Sóc Sơn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có lịch sử ngàn năm văn hiến lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), quân và dân huyện Sóc Sơn anh dũng bất khuất bám đất, bám làng chiến đấu, lập nhiều chiến công. 70 năm đã trôi qua, quân và dân Sóc Sơn tự hào không chỉ trực tiếp tham gia kháng chiến mà còn phục vụ kháng chiến, góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã (4/7 -27/7/1954)
Sau chiến thắng vang dội của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ, Hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được tiến hành tại Geneva (Thụy Sỹ). Các bên tham gia thương lượng tại Hội nghị đều nhất trí cần tổ chức một hội nghị quân sự tại chỗ để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến Việt Nam, đó là lý do Hội nghị quân sự Trung Giã[1] được tổ chức.
Trước đó, trong các ngày từ 19 đến 24/6//1954, các cuộc họp sơ bộ chuẩn bị cho Hội nghị quân sự Trung Giã đã diễn ra ở làng Ninh Liệt, huyện Đa Phúc trên Quốc lộ số 3. Đoàn đại biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam do Trung tá Lê Minh (tức Lê Minh Nghĩa), đại diện Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, về phía Pháp, đại diện Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương là Thiếu tá Jacquin.
Cuộc họp sơ bộ đã đi đến thống nhất chung như sau: Hội nghị quân sự tại chỗ sẽ diễn ra tại làng Trung Giã, cách huyện Ða Phúc 6 km về phía Bắc trên Quốc lộ số 3; ngày diễn ra phiên họp đầu tiên được ấn định là ngày 28/06/1954, lúc 9 giờ sáng theo giờ Sài Gòn.
Công tác chuẩn bị an ninh cho Hội nghị Trung Giã được hai bên nhất trí như sau: Một khu vực phi quân sự được lập quanh địa điểm diễn ra hội nghị trong khu vực hình vuông có diện tích 4 km2, đặt dưới quyền kiểm soát của một đơn vị hỗn hợp gồm hiến binh Pháp và cảnh sát quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập trên nguyên tắc bình đẳng về quân số, vũ khí và chỉ huy. Hai bên cam kết tôn trọng kỷ luật chung để bảo đảm hội nghị khai mạc đúng kế hoạch, cũng như thống nhất về các biện pháp an ninh cần triển khai cho tổ chức hội nghị. Các thảo luận sẽ diễn ra bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, với các phiên dịch riêng rẽ của từng bên. Biên bản sẽ được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, cả hai biên bản có giá trị pháp lý như nhau. Còn hai vấn đề chưa đạt được sự thống nhất nên phải chờ chỉ đạo của chỉ huy cấp cao hai bên (Một là các lá cờ được trưng tại hội nghị; hai là số lượng đại biểu, chuyên gia, thư ký, phiên dịch”[2],…
Thiếu tướng Văn Tiến Dũng và Đại tá Lennuyeux tại Hội nghị Trung Giã (Ảnh tư liệu /Tạp chí Life)
Xã Trung Giã nằm ở phía Bắc huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tiếp giáp xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, giáp chiến khu Việt Bắc, an toàn khu Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái; lúc đó là tuyến đầu của vùng tự do đã được hoàn toàn giải phóng từ năm 1952; nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng và có vị trí địa lý là vùng đồi núi trung du, cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Với vị trí như vậy, Trung Giã trở thành "khu đệm" giữa vùng địch tạm chiếm và vùng kháng chiến của ta. Đồi Xuân Sơn, xã Trung Giã, nơi tổ chức Hội nghị quân sự Trung Giã cách không xa trục đường Quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên), tiện lợi về giao thông, lại ở giữa Hà Nội và Thái Nguyên, cách mỗi địa điểm khoảng hơn 30 km, thuận lợi cho phái đoàn đàm phán các bên khi phải di chuyển.
Ngay sau khi được chọn là nơi tổ chức Hội nghị, tháng 6/1954, Huyện ủy, Ủy ban hành chính, Mặt trận huyện Đa Phúc (nay là huyện Són Sơn) do các ông: Nguyễn Văn Tỵ - Chủ tịch huyện; ông Nguyễn Văn Thư - Chủ nhiệm Việt Minh (nay là Mặt trận Tổ quốc) huyện và Huyện đội Đa Phúc do ông Huệ - Huyện đội trưởng kiêm Đại đội trưởng Đại đội 472 bộ đội địa phương đã trực tiếp về Trung Giã và Hồng Kỳ làm việc với lãnh đạo của hai xã triển khai công việc.
Về địa điểm Hội nghị: tại Khu đồi Đá Ong phía Nam thôn Xuân Sơn của xã Trung Giã tiếp giáp với các thôn Hương Ninh và xóm Ấp Chùa của xã Hồng Kỳ, khu đồi gò rộng khoảng 100 ha được chia làm 2 khu: Khu ngoài rộng khoảng 30 ha giáp Quốc lộ 3 và đường vào khu trong dài khoảng 300 m là nơi dân quân du kích và Đại đội 472 của huyện đội bảo vệ, là nơi tập trung nhân dân đến để nghe lãnh đạo huyện tuyên truyền, nơi tập trung diễn văn nghệ các tối trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị. Khu trong rộng khoảng 60 -70ha, là nơi xây dựng lán trại của đoàn ta và giành chỗ cho đoàn quân đội Pháp, căng các nhà bạt dã chiến[3].
