đã tiên phong và táo bạo trong sáng tác những bài thơ vừa thanh vừa tục, những bài thơ dám đề cập đến một vấn đề cấm kỵ đương thời là tình dục, tình yêu nhục thể (phồn thực). Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, phê bình, đánh giá về thơ văn và con người Hồ Xuân Hương, ca ngợi có, phê phán có, nhưng tựu trung lại vẫn là những đánh giá đề cao “bà Chúa thơ Nôm”, một hiện tượng độc đáo của nền văn học Việt Nam. Đi tìm dấu ấn phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương cũng là một cách để hiểu sâu sắc hơn về nỗi niềm trắc ẩn và khát vọng sống cá nhân của nữ thi sĩ họ Hồ.
Hồ Xuân Hương (1772-1822) tên thật là Hồ Phi Mai, con ông Hồ Phi Diễn (1703-1786) ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vì gia đình bà chuyển ra thành Thăng Long nên bà chào đời ở Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận gần Hồ Tây. Lúc Xuân Hương 13 tuổi thì cha mất, bà theo mẹ về làng Thọ Xương gần Hồ Hoàn Kiếm, đi học một thời gian rồi sau đó ở nhà giúp việc. Xuân Hương tự học thêm, nhờ thông minh và làm thơ hay mà tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Nữ thi sĩ để lại cho đời những bài thơ bất hủ được truyền tụng cho tới ngày nay.
Có thể nói, trong gia tài thi ca của Hồ Xuân Hương, ta bắt gặp đâu đâu cũng là hình ảnh của tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng phồn thực là loại hình tín ngưỡng tôn thờ sinh thực khí (cả nam và nữ) và tôn thờ hành vi giao phối. Thì, ở Hồ Xuân Hương, những biểu tượng ấy tràn ngập trong thơ bà. Một Hồ Xuân Hương coi tình dục là cảm xúc lành mạnh và cường tráng, luôn khát khao yêu đương, khát khao ái ân cháy bỏng.
Theo từ điển, phồn = nhiều, phong phú; thực = sinh sôi, nảy nở. Tín ngưỡng phồn thực - một biểu hiện của khát vọng về cuộc sống con người và thiên nhiên nảy nở, sinh sôi, trường tồn đã làm cho đời sống văn hóa ngay từ thuở sơ khai đã chứa đựng sức sống sung mãn. Phồn thực hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là sự giao hòa đực cái, sự sinh sôi nòi giống hay biểu đạt tính tượng trưng của giao hòa nam nữ mà còn là sự mong muốn, khát khao cuộc sống no đủ, đông đúc, cuộc sống được sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, cây cỏ xanh tươi. Phồn thực trở thành một nhu cầu lành mạnh cho sự trường tồn và phát triển con người.
Tín ngưỡng phồn thực có thể nói là loại hình tín ngưỡng cổ xưa nhất, sâu đậm nhất, trường tồn trên khắp mọi vùng miền Việt Nam. Tín ngưỡng phồn thực là biểu hiện bình dị tự nhiên, sâu lắng trong tâm thức của người Việt. Từ cái nhìn trừu tượng hay cụ thể, yếu tố phồn thực xuất hiện trong văn hóa với những lễ hội dân gian, trong các loại hình nghệ thuật như điêu khắc, hội họa, đặc biệt là văn học. Ở đâu nó cũng là điểm thu hút của khát vọng, của tâm linh, của tinh thần nhân văn lớn lao. Trong văn học Việt Nam, cái nhìn phồn thực được biểu hiện vô cùng sinh động, đa dạng và có những điểm mới mẻ, hấp dẫn riêng. Với Hồ Xuân Hương thì phồn thực dường như là biểu tượng mãnh liệt nhất và xuyên suốt trong cuộc đời sáng tác của bà.
Sinh ra dưới một thời đại biến động, dưới sự áp bức, kiềm tỏa của chế độ phong kiến và Nho Giáo hà khắc, đi kèm bao nhiêu bất công đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ, tấm lòng Xuân Hương trở nên chai sạn, bất mãn. Xuân Hương bị ngẹt thở trong xã hội đó. Biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực trong thơ bà vì thế lúc nào cũng đậm nét và sâu sắc.
