Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, ngày 16/3 được đánh giá là diễn ra sôi nổi, trách nhiệm cao, thẳng thắn và xây dựng với tổng số 64 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 48 đại biểu tham gia chất vấn, 10 đại biểu dùng quyền tranh luận.
Có thể khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu ứng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn này chính là việc lựa chọn đúng và trúng hai lĩnh vực đang được dư luận cử tri hết sức quan tâm, trong đó nổi lên là nguồn cung, giá cả xăng dầu và quản lý đất đai, đấu giá đất.
Diễn biến trên nghị trường cho thấy rõ điều đó khi ý kiến, nguyện vọng của cử tri được các đại biểu Quốc hội phản ánh mạnh mẽ, với dẫn chứng cụ thể và đề nghị có giải pháp rõ ràng, khẩn trương để giải quyết hiệu quả trong bối cảnh nỗ lực phục hồi kinh tế.
Trước hết, liên quan tới xăng dầu - mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, có tác động rất lớn tới các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Các ý kiến nhìn chung ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc triển khai các giải pháp để điều hành giá xăng dầu, thúc đẩy sản xuất, nhập khẩu và cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy giá xăng dầu tiếp tục nâng cao, cơ cấu giá cần rà soát thêm, nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng được theo kế hoạch do sụt giảm sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Việc điều hành giá xăng dầu trong điều kiện giá cả biến động lớn vẫn theo quy định thông thường định kỳ 10 ngày một lần, nên có thời điểm còn có khoảng cách so với thị trường, còn xảy ra tình trạng một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, cung ứng nhỏ giọt, bán nhỏ giọt, làm tình hình phức tạp thêm.
Thành viên Chính phủ khẳng định với các giải pháp đã và đang triển khai cả về sản xuất và nhập khẩu thì lượng xăng dầu vẫn đủ phục vụ cho sản xuất và đời sống trong thời gian tới, song điều mà nhiều đại biểu băn khoăn và mong muốn là cần giải pháp căn cơ để doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn hơn sau khi trải qua thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh; chủ động hơn về mặt hàng đặc biệt này để hạn chế lệ thuộc vào nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều yếu tố tác động tới giá xăng dầu.
Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nâng cao năng lực dự báo, sát sao, quyết liệt hơn để ổn định nguồn cung, bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Có giải pháp phù hợp hơn để giải quyết được cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Cân đối, điều hành kịp thời, linh hoạt giữa sản xuất, nhập khẩu dự trữ để đảm bảo nguồn cung trong ngắn hạn và dài hạn.
Cùng với đó cần có giải pháp hiệu quả đảm bảo giá xăng dầu phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an ninh kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
Đối với lĩnh vực tài nguyên – môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác quản lý đất đai, đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hệ thống chính sách pháp luật vẫn còn nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ, có nội dung chưa bao quát hết các phát sinh trong thực tiễn. Công tác quy hoạch, kế hoạch phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất còn chậm, còn có quy hoạch treo, dự án treo, gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Không ít đại biểu bức xúc khi vi phạm về đất đai vẫn còn phức tạp, vi phạm trong xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thực hiện giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá. Tình trạng lấn chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa được xử lý dứt điểm. Tự ý phân lô bán nền, chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định dẫn đến có trường hợp phải khởi tố hình sự.
Về trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi, Chính vì vậy, Chính phủ đã có nhiều quyết tâm để hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai. Công tác đấu giá, mua, bán, chuyển nhượng đất đai đã dần đi vào nề nếp, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, tăng nguồn thu phục vụ cho nhu cầu phát triển.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật về đấu giá đất chưa đồng bộ, cơ chế để ngăn ngừa trục lợi trong đấu giá đất còn bất cập, chưa đủ mạnh, còn xảy ra gian lận, vi phạm trong đấu giá đất, dìm giá, đấu giá, đầu cơ đất đai, có hiện tượng bỏ giá cao bất thường rồi bỏ cọc như ở Thủ Thiêm (TP.HCM) gây dấu hiệu, hiệu ứng tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến thị trường nhà đất, đến thu hút đầu tư, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Có ý kiến đại biểu Quốc hội còn đặt vấn đề nên chăng xử lý hình sự với hành vi làm lũng đoạn thị trường để tăng tính răn đe.
Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất còn quy định ở nhiều văn bản pháp luật và còn có nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện. Thậm chí có những quy định nếu không sửa thì cán bộ còn vi phạm, kết luận thanh tra sẽ còn khác nhau.
Một trong những nội dung được nhấn mạnh và đồng thuận là sắp tới sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi. Đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá như năng lực tài chính, việc xác định giá khởi điểm, thẩm định giá, hình thức đấu giá, việc xử lý các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết…
Nhiều vấn đề “nóng”, bức xúc từ thực tiễn đã được nêu ra, các giải pháp cũng được gợi mở, khẳng định, cam kết. Điều quan trọng hơn, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn lần này sẽ được ban hành, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định. Và như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng, làm cho hoạt động giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả nhất./.
Ngọc Thành/VOV.VN