Đồng chí Tố Hữu từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó, có cương vị Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (1969-1977), Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (1977-1979), nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ lý luận cho Đảng và Nhà nước
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra lúc này là phải xây dựng lực lượng cán bộ lãnh đạo, cán bộ lý luận có trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị vững vàng và khả năng làm tốt công tác tư tưởng.
Với cương vị Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, đồng chí Tố Hữu đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ như: Lớp cán bộ lãnh đạo và quản lý cao, trung cấp (khóa V và VI); lớp đào tạo cán bộ trẻ; lớp đào tạo cán bộ lý luận trung cấp khóa III…1.
Ngay từ cuối những năm 1960, trước nhu cầu lớn về cán bộ, đồng chí Tố Hữu đề nghị và được Ban Bí thư Trung ương Đảng chấp nhận mở rộng quy mô đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ lý luận cho Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở đó, Trường Đảng Trung ương tại chức được thành lập và giao cho Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương đảm nhiệm giảng dạy. Trong hai năm (1971-1972), Trường Đảng tại chức Trung ương mở được hai lớp; đến năm 1972, mở được lớp học lý luận theo từng môn.
Cùng với sự thành lập Trường Đảng tại chức Trung ương, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam cũng được thành lập. Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam mở được 8 khóa học (khóa ít nhất có 50 học viên, khóa nhiều nhất có 200 học viên).
Sau Hiệp định Paris (1973), nhu cầu về cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản các vùng mới giải phóng ở miền Nam đặt ra cấp bách. Do đó, đồng chí Tố Hữu đã cho mở thêm các lớp học ngắn ngày dành riêng cho cán bộ lãnh đạo các cấp từ chiến trường miền Nam ra học và lập thêm một hệ mới gọi là “hệ đặc biệt”.
Sau năm 1975, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng lý luận trung, cao cấp cho hàng nghìn cán bộ các vùng mới giải phóng, đồng chí Tố Hữu cấp tốc chỉ đạo mở thêm cơ sở hai tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp là đồng chí Tố Hữu, các trường Đảng tỉnh, thành phố cũng được củng cố về tổ chức và nội dung, chương trình đào tạo2.
Cuối năm 1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng tuyển chọn mấy trăm sinh viên là đảng viên, đã qua chiến đấu ở các chiến trường, vừa tốt nghiệp đại học loại khá trở lên để đưa về các Trường Đảng đào tạo thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ lý luận cho Đảng và Nhà nước. Đối với lực lượng cán bộ này, đồng chí Tố Hữu chủ trương phải chú trọng trang bị lý luận cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tăng cường nghiên cứu các tác phẩm kinh điển và tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn lý luận với thực tiễn, mạnh dạn tranh luận, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và phong cách làm việc khoa học. Qua đó, làm cho mỗi người thấm nhuần sâu sắc các nguyên lý, chân lý cách mạng, có niềm tin sắt đá vào lý tưởng cộng sản, vào những điều mình sẽ truyền thụ cho người khác3.
Đồng chí Tố Hữu
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tố Hữu, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đã bồi dưỡng, đào tạo được cho Đảng và Nhà nước hàng nghìn cán bộ lãnh đạo, cán bộ lý luận, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và góp sức vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên hệ thống Trường Đảng
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Trường Đảng là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị.
Ngày 21/01/1970, trong buổi nói chuyện với các cán bộ chủ chốt của nhà trường, đồng chí Tố Hữu quán triệt: Nhà trường cần tập trung nhiều sức lực hơn nữa vào khâu đào tạo cán bộ để đủ sức đảm nhiệm việc giảng dạy cả lý luận cơ bản và đường lối, chính sách của Đảng.
Trên cơ sở đó, nhiều lớp đào tạo nghiên cứu sinh cho cán bộ, giảng viên trường Đảng được mở ra và đạt nhiều kết quả, như lớp nghiên cứu sinh Triết học và lớp Kinh tế chính trị học khóa II…4.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trường Đảng mở thêm các lớp chuyên tu. Ngày 10/01/1972, khóa chuyên tu đầu tiên khai giảng gồm 4 lớp: Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng.
Đồng chí Tố Hữu nhấn mạnh: Cán bộ, giảng viên ngoài yêu cầu năng lực, trình độ, nhiệt tình còn phải nhạy bén, chủ động nắm bắt, dự báo những vấn đề Trung ương sẽ thảo luận để vừa đóng góp với Trung ương, vừa tạo thế chủ động trong giảng dạy, truyền đạt Nghị quyết của Đảng.