Về thi công xây dựng lán trại: Huyện ủy, Ủy ban Hành chính, Mặt trận Việt Minh huyện đã huy động khoảng 30 thợ tại thôn Thu Thủy của xã Xuân Thu có nghề truyền thống làm nhà và đồ dùng bằng tre lên làm việc. Tre, nứa, lá cọ được các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Trung Giã và cả huyện Phổ Yên đóng góp.
Chỉ trong thời gian rất ngắn đến cuối tháng 6/1954, khu lán trại của Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam gồm: hai dãy lán đủ cho hai trung đội của Đại đội 472 bộ đội địa phương nghỉ ngơi và làm công tác bảo vệ (vòng 2). Một dãy nhà ăn và nhà bếp phục vụ đủ cho đoàn trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị. Có giếng nước to do dân quân xã Trung Giã đào, còn tồn tại đến những năm 1960. Một dãy lán rộng khoảng 50m2 làm Hội trường để hai phái đoàn họp. Một dãy lán sát Hội trường về phía Tây cạnh lán của Đại đội 472 làm nơi nghỉ của Trung đội Cảnh vệ Sư đoàn 308, do Thiếu úy Lê Tiến Trọng (quê Sơn Tây) làm Trung Đội trưởng bảo vệ (vòng 1) của phái đoàn Việt Nam. Lán có phòng riêng để Thiếu tướng Văn Tiến Dũng và Phái đoàn nghỉ ngơi, thảo luận riêng sau mỗi buổi làm việc[4].
Công tác bảo vệ toàn tuyến từ đầu cầu Đa Phúc đến xã Tiên Dược (trong đó đặc biệt là sân bay Lương Châu đến đường ven chân Núi Đôi ra tới huyện lỵ Đa Phúc), qua xã Phù Linh, Tân Minh, Hồng Kỳ đến khu vực diễn ra hội nghị) do dân quân du kích xã Lạc Long (nay là xã Tiên Dược và Phù Linh) và xã Trung Giã đảm nhiệm. Khi đó, ông Phạm Văn Tính - Thường vụ Đảng ủy, Xã đội trưởng chi huy dân quân du kích hàng trăm người của cả 2 xã Trung Giã và Hồng Kỳ bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Đoàn Quân sự của ta từ cầu Đa Phúc về đến địa điểm diễn ra Hội nghị khoảng 3km. Đặc biệt bảo vệ an toàn tuyệt đối vòng ngoài trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị.
Công tác tuyên truyền, do Ông Nguyễn Văn Thư - Thường vụ Huyện ủy Đa Phúc, Chủ nhiệm Việt Minh cùng lãnh đạo xã Trung Giã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho nhân dân của hai xã Hồng Kỳ và Trung Giã trước, trong và sau Hội nghị, cụ thể: Từ tháng 6, các thôn của hai xã Hồng Kỳ và Trung Giã đã được lãnh đạo huyện và xã tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Hội nghị, đặc biệt tạo ra bầu không khí vui mừng, phấn khởi, hân hoan chào đón hòa bình, độc lập của đất nước trong nhân dân, gây tiếng vang trong huyện, với cả phái đoàn quân sự của Pháp.
Thiếu tướng Văn Tiến Dũng tại Hội nghị (Ảnh tư liệu)
Sáng ngày 4/7/1954, nhân dân huyện Đa Phúc - Kim Anh đã tập trung từ sáng sớm với cờ hoa, biểu ngữ kéo dài hàng cây số từ phố Nỷ theo Quốc lộ 3 đến đường vào khu vực diễn ra Hội nghị hân hoan đón Đoàn đại biểu quân quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm Trưởng đoàn. Đoàn gồm có Đại tá Song Hào, Chính ủy Sư đoàn 308, Phó trưởng đoàn và các thành viên: Đại tá Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Trung tá Nguyễn Văn Long, đại diện Cục Tác chiến, Trung tá Lê Minh Nghĩa, đại diện Cục Quân huấn; bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu, đại diện Cục Quân y; Nhà báo Hồng Hà, cùng phóng viên Việt Nam Thông tấn xã được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, báo chí Việt Nam; phiên dịch của Đoàn là thiếu tá Lê Văn Lợi; ngoài ra còn có Thiếu tá Vũ Xuân Vinh làm thư ký, Đại úy Trần Tuấn Anh ghi tốc ký và một số sỹ quan khác[5].
Theo một số nhân chứng kể lại thì Đoàn tiến vào khu vực Hội nghị trên mấy chiếc xe Jep (đều là xe thu được của địch) trong tiếng reo hò vui mừng của bà con nhân dân đứng chật hai bên đường phấn khởi ngắm nhìn, hân hoan chào đón. Chiếc xe con mui trần do Đại đội trưởng Đại đội 472 là đồng chí Huệ và Trung Đội trưởng là đồng chí Sỹ dẫn đầu từ từ theo Quốc lộ 3 ngược lên phía Bắc.
