Nghệ An là tỉnh có 468 km đường biên giới trên bộ giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây và đường bờ biển ở phía Đông dài 82 km, là một trong những địa phương xuất hiện tình trạng buôn bán người trong nhiều năm liền và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Ngoài hoạt động buôn người, cơ quan chức năng còn phát hiện thủ đoạn mua bán bào thai tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, nhân phẩm, tinh thần và quyền con người của các nạn nhân.
Buôn bán phụ nữ, trẻ em, bào thai được thực hiện bởi rất nhiều hình thức nên người dân dù đã được tuyên truyền phòng tránh vẫn bị sập bẫy và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Các chiêu bài được sử dụng như: giới thiệu việc làm nhẹ, lương cao, chu cấp tiền, vật dụng cho người nhà; sử dụng người địa phương đã từng bị lừa bán trở về quê hương trực tiếp dẫn dụ nạn nhân; sử dùng người quen, người thân với nạn nhân thậm chí là cha mẹ; móc nối với người ở ngoài tỉnh đến địa phương để làm quen, tạo quan hệ thân thiết, kết hôn, sau đó đưa đi khỏi địa phương; thông qua mạng xã hội kết giao với nạn nhân, tạo tình cảm, dẫn dụ nạn nhân để bán qua biên giới...
Trên thực tế, tại địa bàn Nghệ An, nạn nhân chủ yếu vì thiếu việc làm, đời sống quá khó khăn vất vả, trong khi nhận thức chưa cao, thậm chí là hạn chế về ngôn ngữ, họ mong muốn có việc làm, có thu nhập nên dễ bị các đối tượng buôn người dụ dỗ. Nạn nhân của buôn bán người có thể bị bóc lột tình dục, bị cưỡng bức lao động, bị hành hạ về thể xác và tinh thần nghiêm trọng. Vì vậy, ngăn ngừa, phòng chống và xử lý triệt để tình trạng tội phạm này là một trong những yêu cầu cần thiết và cấp bách để đảm bảo quyền con người nói chung, an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Cùng với những hoạt động thường xuyên của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em. Hội đã tổ chức triển khai các mô hình như: “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống buôn bán người”, “Di cư an toàn và phòng, chống mua bán người”, thành lập các câu lạc bộ “Lá chắn”; tổ chức tọa đàm “Di cư an toàn, lao động và việc làm”, tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về di cư an toàn, phòng, chống mua bán người".
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong trường học
(Ảnh: infornet)
Tỉnh Hội đã triển khai các Dự án: “Đấu tranh chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại: Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân”, “Xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế vật nuôi cho những phụ nữ bị mua bán trở về và có nguy cơ bị mua bán”. Đối với các xã biên giới được hỗ trợ các mô hình sinh kế, trang bị các phương tiện làm việc, vật dụng, đồ dùng thiết yếu, xây dựng mái ấm tình thương... nhằm giúp đỡ phụ nữ vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống. Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng tại cơ sở tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng như cung cấp các thông tin, vận động nhân dân, phụ nữ phòng trách các hoạt động buôn người, tố giác tội phạm buôn người...
Để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em trước tình trạng buôn bán người hiện nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là tại vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có nguy cơ xẩy ra tình trạng buôn bán người cần phát huy hơn nữa vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, tập trung thực hiện một số các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, hậu quả của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em hiện nay; chỉ rõ các chiêu bài mà bọn buôn người sử dụng để nhân dân nhận diện, cảnh giác, phòng tránh và tố giác. Phối hợp với các lực lượng chức năng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, nội dung, cách thức tuyên truyền linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng tuyên truyền để đạt được hiệu quả cao nhất.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người
(Ảnh: http://laodongxahoi.net)
Thứ hai, làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó tập trung vào các chương trình, dự án phòng, chống buôn bán người; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham mưu chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến hiện trạng này. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh cần học hỏi, tiếp thu những thành quả, kinh nghiệm của quá trình phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em tại các địa phương khác nhằm vận dụng vào thực tiễn địa phương mình.
Thứ ba, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, giúp phụ nữ ổn định đời sống và vươn lên làm giàu. Các cấp Hội cần linh hoạt, sáng tạo, tìm kiếm các giải pháp nhằm giúp cho phụ nữ được nâng cao trình độ, cải thiện tư duy làm kinh tế cho phụ nữ. Hội cần xây dựng các mô hình kinh tế có tính khả thi cao trên cơ sở liên kết, hợp tác với các ngành chức năng, cá nhân có thẩm quyền, doanh nghiệp lớn để đầu tư đồng bộ, bền vững cho phụ nữ vùng miền núi.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ, giải phóng phụ nữ khỏi những quan niệm lạc hậu, những phong tục hà khắc. Ngoài khó khăn về trình độ, năng lực, cơ hội việc làm, phụ nữ miền núi còn chịu trói buộc bởi những quan niệm lạc hậu về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình. Vì vậy, phải giúp họ nâng cao nhận thức, đánh giá được tiềm năng, giá trị của bản thân, nâng cao giá trị, năng lực bản thân để đáp ứng những yêu cầu trong cuộc sống. Công tác tuyên truyền cần được mở rộng trong cộng đồng để thay đổi những định kiến về giới vẫn còn sót lại, từ đó, phát huy vai trò của gia đình, xã hội trong việc hỗ trợ phụ nữ.
Thứ năm, Hội cần thành lập các đường dây nóng, câu lạc bộ, hội, nhóm, địa chỉ tin cậy để tiếp nhận thông tin, tình hình về nạn buôn người. Thông qua đó, người dân, hội viên có thể thuận lợi cung cấp thông tin về những biểu hiện, hành vi, động thái của các đối tượng buôn người hoặc cung cấp thông tin về những gia đình, chị em đang có ý định nghe theo bọn tội phạm. Đồng thời tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các nạn nhân từng bị bán qua biên giới trở về quê hương, giúp đỡ họ tái hòa nhập, tìm kiếm việc làm, vượt qua trở ngại tinh thần.
Mai Thương