Người Ê Đê có rất nhiều lễ hội khác nhau và các lễ hội thường diễn ra theo chu kì sản xuất. Lễ hội Mừng lúa mới là dịp lễ quan trọng vào mùa xuân để dân làng Ê đê tôn thờ hạt thóc của thần Yang đã ban cho dân làng, đồng thời là dịp để họ cầu cho một năm mới sung túc, đủ đầy, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ cúng hồn lúa chuẩn bị trỉa hạt của người Êđê. Ảnh: Hữu Hùng (baodaklak.vn)
Có người nói, đến với Tây Nguyên là đến với lễ hội. Quả thật, đây là vùng đất của văn hóa lễ hội, nhưng nói thế đúng mà chưa hết. Cần phải thêm rằng, mỗi lễ hội ẩn chứa những nội dung sâu sắc về tập quán, đời sống tinh thần của các dân tộc. Xa hơn nữa, ở góc độ tín ngưỡng vật linh đa thần, lễ hội Mừng lúa mới của người Êđê, là sự tôn thờ, ngưỡng vọng Bà mẹ Lúa vĩ đại sinh ra từ cuộc hôn phối giữa Đất đai và thần Lúa.
Lễ hội Mừng lúa mới của người Ê đê thường bắt đầu từ cuối tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 dương lịch năm mới. Như thế, theo cách tính thời gian bằng nông lịch, người Êđê sửa soạn đón năm mới bằng một lễ hội đông vui, náo nhiệt, theo tập tục truyền thống, vừa mang tính gia đình, vừa mang tính cộng đồng đoàn kết.
Lễ hội Mừng lúa mới diễn ra tuần tự, không nhất thiết rập ràng cùng lúc giữa các buôn làng Ê đê. Thậm chí trong cùng một buôn, nhà nào rẫy lúa chín sớm, bắp thu hoạch trước đều có thể báo với buôn làng tổ chức lễ hội. Người viết bài này có may mắn được chứng kiến lễ hội hội mừng lúa mới ở buôn Dliêya (xã Dliêya, huyện Krông Năng); buôn Weo cách xa buôn Dliêya, gần trung tâm huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk.
Theo tập tục truyền thống để lại, lễ Mừng lúa mới được làm riêng ở từng gia đình. Nhưng người Êđê quan niệm việc của một nhà cũng là việc chung của cộng đồng. Dù là việc nhà song ngay từ sáng sớm nhiều người trong buôn đã đến hỏi thăm, đỡ đần công việc. Riêng các cô gái trẻ đã tề tựu đông đủ trên con đường dẫn từ buôn làng ra bến nước. Nước được gùi về trong tiếng hát mừng lễ hội rộn ràng: “Đã trọn mùa rét. Đã hết mùa lúa. Theo tục lệ xưa. Chủ làng mời cúng. Ăn mừng năm mới. Uống tháng ăn năm. Trâu đâm lợn mổ. Bà con làng họ. Ai nấy đều lo. Mừng gùi sắp sẵn. Anh em chim tơlang. Thần linh buôn làng. Nội ngoại, gái trai. Dân làng trong ngoài. Rủ nhau kéo tới. Ai có cháu con. Dạy dỗ cho tròng. Giữ gìn tục lệ. Kẻ nào chân đi không nhanh. Chạy lễ trễ tràng. Khắp làng bắt vạ…”. Trên hiên ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Êđê, già làng cùng nhiều bậc cao niên đang trò chuyện về thời tiết, mùa màng hoặc hướng dẫn cháu con chuẩn bị lễ hội. Dưới sân, lớp thanh niên trai tráng đang giết mổ heo, gà là những vật hiến tế được gia đình chỉ định dùng trong lễ cúng… Mọi việc cứ thế diễn ra, phần việc ai nấy làm, mọi người tham gia một cách tự nguyện, vui vẻ, tựa hồ như đó không phải là công việc của gia đình mà là công việc chung của cả buôn làng.