Khi cách Huyện lỵ khoảng 200m, theo lệnh đồng chí Huệ, toàn bộ chiến sĩ đứng dậy trên xe và bồng súng ngoảnh mặt về hướng Tây đưa tay lên vành mũ chào và hô vang khẩu hiệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm" (3 lần) trước sự ngỡ ngàng của Phái đoàn quân sự Pháp.
Khi họ nhìn theo về hướng Tây thấy một dòng chữ rất lớn được xếp bằng đá trắng trên lưng chừng giữa 5 qủa núi, mỗi núi có 1 chữ to "Hồ - Chí - Minh - Muôn - Năm". Với lòng ngưỡng mộ, tôn kính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng có nhiều năm tham gia hoạt động tại Pháp và như một phản xạ có điều kiện, Phái đoàn quân sự Pháp và lính lê dương trên các xe đồng loạt đứng nghiêm, đưa tay lên mũ kính cẩn chào đến khi đoàn xe tiến đến địa phận thôn Phù Mã cách vài trăm mét, họ mới thôi chào. Đại tướng Len-nuy-ơ trên đường đến địa điểm Hội nghị Trung Giã đã luôn miệng thốt lên: “Thật kỳ diệu về sự kính trọng và tin yêu của người Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Dòng chữ đó còn tồn tại đến những năm 70 và sau bị che khuất bởi rừng thông của Nông trường Sóc Sơn sau này.
Tại Bãi Đa (nay là thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã), từ ngày 4/7 đến ngày 27/7/1954, Hội nghị quân sự Trung Giã đã diễn ra. Sau 24 ngày, Hội nghị quân sự Trung Giã đã thống nhất được các nội dung: Một là, bàn và đi tới những đề nghị về tất cả các vấn đề quân sự do hội nghị Geneva đặt ra; Hai là, bàn và quyết định biện pháp thực hiện những vấn đề quân sự mà hội nghị Geneva đã thoả thuận; Ba là, bàn và giải quyết những vấn đề quân sự khác do tình hình quân sự tại chỗ đặt ra.
Hai bên cũng thoả thuận những vấn đề được bàn tiếp gồm: Vấn đề tù binh; vấn đề thực hiện ngừng bắn; vấn đề điều chỉnh khu vực tập kết quân hai bên; vấn đề Uỷ ban liên hợp quân sự hai bên; các vấn đề khác do hội nghị Uỷ ban quân sự hai bên ở Geneva hoặc hội nghị quân sự tại chỗ (Trung Giã) thấy cần thiết đặt ra.
Vinh dự và tự hào được chọn là nơi tổ chức Hội nghị quân sự quan trọng của Đảng giao phó, mặc dù chịu sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, cửa nhà, thóc lúa của nhân dân bị cướp phá nặng nề, song nhân dân Sóc Sơn đã nêu cao tinh thần chiến đấu, xả thân vì độc lập tự do, bảo vệ an toàn cho cuộc đàm phán thành công. Trong suốt thời gian trước khi diễn ra hội nghị đông đảo nhân dân trong huyện được tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của hội nghị, tạo ra bầu không khí vui mừng, phấn khởi hân hoan chào đón hòa bình, độc lập của đất nước.
Với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh chính nghĩa, quân và dân Sóc Sơn dốc lòng, dốc sức, chuẩn bị nhân lực, tài lực và vật lực trong điều kiện tốt nhất có thể. Quân dân địa phương đã tích cực chuẩn bị thực hiện các phương án bảo vệ và phục vụ hội nghị, trong đó, lực lượng dân quân du kích và Đoàn thanh niên xã đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ.
Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp, lên phương án bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Lực lượng dân quân du kích xã Trung Giã được giao nhiệm vụ tuần tra, canh gác 24/24h, tuyên truyền, vận động nhân dân các thôn, xóm đảm bảo tốt an ninh trật tự trong thời gian diễn ra hội nghị. Không chỉ tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo vệ, phục vụ hội nghị, nhân dân Trung Giã còn cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian diễn ra hội nghị.
Minh Dương
[1] Dẫn theo tài liệu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia I: “Hội nghị quân sự Trung Giã, xúc tác thành công của Hội nghị Genève”, tr 2.
[2] Dẫn theo tài liệu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia I: “Hội nghị quân sự Trung Giã, xúc tác thành công của Hội nghị Genève”, tr 3.
[3]Tự hào Trung Giã quê tôi, hồi ký của đồng chí Phạm Thành Trung, tài liệu lưu tại huyện Sóc Sơn.
[4] Tự hào Trung Giã quê tôi, hồi ký của đồng chí Phạm Thành Trung, tài liệu lưu tại huyện Sóc Sơn.
[5] Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, hồi ký, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 101.
[6] Dẫn theo: 50 năm Hội nghị quân sự Trung Giã của Nhà báo Hồng Hà, Báo Nhân dân điện tử ngày 5/7/2004.