Nhiều nơi còn kêu gọi mọi giai tầng xã hội tự nguyện cống hiến công sức, tiền của để tất cả cùng nhau làm việc nghĩa cao đẹp. Thấy việc nghĩa mà không ra tay thì làm sao mà thành người dùng được “Những thương gia, kỹ nghệ gia giàu có, mà từ trước bị xã hội coi thường là “trọc phú”, ích kỷ, chỉ bo bo giữ lợi cho mình, thì đều được hội chiếu cố mà cung cấp cơ hội cho thành những Mạnh Thường Quân. Những ca nhạc sĩ, kịch sĩ cũng được hội kêu gọi lòng hào hiệp để hăng hái tham gia và đem tài giúp tổ chức những cuộc vui tưng bừng náo nhiệt trong thành phố. Nào những buổi lễ phát thưởng trong dịp mãn khóa, nào những buổi nhóm họp các ban hay toàn hội, nào những buổi tổ chức những cuộc vui hàng tháng lấy tiền sung quỹ, nào những buổi lễ ra mắt các ban, các chi hội… Do đó “phần lớn mà cả xã hội đã có một không khí Truyền bá Quốc ngữ”[1].
Nguyễn Văn Tố cùng các cộng sự dồn tâm huyết, quyết tâm phát hành sách, báo; thành lập nhà in; thành lập hội dịch thuật sách phổ thông Pháp học ra chữ quốc ngữ; truyền bá tư tưởng học thuật phương Tây cho nhân dân Việt Nam.
Do đường lối, chủ trương, tôn chỉ của Hội, rồi của Tổng Hội rất thiết thực, người đứng đầu là Cụ Nguyễn Văn Tố quang minh, chính trực, ngay thẳng, xác định rõ mục tiêu của Hội là vì dân chúng, đáp ứng nhu cầu phụng sự nhân sinh, khai mở dân trí, Hội đã phát triển nhanh chóng. Trong những năm 1940 – 1944, Hội lần lượt mở thêm 20 chi nhánh ở Bắc Kỳ, 6 chi nhánh ở Trung Kỳ và 1 chi nhánh ở Nam Kỳ.
Trang sách với bên trái là chữ La tinh, bên phải là chữ Quốc ngữ (Ảnh Wiki)
Theo điều lệ Hội, việc tổ chức các lớp học, các buổi hội thảo không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh. Thành viên của Hội gồm tất cả các cá nhân mọi quốc tịch, không phân biệt giới tính, không hạn chế số lượng. Mặc dù bề ngoài là một hội được thành lập một cách hợp pháp, nhưng hoạt động của Hội bị Sở Mật thám Bắc Kỳ theo dõi sát sao. Chính quyền Pháp nghi ngờ đây là một hội của những người theo Chủ nghĩa Stalin không có lợi đối với chính sách của Pháp thời kỳ đó. Do đó, hầu hết các thành viên của Hội đều nằm trong danh sách theo dõi của mật thám Pháp, đặc biệt là một số chí sĩ cách mạng, nhà yêu nước như Đặng Xuân Khu, Đặng Thai Mai, Chu Văn Tập, Võ Nguyên Giáp, Ngô Thúc Địch…[2].
Mặc dù bị mật thám Pháp theo dõi nhưng Hội vẫn tổ chức nhiều hoạt động rầm rộ để tuyên truyền việc học chữ Quốc ngữ, đồng thời tuyên truyền tư tưởng yêu nước cách mạng. Chương trình hoạt động của Hội tập trung vào các hoạt động: Mở lớp học vào buổi tối với hình thức giống như các lớp mẫu giáo để tạo điều kiện cho học trò vì hầu hết họ là nhưng người nghèo và phải đi làm thuê. Học trò được cung cấp miễn phí tất cả các đồ dùng cần thiết như sách, vở, quản bút. Việc giảng dạy những khái niệm về chữ Quốc ngữ theo phương pháp hợp lý hơn phương pháp truyền thống, theo sách tập đọc do Hội ấn hành, giữ vị trí vượt trội trong chương trình vì đó là mục đích chính của Hội và là một loại “vườn ươm” chương trình giáo dục sơ đẳng; Tổ chức các cuộc diễn thuyết để truyền bá tôn chỉ hoạt động của Hội, chủ yếu vào các buổi phát phần thưởng hoặc những hôm tổ chức cổ động; Xuất bản sách; Lập thư viện bình dân...Công việc nặng nề nhất của Hội là tổ chức các lớp học.
Ở Bắc Kỳ, Hội bắt đầu mở lớp vào ngày 09/7/1938, tại Hội quán Tri trí và Trường tư thục Thăng Long. Sau khoá học 4 tháng đầu tiên này, khoá thứ hai tăng lên ở 4 khu trường và đến khoá 5 thì được tổ chức tại 12 khu trường. Khoá 6 (năm 1941) tăng lên ở 14 khu và khoá 7 tăng vọt lên ở 33 khu trường, gồm 68 lớp, tổng số học sinh lên đến hơn 3.000 mỗi khoá[3] .
“Để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa và mở rộng việc truyền bá chữ Quốc ngữ cho những người kém năng khiếu trong cuộc sống, Hội đã ưu tiên hướng dẫn các em học sinh học thực hành với các môn học không bắt buộc để hiểu về những khoa học thường thức. Thực thế cho thấy Hội đã quan tâm đến điều kiện đặc biệt cho học sinh là người lớn và những kiến thức cần thiết trong nghề nghiệp của họ. Hội đã cố gắng để đáp ứng những yêu cầu đó và chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên Hội đạt được thành tích hoàn hảo này. Thực thế Hội còn nhiều việc phải làm nhưng những kết quả đạt chỉ là sự khích lệ các giáo viên tình nguyện. Niềm tin cùng với công việc mà các giáo viên đã thực hiện đã lý giải cho những tiến bộ đã đạt được”[4].
