Một "Ngôi nhà bom" được dựng lên trên mảnh đất miền Trung đã đem đến những trải nghiệm vô cùng độc đáo cho những người dân nơi đây cũng như những người đến tham quan từ khắp mọi miền đất nước. Trong ngôi nhà ấy, ký ức sống động của một thời chiến tranh khói lửa như trở về với thông điệp của khát vọng hòa bình lớn lao trong môi trường văn hóa đương đại.
Kỷ vật được trưng bày ở "Ngôi nhà bom". Ảnh: baotanglichsu.vn
Khát vọng hòa bình luôn là khát vọng cháy bỏng của mỗi người con đất Việt. Trái tim yêu nước, nhân cách tự chủ và mong muốn được lao động, cống hiến trong cuộc đời tự do không chỉ là khát vọng của một riêng ai. Song để biến khát vọng đó gắn với việc chuyển tải thông điệp qua một sản phẩm in đậm dấu ấn lịch sử văn hóa thì không phải ai cũng có thể làm được.
Nhưng ông Trần Công Chức (56 tuổi), ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã làm được điều đó bằng cách sáng tạo nên ngôi nhà độc đáo – NHÀ BOM. Thoạt nghe, có người sẽ giật mình, lo âu vì trên mãnh đất miền Trung này, đặc biệt là tỉnh Quảng Trị thì “BOM” chẳng phải là một cái gì đó gắn liền với tội ác, chết chóc, hủy diệt khi có ngày “địch đã trút vào mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 đạn pháo, hàng ngàn tấn bom… Tính bình quân, mỗi người dân phải chịu 250 quả đạn pháo”[1] hay sao!
Song thật kỳ diệu, ngôi nhà mang tên “BOM” của ông khi đã được tiếp cận sẽ mang đến cho mọi người một hơi ấm rất thiêng liêng – ký ức chiến tranh mang thông điệp khát vọng hòa bình lớn lao trong môi trường văn hóa đương đại. Ngôi nhà bom - ký ức Trường Sơn được ông Chức xây dựng vào đầu năm 2023, được làm từ khoảng 300 vỏ bom, đạn các loại, trên diện tích rộng gần 200m2, được thiết kế theo lối kiến trúc nhà rường 4 mái với 18 cột. Ở phía sau ngôi nhà, ông Chức đã xây dựng, tái hiện lại những căn hầm chữ A cùng hệ thống giao thông hào, bếp Hoàng Cầm… để làm phong phú thêm “bảo tàng” kỷ vật chiến tranh này. Nhà văn Xuân Tùng có cảm nghĩ rất hay rằng: “Quá khứ như chiếc cọc, tương lai chính là con diều. Không được neo vào cọc, diều sẽ bay mất, hoặc chao liệng ngả nghiêng”. Và ông Trần Công Chức đã tự mình vượt qua nhiều khó khăn, tạo nên chiếc “cọc” đặc biệt – đưa kỷ vật chiến tranh về gần hơn với công chúng thời hòa bình. Hình ảnh một người thanh niên trong suốt hai mươi năm, đi sưu tầm kỷ vật chiến tranh để dựng nên một ngôi nhà bằng hơn 300 vỏ bom đạn các loại như một bảo tàng nhỏ lưu giữ những kỷ vật chiến tranh, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc chiến cũng như sự mất mát của dân tộc thật sự gây nên sự xúc động cho mọi người.
Khát vọng hòa bình được thể hiện nơi ông bằng cách gom góp ký ức chiến tranh, nhớ về những hy sinh, mất mát cùng những chiến công hiển hách của các bậc tiền nhân đã hy sinh để hôm nay đất nước có hòa bình thực sự. Đó là một ứng xử văn hóa, có tính kế thừa để vun đắp cho sự phát triển. Điều đó hoàn toàn khác với những hành vi xảo trá bị lên án: “… Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử/ Cào chiến công, xé cả xác anh hùng/ Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung/ Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát? Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát/ Và cả bay quân cướp nước, giết người/ Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi …”[2].
