Tháng Năm về ngào ngạt những mùa sen, và đâu đâu ta cũng nghe những lời ca ngọt ngào, những tiếng thơ hay về Bác. Bác luôn luôn ở trong trái tim, trong mỗi cuộc đời mỗi người dân Việt Nam, nhưng tháng Năm đến, nỗi nhớ Người lại thêm phần thiết tha, da diết. Mỗi ca từ, vần điệu cất lên tựa như những cung bậc cảm xúc chúng con trào dâng, bổng trầm hòa quyện, để rồi làm cho bao sóng mắt cay cay… Càng nhớ về Người, ta càng thấy mình thêm yêu Tổ quốc, trân trọng hơn những thành quả đã đạt được trong quá trình đất nước ta đổi mới đi lên.
Hình ảnh Bác Hồ bên các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu.
“Từ làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát/ Hương đóa sen thanh bạch Hồ Chí Minh”[1]. Hồ Chí Minh – Người đã sống một cuộc đời bình dị, thanh cao mà vĩ đại như thế… Cuộc đời ấy “trong như ánh sáng, như pha lê” và tuyệt nhiên không một vết gợn. Người sống một cuộc đời giản dị “Mong manh áo vải, hồn muôn trượng”, nhưng lại vĩ đại, lớn lao “ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Ngoài sự giản dị ấy, ở Bác còn toát lên sự “lão thực – hiền minh", là “nền văn hóa của tương lai”. Người mang tầm vóc của một anh hùng giải phóng dân tộc, con người vì hoà bình, danh nhân văn hoá kiệt xuất. Người đã sống “như trời đất của ta”, như quê hương đất nước này, bờ cõi non sông này: Bình dị, đẹp tươi mà cũng rất đỗi kiên cường, khoan dung, độ lượng. Vẻ đẹp ấy là trường tồn, vẻ đẹp ấy là bất diệt.
Cuộc đời “79 mùa xuân” của Người thật lớn lao và cao cả. Cho dến những giây phút cuối đời, mong ước tột cùng của Người và cũng là lẽ sống để Người hy sinh tất cả, đó chính là độc lập tự do cho dân tộc ta, nhân dân ta có cơm ăn áo mặc, trẻ em thơ được đùa vui, học hành:
“Nước độc lập, tự do, dân no ấm học hành
Một đời Bác, chỉ lòng ham muốn ấy
Có lẽ hôm nay, giữa giấc yên lành
Người vẫn nghĩ... như Người hằng sống vậy” [2]
Phong cách Hồ Chí Minh, minh triết Hồ Chí Minh, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh… cho đến hôm nay vẫn luôn tràn đầy sức sống, nhân văn, đầy tính cách mạng và khoa học, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
Những thành tựu lớn lao của Đảng và nhân dân ta qua gần 40 năm đổi mới thể hiện sự kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những thành tựu to lớn đó như là cách mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dâng lên Người với tấm lòng mến yêu, tự hào và tôn kính nhất. Tri ân Người và cũng để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của Người, chúng ta luôn ghi nhớ khắc sâu từ trong huyết quản về những lời dặn dò của Bác. Kho tàng tư tưởng của Người mãi là ngọn đuốc tiếp tục soi đường cho dân tộc ta đi, đặc biệt là những tư tưởng về xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng, tư tưởng về dân chủ, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tư tưởng xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Mong ước của Hồ Chí Minh là “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”. Vì vậy ngày nay, để thực hiện ước mong của Người về việc xây dựng một Việt Nam “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phồn vinh hạnh phúc như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực đoàn kết phấn đấu, tạo nên sức mạnh tổng hợp để dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Các chính sách từ kinh tế, văn hóa, xã hộị… đều hướng đến mục tiêu cuối cùng và cao cả nhất của chủ nghĩa xã hội là phục vụ nhân dân, giải phóng con người, xã hội thực sự dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Ảnh tư liệu.
“Đảng có vững cách mệnh mới thành công”: Tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện về mọi mặt. Cán bộ đảng viên thấm nhuần sâu sắc về đạo đức cách mạng, về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, giữ vững phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”. Cán bộ đảng viên tu dưỡng tốt là góp phần xây dựng Đảng ta vững mạnh, thực sự “là đạo đức”, “là văn minh”. Chúng ta càng khắc cốt ghi tâm về những lời dạy của Người, không ngừng lan tỏa những giá trị tư tưởng trường tồn này đến với quần chúng nhân dân cũng như cho những thế hệ cách mạng kế cận.
“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”: Vì vậy, trong mọi việc cần “lấy dân làm gốc”. Gần dân, thân dân và dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mọi chủ trương chính sách đều hướng đến phục vụ lợi ích cho dân cũng như tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Một khi nhân dân đã đồng thuận, cùng “liệu“, cùng lo thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua, mọi kẻ thù đều sẽ đánh thắng.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, và “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ” trong quan điểm ngoại giao. Giữ vững tính nguyên tắc, kiên định, vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược cách mạng. Đồng thời đó còn là sự vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến); là ngoại giao tâm công giúp thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý.
“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng song hành với quá trình bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, cần luôn nâng cao ý thức bảo vệ những thành quả của cách mạng, thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng… Đây không chỉ là cách thể hiện trách nhiệm, sự tri ân với các thế hệ cha anh đi trước, đó cũng là cách để tỏ lòng tôn kính Người, sao cho xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của Người – Người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
''Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta, đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” [3]. Hồ Chí Minh – Người sống mãi trong muôn triệu trái tim và Người mãi lá ánh dương soi đường cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kết đoàn vững bước trên hành trình xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hạnh phúc, phồn vinh. Người mãi là đài hoa sen thanh bạch tỏa ngát hương cho đời.
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn !
[1] Từ Làng sen, Phạm Tuyên
[2] Một khúc ca xuân, Tố Hữu, 1977.
[3] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu Hồ Chủ Tịch
Nhâm Hồ