Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sau khi thống nhất với Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý khu Công nghệ cao.
Đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Trong đó gồm giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ làm việc trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 32 Bộ luật Lao động; hoặc người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Người gặp khó khăn nhận gạo miễn phí tại "ATM gạo". Ảnh: Phạm Ngôn. |
Có 3 điều kiện để áp dụng. Thứ nhất, người lao động phải có thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên tính từ ngày 1/4/2020 đến hết 30/6/2020. Thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/2 đến hết 31/5 (trừ trường hợp lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng).
Thứ hai, có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Và thứ ba, người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng và được chi hàng tháng theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương, tối đa không quá 3 tháng từ tháng 4-6/2020.
Để nhận khoản hỗ trợ này, người lao động phải có đơn đề nghị được hỗ trợ trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương gửi đến người sử dụng lao động.
Sau đó, người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng/nghỉ việc không lương; công khai tại doanh nghiệp; đề nghị công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận.
Với người sử dụng lao động có trụ sở trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Ban quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp, Ban quản lý khu Công nghệ cao thành phố. Với người sử dụng lao động ngoài các nơi trên thì gửi đến UBND quận, huyện nơi đặt trụ sở chính.
Trong 15 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm định, quyết định và chuyển kinh phí hỗ trợ cho người lao động theo danh sách đã phê duyệt. Trong trường hợp không hỗ trợ, cơ quan phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Riêng với nhóm giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ có cơ sở trên địa bàn phường, xã sẽ do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện phụ trách chuyển kinh phí.
Theo zingnews.vn