Những tư tưởng về CNXH mang tầm cao của tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn
Không phải ngẫu nhiên mà vào dịp nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (16-5-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố một tác phẩm rất quan trọng với nhan đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Điều đó phải chăng phần lớn xuất phát từ lý do lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tâm huyết, sự tin tưởng và khát vọng về xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp ở Việt Nam - chế độ xã hội XHCN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ nội hàm của chế độ XHCN mà nhân dân ta luôn hướng tới là: “Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”, hay “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”. Từ đó, Người đi đến khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Đặc biệt hơn nữa, với tư duy độc lập, sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH thành tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây cũng chính là nét đặc sắc nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH.
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta cũng luôn kiên định, kiên trì đi lên xây dựng CNXH. Ngay cả trong thời điểm cam go nhất vào năm 1991 khi CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn luôn khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử” và “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Là người đứng đầu Đảng ta trong suốt hơn 13 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn kiên định với lập trường của một người cộng sản. Đó là tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã lựa chọn - đi theo con đường CNXH. Có thể khẳng định, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” vừa là sự kết tinh tư tưởng lý luận xuất sắc trên cơ sở kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời cũng chính là kết quả của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn cách mạng nước ta trên nhiều cương vị công tác quan trọng của Tổng Bí thư.
Trong bài viết, Tổng Bí thư đã lần lượt đặt ra những câu hỏi lớn và tập trung lý giải từng câu hỏi bằng những lập luận sắc bén và bằng sự kiên định của một người cộng sản kiên trung. Đó là: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam? Trên cơ sở phân tích bản chất của chủ nghĩa tư bản, những đặc trưng của chế độ XHCN mà chúng ta đang xây dựng, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra những đặc điểm ưu việt, riêng có của CNXH mà không phải chế độ xã hội nào cũng có được.
Đó là một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.
Với việc chỉ ra những đặc điểm nổi bật đó, Tổng Bí thư không chỉ vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH mà còn kế tục xuất sắc khát vọng của Người về một chế độ xã hội tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam.
Tăng thêm sức mạnh cho cả dân tộc đi lên xây dựng CNXH
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là một tất yếu khách quan. Đi lên theo định hướng XHCN là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. và “Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
Đây là một luận điểm quan trọng đã chỉ ra cách thức, nguyên tắc trong xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đó là không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố XHCN, để cho những nhân tố đó ngày càng chiếm ưu thế và đi đến chiến thắng trong các mặt của đời sống xã hội. Để làm được điều đó cần phải có đường lối lãnh đạo đúng đắn, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Đây là một trong những nguyên tắc phương pháp luận quan trọng đã được đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra, qua đó cho thấy không chỉ là kết quả của quá trình phát triển tư duy lý luận mà còn cả tổng kết thực tiễn từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây.
Từ việc nhận định: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”, bài viết đã chỉ ra những cách thức, giải pháp để xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay.
Theo đồng chí Tổng Bí thư, điều quan trọng nhất là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Ngoài ra, cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.
Đúng như Tổng Bí thư khẳng định, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam tuy còn rất lâu dài với nhiều khó khăn, thử thách; các nhân tố XHCN được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi XHCN, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Mặt khác, các thế lực thù địch lại thường xuyên phủ nhận, chống phá con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Tuy nhiên, những tư tưởng của Tổng Bí thư về CNXH chính là nguồn cổ vũ, động viên, tạo thêm động lực để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng thành công CNXH đúng theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một trái tim lớn đã ngừng đập, đưa người cộng sản kiên trung, mẫu mực ấy trở về với “thế giới của người hiền” nhưng tư tưởng, khát vọng về CNXH của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp đổi mới, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chúng ta - mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn để góp phần phần xây dựng thành công CNXH trong tương lai.
Chiên Lê
(Theo hanoimoi.vn)