Những hình tượng phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng và phong phú, được phân chia thành các dạng khác nhau. Đó là những hình tượng liên quan đến sinh thực khí nữ: hang (Cắc Cớ), động (Hương Tích), đèo (Ba Dội), kẽm (Trống), cửa (qua cửa đó), giếng (Cầu trắng phau phau đôi ván ghép), lỗ (Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không), kẽ hầm (Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn), kẽ rêu (Trưa trật nào ai mốc kẽ rêu), cái quạt (Chành ra ba gốc da còn thiếu/Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa), miệng túi (Miệng túi càn khôn khép lại rồi), gò (Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm), lạch (Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông)… Đó là các biểu tượng phồn thực liên quan đến sinh thực khí nam như: Sừng (Dê con buồn sừng húc dậu thưa), cán cân (Cán cân tạo hóa rơi đâu mất), dùi trống (Trống thủng vì chưng kẻ nặng dùi), con suốt (Một suốt đâm ngang thích thích mau), cọc (Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không), hòn đá (Đâm toạc chân mây đá mấy hòn)…
Đã không chút ngần ngại mô tả những chỗ kín của thân thể con người, nữ sĩ họ Hồ cũng không ngần ngại mô tả hoạt động giao hoan, và bà hình dung nó như một cái gì rất tự nhiên, thiên nhiên. Các thế hệ công chúng truyền tụng thơ bà không chỉ nhạy bén nhận ra "chuyện ấy" qua những trò nói lái "đá đeo", "lộn lèo", "đếm lại đeo", "đáo nơi neo", "suông không đấm", qua những cụm từ đầy ngụ ý "tra hom ngược", "rút nút xuôi", thậm chí qua những câu thơ rất mực trữ tình "Mảnh tình san sẻ tí con con", hay là "Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng/Nửa mạn phong ba luống bập bềnh".
Những biểu tượng liên quan đến hoạt động giao hoan ta thấy rõ nhất trong các trò chơi: đánh đu, múa nõ nường, ném còn,… Ví như bài thơ Đánh đu:
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng công ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân dọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chẳng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không!
Bài thơ tả cảnh đánh đu với những chuyển động, những màu sắc tươi vui của xuân trong trời đất, trong lòng người. Các từ láy đôi khéo khéo, khom khom, ngửa ngửa, phơi phới, song song đầy ám chỉ … làm bài thơ dậy lên một nghĩa khác, nghĩa chỉ hành động tính giao nhưng không hề tục tĩu mà rất tự nhiên.
Hay như trong bài thơ Đánh cờ, Hồ Xuân Hương đề cập đến chuyện ái ân thật duyên và tình tứ:
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà
Hồ Xuân Hương vịnh đèo Ba Dội:
Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đià lá liễu giọt sương rơi
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo
Bài thơ nói về đèo Ba Dội - một bức tranh sống động từ âm thanh đến màu sắc nhưng lại khiến người ta hình dung, liên tưởng tới khát vọng “mây mưa” của bậc “hiền nhân quân tử”.
Hồ Xuân Hương tả cái quạt song người đọc lại thấy “rõ ràng” một cảnh yêu đương đầy cháy bỏng:
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi nắng gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa …
Trong thơ Hồ Xuân Hương chứa đựng những gì khiến người ta gọi là "tục và dâm"? Phải chăng là việc mô tả trực tiếp hoặc ám chỉ, từ nghĩa đen hoặc thông qua nghĩa bóng sinh thực khí và hành vi giao phối? Có lẽ là như vậy, dù muốn hay không, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự hiện diện của những cái đó trong các tuyệt tác của bà. Đối với mọi hiện tượng xung quanh, trong thiên nhiên cũng như trong xã hội, nhà thơ đều có cái nhìn rất khác biệt, lạ thường. Từ quả mít, con ốc nhồi đến chiếc quạt; từ cảnh dệt cửi ban đêm, cảnh đánh đu ngày tết đến cảnh tát nước… Xuân Hương như muốn nói đến những chuyện khác nữa - chuyện thầm kín chốn khuê phòng.
