Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 1930-1945, tuyệt đại đa số những chiến sĩ cộng sản đều bị thực dân, phong kiến bắt bớ, tù đày, nhưng bị bắt đến chín lần như đồng chí Chu Huy Mân thì quả thực hiếm có
Chín lần bị bắt trong 10 năm
Cuối năm 1930, Chu Huy Mân vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong buổi lễ kết nạp vào Đảng, đồng chí tuyên thệ: "Tôi, Chu Văn Điều[1] xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị bắt bớ, cực hình tra tấn quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết quyết không sờn lòng, nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng”[2].
Trong đời hoạt động cách mạng của mình, Chu Huy Mân bị bắt đến 9 lần. Ông bị bắt lần đầu vào tháng 6/1931 cùng gần 50 người, hầu hết là Tự vệ Đỏ, đưa về "trường tra tấn" đặt tại nhà Cự Hương nguyên là Phó lý Cựu của Yên Lưu đánh đập, hành hạ. Kẻ thù dùng roi mây ngâm nước mắm, đem phơi nắng nhiều ngày để đánh những người bị bắt. Roi mây ngâm nước mắm, phơi nắng vừa dẻo vừa sắc, đánh vào ngưồi dễ tróc da, tứa máu. Bang tá thay nhau dùng roi mây quất thẳng vào mặt, đầu và toàn thân người Chu Huy Mân và đồng đội. Nhiều người không chịu được đòn roi buộc ký giấy "quy thuận" để được trả về nhà.
Sự gan góc, lì lợm của ông càng làm cho bang tá hung hăng, đánh đập dã man hơn. Suốt hai ngày hai đêm, chúng thay nhau hành hạ ông, thân hình tàn tạ, ngất xỉu nhiều lần nhưng vẫn không buộc được ông ký đơn quy thuận. Bất lực, chúng đành hăm dọa rồi trả ông về nhà.
Lần thứ hai, ông bị bắt giam trước ngày Quốc tế Lao động 1/5/1935 khoảng một tuần với mục đích ngăn chặn những người cộng sản lãnh đạo các cuộc míttinh, biểu tình lớn. Địch bắt Chu Huy Mân và một số người giam ở nhà lao Vinh. Chúng không xác định được chính Chu Huy Mân người Bí thư chi bộ xã Yên Lưu từ cuối năm 1933, linh hồn của cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân của nhân dân Yên Lưu năm 1935 bằng việc công khai viết đơn kiện và kéo nhau lên phủ Hưng Nguyên và tỉnh đường Nghệ An ngồi lì trước sân tỉnh đường đưa yêu sách đòi nhà cầm quyền giải quyết. Sau ngày lễ, chúng thả Chu Huy Mân và những người bị bắt.
Đồng chí Chu Huy Mân
Lần thứ ba, chính quyền thực dân bắt Chu Huy Mân đưa lên giam ở nhà lao Vinh vào cuối năm 1937. Kẻ thù nghi ngờ ông có liên quan đến cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi tháng 7/1937. Tại nhà lao Vinh, kẻ thù đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn và các âm mưu thâm độc nhưng không lấy được một lời khai nào của người cộng sản gan vàng dạ sắt Chu Huy Mân. Không tìm được bằng chứng xác đáng để buộc tội, chúng đành phải thả ông về và không quên lập hồ sơ theo dõi.
Lần thứ tư, Chu Huy Mân bị bắt vào tháng 8/1938. Mấy ngày sau khi thực hiện chỉ thị của cấp trên, bàn giao cơ sở Đảng Nhà máy xe lửa Trường Thi do ông xây dựng cho người khác thì ông và Bí thư chi bộ đảng của Trường Thi là Nguyễn Hoàng đều bị bắt về nhà lao Vinh. Cũng như lần trước, cai ngục nhà lao Vinh đánh đập, tra tấn ông rất dã man nhưng không lấy được lời khai, không đủ bằng chứng chúng đành phải thả ông về.
Đầu tháng 12/1938, Chu Huy Mân nhận được tin Tri phủ Hưng Nguyên cùng 20 lính khố xanh về Yên Lưu khủng bố và xóa bỏ quyền lợi mà nhân dân đấu tranh giành được trong những năm qua. Ồng chạy ra đình Trung ngăn cản các cuộc đánh đập và đấu lý với Tri phủ và Lý trưởng. Ông khẳng định: Công lý và lẽ phải nhất định sẽ thắng, dù cách mạng có lúc lên, lúc khó khăn nhưng sẽ thành công. Trước lời lẽ rắn rỏi của Chu Huy Mân và khí thế của quần chúng, Tri phủ và lính phải rút đi, nhưng đe dọa không để ông yên. Mấy hôm sau, chúng bắt Chu Huy Mân lên nhà lao Vinh đánh đập, tra tấn rồi thả về. Đây là lần thứ năm ông bị địch bắt tra tấn, hành hạ.
Với những hoạt động tích cực của mình, trong năm 1939, Chu Huy Mân ba lần bị chính quyền thực dân bắt: lần thứ nhất ngày 28/4; lần thứ hai ngày 13/7; lần thứ ba ngày 10/9[3]. Chu Huy Mân bị giam ở nhà lao Vinh, sau đó bị đưa lên giam lỏng ở huyện Hưng Nguyên. Đến tháng 3/1940, đồng chí Chu Huy Mân được thả về nhà.
