Số ca mắc giảm, ca tử vong vì COVID-19 gần như về “zero”, tỷ lệ bao phủ vaccine ấn tượng. GDP quý 3/2022 tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% - mức cao nhất từ năm 2011 đến nay.
Đây là những con số tích cực được các chuyên gia nhắc đến khi được hỏi về kết quả đạt được sau một năm Việt Nam triển khai Nghị quyết 128 (NQ128) của Chính phủ với chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tiền đề để đạt được thắng lợi kép một cách ngoạn mục
Những số liệu phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua có lẽ là minh chứng rõ ràng và thực tế nhất của một năm thực hiện NQ128 thành công. Với các chuyên gia kinh tế, NQ128 đã giúp Việt Nam bước sang giai đoạn chủ động chống dịch COVID-19 và tích cực phục hồi kinh tế, sau thời gian phong tỏa chống dịch căng thẳng.
NQ128 mở ra bối cảnh “bình thường mới” thuận lợi cho các doanh nghiệp và cho phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, từ đó giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước đó, tiến tới phục hồi, cũng như tiếp tục tạo đà cho phát triển kinh tế năm 2022.
“Chính nhờ NQ128, chúng ta đã có kết quả tăng trường 9 tháng đầu năm 2022 hết sức tích cực. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh NQ128 của Việt Nam khi rất phù hợp với xu hướng của thế giới, khi chuyển sang thích ứng linh hoạt. Thứ ba, nhờ NQ128 chúng ta đã được cả 2 mục tiêu kép “Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Nếu chúng ta thời điểm đó chỉ kiên quyết một mục tiêu thì rất khó phục hồi như hiện nay”, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, NQ128 là một bước ngoặt lịch sử trong nhận thức và chiến lược chống dịch COVID-19 của Việt Nam, theo tinh thần chung là chuyển từ “Zero COVID-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả”.
Phân tích thêm các giai đoạn chuyển biến tích cực của nền kinh tế sau khi Việt Nam thực hiện NQ128, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, năm 2021, Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở trong nước.
Cũng nhấn mạnh sự đúng đắn khi chuyển chiến lược từ “Zero COVID-19” sang sống chung với COVID-19 bằng cách “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, NQ128 giúp Việt Nam vừa đảm bảo có chiến lược phòng, chống dịch phù hợp nhất với các tình huống thực tế. Đồng thời, đất nước mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong mọi lĩnh vực, và thực hiện đồng bộ các gói hỗ trợ chính trị xã hội, để có thể phục hồi tốt nhất, nhanh nhất, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong đại dịch.
Theo ông Thịnh, Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện mọi nỗ lực, biện pháp để thúc đẩy “ngoại giao vaccine”, từ đó đưa về nguồn vaccine chống dịch, từ đó tạo ra “vaccine phục hồi” cho nền kinh tế. Có thể nói, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi chương trình mở rộng tiêm chủng vaccine COVID-19. Chiến dịch vaccine đã được triển khai thần tốc, tạo ra kỳ tích mà các quốc gia trên thế giới cũng phải công nhận.
Các gói hỗ trợ của Nhà nước, của Chính phủ cũng được các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương quan tâm, triển khai mạnh mẽ. Do vậy, Việt Nam đến nay đã đạt được thắng lợi kép một cách ngoạn mục.
“Vừa sống chung an toàn với COVID-19, vừa mở cửa sản xuất kinh doanh một cách phù hợp, đã mang lại kết quả tăng trưởng 5,22% trong quý 4/2021. Kết quả này đã tạo ra tiền đề để Việt Nam có thể ổn định và phát triển vững chắc trong năm 2022”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Dẫn báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2022, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh những con số như kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt trên 163.000, tăng 38,6% so cùng kỳ, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui. Đặc biệt, 85% số doanh nghiệp tin tưởng trong quý 4/2022 hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn.
“Triển khai NQ128, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều biện pháp rốt ráo vừa phòng, chống dịch, vừa chuẩn bị mọi điều kiện để quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh. Nghị quyết đã góp phần tạo ra lòng tin cho người dân và các doanh nghiệp, để có thể tiếp tục vượt qua khó khăn. NQ128 như một kim chỉ nam trong hoạt động hồi phục và phát triển kinh tế của năm 2021 và 2022”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Đầu năm 2022, Quốc hội và chính phủ đã có những gói hỗ trợ bổ sung, trong đó lớn nhất là gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng. Đồng thời, với việc vào cuộc mạnh mẽ hơn của các Bộ, ban ngành, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 có bước phát triển rất tốt và qua các Quý mức tăng trưởng ghi nhận ngày càng tốt hơn.
Sau 9 tháng đầu năm 2022, các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á (Moody, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%). Trong đó, Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng Ổn định. Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch COVID-19.
Đúng đắn và quyết đoán
Đây là nhận định từ góc nhìn của các chuyên gia y tế ngay từ khi NQ128 được ký ban hành và có hiệu lực thực hiện từ ngày 11/10/2021.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng khẳng định, kết quả kinh tế - xã hội thực tiễn đã chứng minh NQ128 rất đúng đắn, kịp thời và khoa học, thể hiện sự quyết đoán và nhạy bén của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Cùng quan điểm với các chuyên gia kinh tế, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh việc thay đổi chiến lược “Zero COVID-19” chuyển sang "dám" mở cửa linh hoạt các hoạt động kinh tế của Việt Nam.
“Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19 một cách bền vững, đặc biệt giảm được tỷ lệ mắc COVID-19 nặng và ca tử vong rõ rệt. Khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam, Việt Nam chưa đủ vaccine, số ca mắc lớn và nhiều ca tử vong. Thời gian sau, khi dịch bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, chúng ta đã triển khai tiêm vaccine cho người dân và "dám" mở cửa linh hoạt các hoạt động kinh tế. Điều này thể hiện sự quyết đoán, đúng đắn và cũng rất khoa học khi triển khai NQ128”, ông Phu nhấn mạnh.
Cũng theo Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng, đến thời điểm hiện tại, NQ128 vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng. Theo đó, Việt Nam định hướng chiến lược kiểm soát được dịch bệnh, phát triển kinh tế và luôn thích ứng an toàn các giải pháp phòng, chống dịch trên cơ sở đánh giá đúng nguy cơ của dịch bệnh: "Nếu không đánh giá đúng nguy cơ dịch thì chúng ta sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh, còn nếu đáp ứng thái quá thì gây tổn hại về phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên cả nước. Tôi cho rằng, đây là “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và là những điểm vẫn còn phù hợp của NQ128 cho đến thời điểm hiện nay”.
Đặc biệt, về tiêm chủng, trong NQ128 đã nêu rõ, tiêm vaccine là yếu tố vô cùng quan trọng, trong đó, chú trọng bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương như người già, người suy giảm miễn dịch… Tiêm vaccine COVID-19 các mũi tăng cường cần được tiếp tục duy trì thì để kiểm soát dịch bệnh bền vững, không để tăng ca bệnh nặng, tăng ca tử vong, trong bối cảnh số mắc có thể tăng. Đồng thời không để quá tải hệ thống y tế mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh./.
Thiên Bình/VOV.VN