Ở Trung Kỳ, đầu năm 1940, Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập, Hội trưởng là Thi bá Nguyễn Phúc Ưng Bình, bút hiệu Thúc Gia Thị. Tại đây có 6 chi nhánh của Tổng Hội mà Huế là Chi hội đầu tiên, tiếp đó các chi hội ở Quảng Nam, Vinh, Đồng Hới, Quy Nhơn và Khánh Hòa lần lượt được thành lập[5]. Đến năm 1942, số lượng hội viên đã lên đến 7.500 người, trong đó có khoảng 4.000 hội viên đóng hội phí đều. Tuy nhiên, số tiền hội phí thu được không đủ chi cho các hoạt động của Hội. Do đó, Hội cần sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và tiền thu được từ các buổi chiếu bóng, từ việc phát hành vé số….
Ở Nam Kỳ, đầu năm 1944, Hội Truyền bá Quốc ngữ mới được hình thành do ông Nguyễn Văn Vỹ (1895-1976), còn gọi là Michel Văn Vỹ, quốc tịch Pháp đứng đầu[6]. Công việc chính của Hội không chỉ là truyền bá và dạy chữ quốc ngữ cho đồng bào thất học ở đất Sài Gòn, Gia Định, mà còn lan dần ra các tỉnh khác ở Nam Kỳ.
Như vậy, dưới danh nghĩa là một hội văn hoá, giáo dục, nhưng thực chất đây là một tổ chức chính trị có sự tham gia của nhiều nhà chính trị, Hội đã đóng góp rất lớn cho Đảng và Cách mạng bằng việc tuyên truyền giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh trong quần chúng nhân dân lao động. Hội Truyền bá Quốc ngữ đã thành lập được các cơ sở ở cả ba miền đất nước; đã biên soạn được phương pháp mới dạy vần quốc ngữ thích hợp với người lớn, một số sách tập đọc, sách thường thức, mở được một số thư viện bình dân; giúp hàng chục nghìn người biết chữ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ lâm thời và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ông đã tổ chức vận động nhân dân chống “giặc đói” và “giặc dốt”. Ngày 08/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để “diệt giặc dốt”, chống mù chữ, bằng việc học chữ quốc ngữ. Từ đây, chữ Hán và chữ Nôm mất đi địa vị của mình, chữ quốc ngữ chiếm địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam.
Một lớp học chữ quốc ngữ sau Cách mạng Tháng Tám (Ảnh tư liệu)
Việc truyền bá học chữ quốc ngữ lúc bấy giờ được xem như một nền tảng vững chắc để giúp cho người dân giác ngộ cách mạng vùng lên tranh đấu. Những kinh nghiệm phong phú của Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa đơm hoa kết trái, vang dội cả thế giới. Đó là một mốc son về văn hóa - giáo dục của nước nhà.
Tháng 9/1945, chỉ ở Hà Nội đã có hơn 2.000 thanh niên, nam nữ xung phong làm giáo viên giảng dạy, phát hành hàng vạn sách học đánh vần, đáp ứng yêu cầu của hàng nghìn lớp học tại các gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đình, chùa… thu hút hàng vạn người theo học vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối, nhờ đó đã xoá mù chữ cho hàng triệu người.
Là người có uy tín, có kinh nghiệm trên lĩnh vực hoạt động văn hóa- xã hội, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 02/3/1946, các đại biểu đã nhất trí bầu Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Ông trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chính phủ rời lên Chiên khu Việt Bắc. Cuối năm 1947, khi Nguyễn Văn Tố hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời điếu với niềm trân trọng và tiếc thương sâu sắc: "Nhớ cụ xưa - Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu - Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết - Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng - Phú quý công danh, cụ nào có thiết - Ðến ngày dân tộc giải phóng thành công - Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc - Giữ chức Bộ trưởng thì cụ ngày ngày gần gũi nhân dân - Ðại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết... Quân địch ào ào tấn công - Trong vùng cụ đang làm việc - Chúng tra tấn cụ cực kỳ tàn khốc, dã man - Cụ trả lời chúng bằng nụ cười oanh liệt - Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa - Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt - Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh nho - Cho nên Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc"[7].
Dân tộc Việt Nam có được chữ viết thuận lợi và tiện ích như ngày nay là nhờ vào các thế hệ trí thức người Việt đã tận tâm, tận lực, dồn bao tâm huyết cải tiến, cổ vũ và phát triển chữ quốc ngữ đến với mọi tầng lớp nhân dân; từ thành thị đến nông thôn; từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, mà trong đó ngời lên hình ảnh sâu đậm nhất, tiêu biểu nhất là Cụ Nguyễn Văn Tố. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Cụ Nguyễn Văn Tố rất phong phú trên nhiều lĩnh vực, để lại những giá trị cao quý cho nền văn hóa Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là vai trò Hội trưởng, gắn sự ra đời và hoạt động của Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938-1945).
Đặng Hoàng
[1] Văn học sử thời kháng Pháp, Lê Văn Siêu, Nxb. Trí Đăng, Sài Gòn, 1974, tr. 375.
[2] MHN-2865, TTLTQGI
[3] MHN-2865-02, TTLTQGI
[4] Tuần báo Đông Dương, số 77, ra ngày 19 - 2 - 1942
[5] Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd. tr.154, 1048
[6] Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd. tr.154, 1048
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 544.