Do đó, sau các kỳ Hội nghị Trung ương hoặc Đại hội, đồng chí Tố Hữu yêu cầu cán bộ, giảng viên phải có ngay bài giảng, tài liệu phổ biến, tuyên truyền, trước hết phải nắm chắc lý luận, hiểu sâu đường lối, quan điểm của Đảng. Cán bộ, giảng viên phải đi sâu nghiên cứu, làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn của các nội dung đưa vào bài giảng.
Việc đi thực tế dài hạn ở địa phương được thực hiện từ năm 1978, nhờ đó, trình độ lý luận và bản lĩnh của cán bộ, giảng viên hệ thống Trường Đảng ngày một được nâng cao và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chú trọng tổng kết thực tiễn, xây dựng Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc ngang tầm nhiệm vụ
Tại Hội nghị tổng kết giáo dục nhà trường lần thứ hai (4/1974), đồng chí Tố Hữu khẳng định: Trường Đảng không chỉ đóng vai trò là công cụ tư tưởng, công cụ giáo dục, huấn luyện, mà còn là một công cụ tổ chức của Đảng; hệ thống Trường Đảng góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trung, cao cấp hiện có, đồng thời đào tạo để bổ sung lực lượng mới, kế cận cho đội ngũ trung, cao cấp của Đảng6.
Đầu năm 1977, đồng chí Tố Hữu và Ban Giám đốc xác định nhiệm vụ trọng tâm của trường những năm trước mắt là “phấn đấu quán triệt những tư tưởng của Đại hội IV vào toàn bộ nội dung bài giảng và nghiên cứu, phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục”7.
Từ ngày 15 đến ngày 17/3/1978, Nhà trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giáo dục lần thứ ba, nhấn mạnh: Cần “quán triệt hơn nữa phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn; bảo đảm đầy đủ tính khoa học, tính chiến đấu trong nội dung giảng dạy; bảo đảm gây được phong cách suy nghĩ khoa học, độc lập và sáng tạo của người học”8.
Đồng chí Tố Hữu và vợ, năm 1965 (Ảnh tư liệu)
Việc tổng kết tiến hành theo phương thức sinh hoạt khoa học, được chuẩn bị từ các khoa, ban để phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm, tính tích cực chủ động của từng cán bộ nghiên cứu, giảng dạy.
Hội nghị khẳng định những đóng góp quan trọng của Trường Đảng, góp phần xứng đáng vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ trung, cao cấp, tăng cường sự nhất trí trong Đảng và giúp cho cán bộ hoàn thành các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Các khoa đã quán triệt, vận dụng những nội dung, phương hướng trong cải tiến công tác giáo dục vào việc biên soạn giáo trình, nghiên cứu khoa học, cải tiến phương pháp sư phạm và tổ chức quản lý quá trình giáo dục…
Lãnh đạo công tác sơ tán và nhanh chóng ổn định tổ chức, mở rộng quan hệ quốc tế với Trường Đảng các nước trên thế giới
Năm 1972, Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Trường Đảng lại phải sơ tán. Nhờ kinh nghiệm sơ tán lần trước, đồng chí Tố Hữu lãnh đạo cán bộ, nhân viên và học viên nhanh chóng ổn định nơi ăn, chốn ở, sớm đi vào học tập, nghiên cứu và đóng góp công sức vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Từ năm 1973, thực hiện sự chủ trương của Trung ương Đảng, đồng chí Tố Hữu cùng Ban Giám đốc Trường Đảng đẩy mạnh mở rộng quan hệ quốc tế với Trường Đảng các nước anh em trên thế giới. Nhiều Đảng anh em, nhiều tổ chức cách mạng ở các nước châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh đã cử cán bộ đến Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng nước ta, nhất là kinh nghiệm cách mạng dân tộc dân chủ, kinh nghiệm chiến tranh nhân dân. Trung ương Đảng giao cho nhà trường cùng một số cơ quan có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của các đoàn bạn9.
Là một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trong gần 70 năm hoạt động cách mạng qua nhiều cương vị và lĩnh vực công tác, trong đó có thời gian khá dài làm Giám đốc Trường Đảng, đồng chí Tố Hữu đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Nhiều học viên sau này trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, như đồng chí Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Nông Đức Mạnh, Trương Quang Được, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Trương Mỹ Hoa…10.
Với những đóng góp to lớn trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Sao Vàng.
Trọng Hùng
1, 4, 6, 9, 10 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 65 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.38, 38, 44, 40, 44.
2, 3, 5 Trường Đại học Hồng Đức: Tố Hữu nhà thơ lớn của nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.17-18, 19-20, 18-19.
7, 8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.29, tr.640, 421-422.