Lần thứ chín, Chu Huy Mân bị bắt vào đúng ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) năm 1940, tức ngày 10/6/1940. Về tới nhà lao Vinh, tuy không được thông báo lý do bị bắt, nhưng Chu Huy Mân gặp lại hầu hết các đồng chí đã từng tham gia hai cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng trước đây. Ông phần nào đoán ra lý do bị bắt là có kẻ phản bội, khai báo. Như vậy, địch đã biết rõ ông là đảng viên cộng sản. Trong đợt khủng bố này chắc chúng sẽ đày đọa và tìm cách thủ tiêu ông. Suy nghĩ để trù liệu cách ứng phó, ông cùng các đồng chí bị bắt tranh thủ bàn bạc, rút kinh nghiệm, phân tích tình hình địch - ta, nhất là phân tích từng con người, trong lúc khó khăn hiểm nguy ai trung thành, ai cơ hội để biết mà đề phòng, cảnh giác.
Đày ải Đăk Glei, Đăk Tô và vượt ngục trở về với cách mạng
Chu Huy Mân và một số chiến sĩ cộng sản Nghệ An bị bắt giam ở nhà lao Vinh một tuần. Trong nhà lao Vinh, chính quyền thực dân đã dùng mọi cực hình tra tấn và các thủ đoạn thâm độc, nhằm uy hiếp tinh thần của người chiến sĩ cách mạng. Vượt qua sự đau đớn về thể xác và sự theo dõi, rình rập của cai ngục, Chu Huy Mân đã giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản, trung thành với lý tưởng của Đảng. Nhằm cách ly và thủ tiêu các chiến sĩ cộng sản, thực dân Pháp đã đưa họ đi đày tại các vùng rừng thiêng nước độc, hẻo lánh ở trại Đắk Glei, Kon Tum.
Di tích ngục Đăk GLei, nơi đồng chí Chu Huy Mân từng bị giam cầm, đày ải
Những tù nhân, trong đó có Chu Huy Mân, đến Đắk Glei khá đông, con số của trại lên tới hơn 100 người, hầu hết là tù cộng sản. Lúc đầu, trong trại chưa có tổ chức đảng, sau khi tìm hiểu tình hình, đồng chí Chu Huy Mân đã bàn với những một số đồng chí thành lập Ban tự quản trại của tù nhân, để chăm lo công việc sinh hoạt và chăm sóc người đau ốm.
Ý kiến đó nhận được sự đồng ý của nhiều người. Đồng chí Chu Huy Mân, mang số tù 19, được phân công phụ trách “tài chính”, kiêm chủ bếp, có nhiệm vụ tổ chức cho anh em tù nhân tăng gia rau màu, cải thiện đời sống, chăm lo sức khỏe để bảo đảm duy trì lực lượng, giữ gìn lực lượng cho Đảng, cho cách mạng sau này. Ban quản lý trại chủ trương bồi dưỡng kiến thức cho tù nhân, biến trại giam thành trường học, học văn hoá và học lý luận. Chu Huy Mân tích cực tham gia học tập, cả văn hóa và lý luận. Ông vào Đảng được gần chục năm, đã làm Bí thư chi bộ, được dự Hội nghị Tỉnh ủy Nghệ An mở rộng mấy lần, nhưng chưa lần nào ông được nghe giảng giải lý luận, đường lốỉ chính trị và chủ trương của Đảng một cách cặn kẽ, bài bản như lần này. Giảng viên là những đồng chí tù chính trị ở Côn Đảo, Khám Lớn Sài Gòn và các nhà tù khác chuyển đến Đắk Glei.
Có nhận thức mới về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, ông vận dụng, liên hệ với những công việc cách mạng trước đây của mình để rút kinh nghiệm. Nhất là vận dụng bài học vể vai trò quần chúng trong cách mạng, Chu Huy Mân xác định vận động, cảm hóa anh em binh lính người dân tộc Tây Nguyên, cô Tư, vợ chúa ngục Bliô, y tá Trường là công việc quan trọng lúc này. Tuyên truyền và cảm hóa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như giành cho gia đình lính một ít mắm khô, muối, gạo do anh em tù tự giác rút khẩu phần của mình. Từ vợ chúa ngục Bliô, y tá Trường đến đội trưởng và những người lính Thượng đã có cảm tình với những người cộng sản trong trại. Qua các sự việc trên, Chu Huy Mân càng hiểu thêm về tầm quan trọng của công tác dân vận, địch vận và suy nghĩ việc mình và các đồng chí khác có thể trốn trại, trở về hoạt động cho Đảng, cho cách mạng nếu làm công tác dân vận khéo và tốt.
Sau vụ vượt ngục của đồng chí Tố Hữu tại Đăk Glei, chính quyền thực dân chuyển tù nhân đến nhà ngục Đăk Tô. Tuy nhiên, ý chí vượt ngục, trở về hoạt động cách mạng vẫn nung nấu trong lòng đồng chí Chu Huy Mân. Cuối năm 1942, Ban Quản lý trại tổ chức vượt ngục Đăk Tô, đồng chí Chu Huy Mân và một số chiến sĩ cộng sản thoát khỏi lao tù thực dân, trở về tiếp tục kết nối hoạt động cách mạng. Chu Huy Mân về hoạt động và tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại Quảng Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chỉ trong vòng 10 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân chín lần bị địch bắt. Dù hoàn cảnh đầy gian khổ trong nhà giam, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn, cực hình nhưng không thể khuất phục ý chí người chiến sĩ người cộng sản. Đồng chí Chu Huy Mân luôn giữ một niềm tin son sắt vào sự thành công của cách mạng, như trong lời bài thơ: “Bạn tù đêm đêm trằn trọc; Việc gần xa, việc nước non dồn dập, Thao thức nhiều không hết nỗi băn khoăn, Nhưng lại nuôi trong cát thấy vàng”[4].
Nhật Ngọc