Nghệ thuật làm gốm của người Chăm có từ lâu đời, là di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, gắn liền với nền văn hóa Champa rực rỡ một thời kỳ. Nay di sản này đã chính thức bước ra khỏi ranh giới đất nước, hòa nhập vào di sản chung của thế giới với tầm vóc mới: di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Ảnh: vov
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh sách của UNESCO ngày 29 tháng 11 năm 2022. Đây là di sản phi vật thể thứ tư của miền Trung được UNESCO công nhận (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003; Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, 2014; Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, 2017), không chỉ đưa di sản lên tầm vóc mới, mà còn đưa miền Trung một bước đến gần hơn với du khách toàn cầu.
Nghệ thuật làm gốm Chăm chủ yếu tập trung chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, nay là Bình Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Làng gốm Bàu Trúc vô cùng nổi tiếng được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Sở dĩ di sản này vượt qua được nhiều di sản khác để dành vị trí ghi danh vào danh sách của UNESCO, trước hết nằm ở sự độc đáo, đặc trưng có một không hai trong các làng nghề gốm Việt Nam và Đông Nam Á.
Chủ nhân của nghệ thuật gốm này là tộc người Chăm – vốn có một nền văn hóa rực rỡ, độc đáo, lâu đời cuốn hút bao nhà nghiên cứu xưa nay. Đặc biệt, những người tham gia tạo tác gốm đều là phụ nữ, trong làm gốm truyền thống hoàn toàn không có sự tham gia của nam giới. Gia đình người Chăm mang truyền thống mẫu hệ. Nữ thần Po Inư Nưgar được coi là người Mẹ xứ sở của người Chăm, là người phụ nữ sáng lập ra vương quốc Champa. Người phụ nữ Chăm luôn là hiện thân của vẻ đẹp, sự khéo léo, sáng tạo ra muôn điều của cuộc sống người Chăm.
Kỹ thuật chế tác gốm khá công phu từ thu thập nguyên liệu đến tạo hình và nung gốm. Chẳng hạn với gốm Bàu Trúc nổi tiếng, nguyên liệu làm gốm phải là đất sét ở làng Bàu Trúc với độ kết dính đặc biệt. Đất sét đem về ngâm ngập nước trong khoảng 12 tiếng, sau đó đưa đất lên khỏi hố ngâm để trộn (bằng tay và cả bằng chân) cùng cát, nước ngọt với một tỷ lệ và nhồi đến độ dẻo mà chỉ có người làm gốm càng lâu năm thì mới càng đạt đến độ hoàn hảo. Tiếp đó là nặn hình gốm. Điều đặc biệt là những người phụ nữ Chăm tự nặn gốm bằng tay, không phải bàn xoay, cho nên người mới vào nghề và người lâu năm “in dấu” rõ nét trong hình gốm tạo ra. Gốm Chăm Bàu Trúc kiêng kỵ các loại hoa văn hình động vật, hình người. Họ quan niệm rằng vẽ hình người, hình động vật lên gốm và khi đem gốm nung thì cũng như đem hình người, hình động vật lên giàn thiêu trong hỏa táng. Nung gốm cũng đặc biệt: nung lộ thiên trên các nguyên liệu nung (củi, rơm, trấu). Giá trị nghệ thuật được tạo ra ở công đoạn nung gốm chính là cách rắc màu lên áo gốm, phun màu tự nhiên với cách thức tự do và ngẫu nhiên. Màu áo gốm được tạo ra sẽ khác nhau ở từng sản phẩm, với sắc màu loang lổ, sống động. Sản phẩm gốm Chăm chủ yếu là đồ gia dụng cho sinh hoạt hằng ngày như: nồi, ấm… đun nấu, lu, thạp, chum… để đựng. Đặc biệt hơn, gốm Chăm còn tạo ra các vật để thờ cúng trong các đền đài. Việc xuất hiện ở những nơi linh thiêng ấy chứng tỏ sự lôi cuốn của gốm Chăm trong thế giới tâm linh.
Với kỹ thuật nặn gốm không bàn xoay và nung lộ thiên, kỹ thuật chế tác gốm của người Chăm đòi hỏi sự khéo léo vô cùng của đôi bàn tay người phụ nữ. Có thể nói sản phẩm gốm Chăm được hình thành từ chút năng khiếu vốn có cộng với bề dày tuổi nghề công phu, kiên nhẫn đáng nể của của người phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm gốm được trao truyền cho các thế hệ trong gia đình chỉ thông qua thực hành. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc lập, không cái nào giống cái nào, đó là sự khác biệt giữa gốm Chăm với các dòng gốm khác.
Gốm Chăm đơn giản nhưng nó là nơi cất giấu những nét đặc biệt của dòng văn hóa Chămpa rực rỡ. PGS.TS Shimoka Sakaya cho biết: gốm Chăm ngoài những đặc điểm riêng mang tính địa phương còn có đặc trưng của gốm cổ Sa Huỳnh và gốm cổ khác ở Đông Nam Á. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Viện Văn hóa quốc gia khẳng định: “trong hành trình tìm kiếm về văn hóa Chăm, đồ gốm sẽ là “chìa khóa” tiếp cận đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Chăm”. Trong mỗi giai đoạn nhất định, người Chăm tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm của giai đoạn trước, trong quá trình giao lưu văn hóa với cộng đồng người xung quanh… Gốm Bàu Trúc, Bình Đức ngoài đặc điểm riêng mang tính địa phương thì đều mang đặc tính chung của gốm Việt Nam và khu vực.
Theo thống kê của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện Bàu Trúc có 1 hợp tác xã, 4 công ty trách nhiệm hữu hạn, 9 cơ sở sản xuất, với 150 hộ. Trong làng có 1 hợp tác xã, 2 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm. Còn tại thôn Bình Đức, đến năm 2021, chỉ còn 40 hộ với 44 nghệ nhân thường xuyên duy trì nghề gốm[i]. Số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm nói chung ngày một ít dần đi. Nghề gốm của người Chăm đang đứng trước nguy cơ mai một vì nhiều nguyên nhân: vì sự tác động của quá trình đô thị hóa, vì khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, vì sự chậm thích ứng với kinh tế thị trường và cơ bản là vì thế hệ trẻ không còn mấy người quan tâm đến nghề.
Với tầm vóc mới - di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đặt ra những vấn đề mới về công tác bảo tồn, phát huy trong hiện tại và tương lai. Với cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ các giá trị nghề làm gốm của người Chăm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tin rằng các làng gốm của người Chăm sẽ được quan tâm, đầu tư bảo tồn và phát triển tương xứng với tầm vóc một di sản lớn, đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, mang tính toàn cầu.
[i] Trinh Nguyễn (2022), Nghệ thuật làm gốm của người Chăm trở thành di sản văn hoá UNESCO https://thanhnien.vn/
Triều Nguyễn