Vì sao thơ Hồ Xuân Hương có khuynh hướng đề cao tín ngưỡng phồn thực? Đó có thể là vì thơ bà chịu ảnh hưởng của những nguyên nhân: Hồ Xuân Hương sinh vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, vào lúc xã hội Việt Nam rơi vào cảnh loạn lạc khôn cùng, do đó, bao nhiêu ràng buộc của lễ giáo phong kiến bị phá tung, và mức độ cảm xúc của con người đạt tới cao trào. Hồ Xuân Hương chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh ấy nên thơ bà mới có giọng điệu ngang tàng, phóng túng, không e dè kiêng nể đối với những mãnh lực tinh thần đang đè nặng lên xã hội đương thời.
Đồng thời, xã hội phong kiến chủ trương tiêu diệt cá tính, cái gì “là mình”, “của mình” đều bị coi là xấu xa, đê tiện, còn huỷ diệt mọi nhu cầu cá nhân để tôn thờ giai cấp thống trị thì mới là “thanh cao”. Chính vì thế, một người phụ nữ dám “là mình”, dám nói lên khát vọng của mình thường bị chà đạp, bị coi là dâm đãng. Tiếng thơ của Xuân Hương có quá quắt, nhu cầu ái ân của Xuân Hương có da diết, táo tợn, nhưng xét cho cùng, đâu phải lỗi tại nhà thơ? Đó là tiếng kêu, tiếng thét, là sự phản ứng quyết liệt của một khát vọng chính đáng bị xã hội phong kiến nhấn chìm thành vô vọng.
Nhưng nguyên nhân chính và quan trọng hơn cả phải tìm thấy ngay trong con người Hồ Xuân Hương: một tâm hồn vừa mến trọng lý tưởng thanh cao lại vừa dạt dào tình cảm, vì không gặp điều kiện thuận lợi để nảy nở hoàn toàn nên chán ngán mà sinh ra giọng điệu trớ trêu táo tợn. Những trở lực cho sự phát triển của tâm hồn ấy có thể là sự nghèo túng, là cảnh lẽ mọn, là cái thô bỉ của vài hạng người mà Xuân Hương đã gặp trên con đường tình cảm, là cái dởm đời của những người xung quanh làm cho Xuân Hương uất ức, chán ghét. Bên trong cái lẳng lơ và những thứ được xem như là hậu ý tục tĩu của bà, còn có một cái gì rất sâu sắc, rất thâm trầm, rất đứng đắn và cảm động: đó là nỗi lòng Hồ Xuân Hương.
Là một con người tài hoa, yêu đời và giàu sức sống nhưng cuộc đời luôn bị chèn ép - không phải chỉ chèn ép về tinh thần, về tình cảm, mà cả về đời sống bản năng, về hạnh phúc ái ân trai gái, Hồ Xuân Hương vừa căm phẫn cuộc đời lại vừa khát khao, rạo rực một điều gì đó? Nhiều phụ nữ có cùng cảnh ngộ với Xuân Hương chẳng phải không khao khát như bà, song lễ giáo phong kiến và tập tục hàng nghìn đời đã dồn ép những tâm sự ấy xuống tận đáy sâu của suy nghĩ, của tiềm thức, và họ chỉ còn lờ mờ một cảm giác bi quan, nhẫn nhục, chịu đựng, xót thương cho số kiếp của mình.
Thơ Hồ Xuân Hương nằm trong trào lưu lịch sử mà tiếng nói cá nhân bị chặn đứng, do vậy, hồn thơ phồn thực trong Hồ Xuân Hương đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật biểu hiện tư tưởng nhân đạo, là tiếng kêu giải phóng khát vọng sống cá nhân. Phồn thực chính là tinh hoa thơ Hồ Xuân Hương, yếu tố văn hóa ấy đã giúp bà đến với người đọc theo con đường đồng tình và đồng cảm tự nhiên nhất.
An Thùy