Quảng Trị được ví như “bàn thờ Tổ quốc” khi có đến 2 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9, có Thành cổ Quảng Trị - nơi một nấm mồ chung tưởng nhớ hàng ngàn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi này trong những ngày bão lửa. Vậy nên, ông muốn khi mọi người đến đây không chỉ làm tròn bổn phận viếng hương hồn các liệt sĩ đang nằm lại, mà còn có những trải nghiệm thực tế qua việc xây dựng các công trình ký ức chiến tranh xưa, giúp họ có thêm cái nhìn trực quan về chiến tranh.
Phía trước "Ngôi nhà bom". Ảnh: baotanglichsu.vn
Ngôi nhà Bom là một thiết chế văn hóa được sinh ra để phản ánh lịch sử chiến tranh hào hùng nhưng cũng chứa đầy nỗi mất mát thương đau:
Bữa ấy con về Quảng Trị không mưa
Nắng Trường Sơn dư thừa trên bia mộ
Bao nhiêu người có cùng chung ngày giỗ
Thắp nén hương trầm thành cổ rêu phong[3]
Đó chính là lời thì thầm của quá khứ và nhìn lại những kỷ vật chiến tranh để hoài niệm một thời gian khổ, hi sinh vì độc lập dân tộc. Thế hệ trẻ đến thăm nhà bom để hiểu thêm về sự ác liệt của chiến tranh, để ứng với câu "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Tác giả của ngôi nhà đã tâm tình rất thấu đáo, rằng: "Tôi sinh ra và lớn lên trên miền đất lửa, ký ức về chiến tranh còn hằn sâu. Ngôi nhà bom là nơi lưu giữ những ký ức lịch sử của đất nước, nhắc nhở các thế hệ không bao giờ quên"[4] và đặc biệt hơn nữa là “Học sinh, thế hệ trẻ được học trên sách vở, hình ảnh trên màn hình nhưng không dễ thấy những hiện vật chiến tranh ngoài đời thực. Tôi muốn thế hệ mai sau hiểu sâu sắc và luôn tri ân công lao của ông cha ta đã đổ xương máu để giành độc lập tự do. Hiểu sự ác liệt của chiến tranh để yêu chuộng hòa bình. Du khách nước ngoài đến thăm sẽ hiểu thêm về cuộc kháng chiến hào hùng, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam”[5].
Ngôi nhà bom ra đời được xem như một thiết chế văn hóa lý tưởng giáo dục về truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ và xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh cho thế hệ trẻ. Ngôi nhà bây giờ trở thành cầu nối lịch sử giữa các thế hệ, thời gian qua đã diễn các buổi giao lưu giữa nhân chứng chiến tranh như cựu chiến binh với khách tham quan. Hoạt động này đã góp phần thay đổi cách tuyên truyền, giáo dục truyền thống theo kiểu một chiều sang hình thức trải nghiệm - đối thoại - hành động. Do vậy, thiết chế văn hóa này thực sự đã mang trên vai một sứ mệnh mới - sứ mệnh đấu tranh vì hòa bình. Theo đó, không để ngôi nhà bom chỉ như là một nơi khơi gợi lại quá khứ đau thương hay thúc đẩy lòng thù nghịch, mà có thể cùng "ngồi lại" hi vọng, hàn gắn để những thảm kịch chiến tranh không còn xảy ra trong tương lai. Mỗi hiện vật tại đây là một trong những cách tiếp cận, truyền đạt thông tin và gửi đi thông điệp về hòa bình một cách mạnh mẽ nhất đến công chúng. Đó là những ký ức, những mảnh ghép của lịch sử, của cộng đồng và của cả một dân tộc trong quá trình đấu tranh giành và giữ hòa bình.
[1] Thường vụ Đảng ủy và Ban Chấp hành quân sự tỉnh Quảng Trị: Quảng Trị - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), 1998, tr. 213
[2] Tố Hữu: “Chân lý vẫn xanh”, 7-11-1991
[3] Hồng Giang: Về Quảng Trị
[4] https://thanhnien.vn/ngoi-nha-bom-ky-uc-ve-chien-tranh-185230407090806913.htm
[5] https://cand.com.vn/Phong-su/trong-ngoi-nha-tu-nhung-manh-bom-i703747/
Phương Nam