Khi những công việc cuối cùng chuẩn bị cho lễ hội hoàn tất, các gia đình trong buôn mới bắt đầu kéo đến. Mỗi gia đình một ghè rượu mừng đưa tận tay gia chủ. Và rồi tất cả được gia chủ đặt buộc thành dãy dài ngay chính giữa ngôi nhà sàn truyền thống. Một người dân trong buôn giải thích, rượu cần ủ lâu, lên men, dậy mùi thơm ngọt không chỉ là vật phẩm hiến tế thần linh mà còn là tấm lòng của người dân trong buôn dành tặng cho nhau. Mở đầu lễ hội, sau hồi chiêng chào bà con, quan khách đến dự, một thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cầu khấn, gửi đến thần linh những lời có cánh về vụ mùa may mắn, cảm ơn thần linh về một năm cũ bình yên đi qua và cầu mong những điều tốt lành sẽ đến. Sau bài khấn, theo nghi lễ truyền thống mang dấu ấn mẫu hệ, người cầm cần rượu đầu tiên là một amí, người phụ nữ có con cháu và lớn tuổi nhất trong dòng họ. Tiếp đó, cần rượu lễ tiếp tục được chuyền tay cho con gái lớn và những phụ nữ khác trong gia đình.
Khi đã xong phần nghi lễ chính thì việc ăn uống, vui chơi, tức phần “hội” bắt đầu khởi sự. Cùng hơi ấm tỏa ra từ bếp lửa hồng, cần rượu được chuyền tay và tất cả cùng lắng nghe giọng hát khan trữ tình mang đầy màu sắc huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên. Thi thoảng ai đó hứng lên xin hát một khúc eirei phiêu lãng mà nội dung kể về tháng ngày vất vả làm ra hạt lúa, niềm vui khi mùa màng bội thu, kể về tình cảm bền bỉ và chung thủy của những người con có chung dòng máu cội nguồn.
Cuộc vui cứ thế, mải miết. Tùy theo lứa tuổi, giới tính…, nhiều nhóm nhỏ được tách ra. Đây mới thực sự là những phút giây trao gởi tâm tình, mọi người cùng chuyện trò, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ và mơ màng phác thảo một tương lại tươi đẹp. Bây giờ, rượu mới tràn theo nhịp chiêng. Như lời khan già làng đang hát: “Cùng nhau uống đi, rượu ngọt như mật con ong rừng, vàng như hoa êđắp bên bờ suối. Uống cho sóng sánh mặt nước trong ché, phiêu diêu tâm trí người già và chếnh choáng những bước chân trai trẻ đang cùng nhau vui điệu camrok…”.
Trong số các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, dân tộc Ê đê chiếm số lượng lớn nhất với trên 10.000 người. Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh Đắc Lắk, người Ê đê đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong phát triển kinh tế. Nếu như trước đây, người Ê đê tập trung trồng lúa nước, khoai, sắn thì ngày nay, họ lại chú trọng vào việc khai thác và trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, tập trung vào việc chăn nuôi trâu, bò, voi... Hơn nữa, nhiều dân làng từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, tiếp nhận các tôn giáo mới như Công giáo, Tin lành… nên việc thực hiện nghi lễ truyền thống, đặc biệt là nghi lễ nông nghiệp dần bị lãng quên. Có lẽ vì vậy, số làng giữ gìn và tổ chức lễ Mừng lúa mới đều đặn hàng năm không còn nhiều.
Văn hóa là mạch nguồn truyền đời của cộng đồng qua nhiều thế hệ. Với đồng bào Ê đê, một trong những dân tộc bản địa của vùng đất nam Tây Nguyên thì văn hóa cộng đồng đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ, mãnh liệt không chỉ về văn hóa vật chất mà cả tinh thần. Lễ hội Mừng lúa mới nói riêng và nhiều lễ hội khác trong chu kỳ đời sống của người Ê đê lấp lánh những giá trị nhân văn cần được khám phá, nghiên cứu, phục dựng. Đó cũng chính phần hoa trái của cây đời xanh tươi cần được bảo lưu, gìn giữ, giúp lớp trẻ có ý thức hơn về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng, của dân tộc.
Triều Nguyễn